Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đã gọi tên hơn hai chục doanh nghiệp
Trong số đó, phần lớn là các doanh nghiệp đã "ở sẵn" trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ từ quý 1/2019.
Thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nhưng cũng không ít doanh nghiệp giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận.
Tuy lãi lớn, nhưng để được gia nhập vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ thì không phải dễ. Sự kén chọn thành viên của câu lạc bộ này đã "nổi tiếng". Tính chung cả năm 2018 cũng chỉ có hơn 40 doanh nghiệp trên sàn được đặt chân vào câu lạc bộ.
Những thành viên CLB lãi nghìn tỷ từ quý 1
Trên thực tế, ngay từ quý 1 đã có khoảng 20 doanh nghiệp có vé vào câu lạc bộ, trong đó có những doanh nghiệp lâu nay vẫn thường xuyên chiếm vị trí VIP tại câu lạc bộ.
Trong danh sách những thành viên gia nhập từ quý 1, Vietcombank dẫn đầu với số lãi sau thuế hơn 4.711 tỷ đồng, và tăng thành 9.067 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank hiện đang chiếm vị trí quán quân về lợi nhuận trong số các doanh nghiệp trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2019. Có thể thấy thêm, vị trí quán quân lợi nhuận quý 1 năm ngoái bị Vinhomes "bất ngờ" chiếm đoạt đã bị chính Vietcombank lấy lại trong quý 1 năm nay.
PV Gas (GAS) đứng vị trí thứ 2 ngay từ quý 1 với 3.064 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, và gấp đôi lên trong 6 tháng đầu năm, đạt 6.120 tỷ đồng. Xếp thứ 3 là Vinamilk (VNM) với gần 2.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và Vinhomes (VHM) thứ 4 với 2.687 tỷ đồng. Viettinbank (CTG) xếp thứ 5 với 2.539 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. "Họ" nhà Vin còn có một cái tên được góp mặt là Vingroup (VIC) với 1.010 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - vừa vặn đủ điều kiện điền tên vào danh sách.
"Họ" nhà Masan chỉ có 1 cái tên góp mặt là Masan Resources (MSR) với 1.469 tỷ đồng lợi nhuận ngay từ quý 1, gấp 8,8 lần lợi nhuận đạt được quý 1 năm trước đó. Bên cạnh đó, có thể "miễn cưỡng" điền thêm tên của Masan (MSN) với số lãi quý 1 là 999,8 tỷ đồng.
Nhóm ngành ngân hàng còn góp thêm loạt cái tên khác vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ từ quý 1 như Tecombank (TCB), BIDV (BID), MBBank (MBB).
Ngành hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lãi gần 2.000 tỷ đồng ngay trong quý 1, còn Vietjet (VJC) cũng góp mặt với 1.463 tỷ đồng tiền lãi và Vietnam Airlines (HVN) điền tên với 1.212 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, Petrolimex (PLX), VEAM (VEA), Sabeco (SAB) Hòa Phát (HPG) đều là những cái tên đã bước chân vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ ngay từ quý 1.
Những doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 2
Quý 2 kết thúc, danh sách câu lạc bộ không kéo được quá dài, chỉ thêm vào tên của 3 ngân hàng bao gồm VIB, TPB và STB. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã có sẵn cũng gia tăng thêm lợi nhuận để củng cố vị trí VIP của mình trên bảng xếp hạng. Tính chung, đến hết quý 2 nhóm ngành ngân hàng đã có 8 cái tên góp mặt trong hơn hai chục thành viên.
Theo BCTC, 6 tháng đầu năm 2019 Vietcombank (VCB) ghi nhận, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 11.303 tỷ đồng, LNST đạt 9.076 tỷ đồng, tăng 40,9% so với nửa đầu năm ngoái. Trong nhóm ngân hàng, Vietcombank đang có khoảng cách vượt trội về lợi nhuận so với các đơn vị khác.
Trong số các ngân hàng đã công bố BCTC quý 2, đứng sau VCB về lợi nhuận là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với số lãi sau thuế nửa đầu năm 2019 lên đến 3.931 tỷ đồng, tăng 29,3% so với nửa đầu năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.622 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.898 tỷ đồng, tăng 177% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó LNST riêng quý 2 đạt 1.534 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của ACB tăng 14% so với nửa đầu năm ngoái, đạt hơn 7.400 tỷ đồng, chủ yếu tăng hoạt động tín dụng.
Thấp hơn ACB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chính thức bước chân vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ nửa đầu năm với 1.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 58% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó riêng quý 2 lãi sau thuế đạt 808 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) đạt mức tăng trưởng 49,9% về lợi nhuận sau thuế so với nửa đầu năm 2018, lên 1.151 tỷ đồng – đủ chỉ tiêu ghi tên vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ. Trong đó quý 2 lãi say thuế 307 tỷ đồng.
Hơn cả Sacombank về tỷ lệ tăng trưởng, TPBank (TPB) ghi nhận mức tăng lợi nhuận 58% trong nửa đầu năm 2018, lên 1.295 tỷ đồng, trong đó riêng quý 2 báo lãi sau thuế 613 tỷ đồng.
Một trong những doanh nghiệp trong TOP đã có báo cáo tài chính quý 2 nữa là PV GAS (GAS) với 3.057 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế riêng quý 2, giảm 5% so với quý 2 năm ngoái. Nguyên nhân LNST quý 2 giảm, được công ty giải trình do giá dầu bình quân quý 2 giảm 7% so với cùng kỳ, còn 68,86 USD/thùng. Ngoài ra, công ty bắt đầu trích quỹ thu dọn mỏ với số tiền 390 tỷ đồng. Tổng LNST 6 tháng đầu năm lên 6.037 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. EPS đạt 3.020 đồng.
Những doanh nghiệp không được ghi tên như cùng kỳ
Đáng chú ý, tính đến thời điểm này năm ngoái, danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đã gọi tên đến khoảng 30 doanh nghiệp. Trong số đó, việc Gemadept không có tên trong CLB không khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, vì nửa đầu năm ngoái Gemadept đã ghi nhận lãi từ việc "bán con".
Tuy nhiên việc Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) không có tên trong câu lạc bộ nửa đầu năm nay gây khá nhiều bất ngờ. Nửa đầu năm ngoái Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi say thuế 3.644 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019 lãi sau thuế 877 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm, giá vốn tăng cao.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp góp mặt từ quý 2 năm ngoái đến nay chưa công bố kết quả kinh doanh như Vinhomes Retail (VRE) và một số doanh nghiệp khác. Có thể đến lúc kết thúc báo cáo tài chính quý 2, danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ còn có thêm nhiều cái tên mới.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- DIC Corp (DIG) điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán
- HANCorp báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2019 giảm 10 lần so với cùng kỳ
- Nghịch lý: Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh nhưng cổ phiếu lại quay đầu giảm
- Intresco (ITC) báo lợi nhuận tăng gấp đôi sau soát xét, cổ phiếu tăng 36% sau 2 tháng
- Phân bón Miền Nam (SFG) điều chỉnh giảm 55% LNST sau kiểm toán do LG Vina hủy chia cổ tức