Nghịch lý: Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh nhưng cổ phiếu lại quay đầu giảm
Bên cạnh những doanh nghiệp "ăn nên làm ra" có giá cổ phiếu tăng, thì vẫn còn đó những doanh nghiệp kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm.
Mùa báo cáo tài chính quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng qua đi, cũng là lúc nhà đầu tư nhìn lại những biến động lớn giai đoạn đầu năm, để định hướng cho những tháng cuối năm. Trên thực tế, việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên, giá cổ phiếu cùng với đó tăng theo là kịch bản bình thường nhất.
Song rất nhiều nghịch lý xảy ra, như là kết quả kinh doanh tăng mạnh, nhưng giá cổ phiếu không tăng, thậm chí ngược chiều đi xuống. Hay có những doanh nghiệp, kết quả kinh doanh không thực sự thuận lợi, nhưng giá cổ phiếu lại rất "thăng hoa". Nhìn chung, đồ thị lên – xuống của giá cổ phiếu phụ thuộc phần lớn vào kết quả kinh doanh, nhưng cũng chịu tác động không hề nhỏ từ thị trường, từ cung cầu của nhà đầu tư.
Lấy ví dụ, CEO Group (CEO) đạt 2.566 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm, tăng 140% so với cùng kỳ. Và lợi nhuận sau thuế tăng 124%, đạt 277 tỷ đồng. Dù vậy, giá cổ phiếu CEO cũng đi xuống, ở mức đáy của 1 năm trở lại đây, và vừa xuyên thủng mệnh giá, đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/9 ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 14% so với thời điểm đầu năm 2019.
Đất Xanh Group (DXG) cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu 20% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm với 2.341 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất từ mảng dịch vụ phân phối bất động sản tăng trưởng 27,6%, đạt 1.188,8 tỷ; mảng xây dựng tăng mạnh 34,8% đạt 269,5 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ giao dịch căn hộ, đất nền tăng nhẹ gần 7% lên 859,7 tỷ. Lợi nhuận sau thuế thu về 556,4 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.
Tuy kết quả kinh doanh thuận lợi, nhưng giá cổ phiếu DXG lại tiếp tục giảm sâu, có lúc đã "thủng" luôn mốc 12.000 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 7/8 vừa qua. Hiện DXG đã phục hồi tạm thời về mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm 19,8% so với đầu năm.
Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu DXG giảm, có lẽ là những vấn đề quanh dự án Gem Riverside và khoản đầu tư vào bất động sản tại Long Thành. Dự kiến cuối 2019, đầu 2020 dự án Gem Riverside sẽ khởi công trở lại.
Trong khi đó, theo báo cáo, Đất Xanh đã trúng giá khu đất 92,2ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai với giá đấu thành công 3.060 tỷ đồng. Như vậy, Đất Xanh sẽ cần huy động thêm khoảng 2.500 tỷ đồng cho dự án này. Nếu Gem Riverside không giải quyết nhanh chóng, áp lực tài chính lên Đất Xanh sẽ là khá lớn.
Cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng giảm 28% so với đầu năm 2018, hiện giao dịch ở mức 27.600 đồng/cổ phiếu – DGC cũng rơi về đáy của hơn 1 năm trở lại đây.
Xét tình hình, Hóa chất Đức Giang đã ổn định sau thương vụ sáp nhập với Hóa chất Đức Giang Lao Cai và cùng với đó là sự hợp nhất của CTCP hóa chất Đức Giang Đình Vũ và CTCP Hóa chất Phốt pho Apatit Việt Nam hồi năm ngoái. Hiện vốn điều lệ của Hóa chất Đức Giang đã là 1.293 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 2.487 tỷ đồng, gấp 8,5 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 280,5 tỷ đồng, gấp 13 lần nửa đầu năm ngoái. Tuy vậy, sau sáp nhập Hóa chất Đức Giang cũng đặt chỉ tiêu năm 2019 rất cao với 6.090 tỷ đồng doanh thu và gần 873 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch này, Hóa chất Đức Giang còn cách "đích"rất xa.
Diễn biến giá cổ phiếu DGC trong 1 năm gần đây.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – POW) công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 với hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 28,4% so với nửa đầu năm ngoái trong khi doanh thu tăng 3%, đạt 18.315 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh thuận lợi, trên thị trường cổ phiếu POW đang rơi về vùng đáy của hơn 1 năm trở lại đây, với mức giảm khoảng 18% kể từ đầu năm 2019 đến nay. Hiện POW giao dịch quanh mức 12.850 đồng/cổ phiếu.
POW cũng không phải là cổ phiếu dầu khí duy nhất rớt giá. OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam cũng đã giảm 25% kể từ đầu năm, hiện giao dịch quanh mức 11.300 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu BVS của Chứng khoán Bảo Việt cũng đang rơi về vùng đáy của nhiều năm trở lại đây dù lợi nhuận quý 2 và cả 6 tháng đầu năm 2019 đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, LNST nửa đầu năm 2019 đạt 62,5 tỷ đồng, tăng 12,6% so với nửa đầu năm 2018.
Cùng với đó, cổ phiếu BSI của Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng rơi về vùng đáy của nhiều năm. Nhưng nguyên nhân một phần cũng vì lợi nhuận giảm sâu, còn chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu hoạt động cũng chỉ bằng hơn một nửa, đạt 291 tỷ đồng.
Thiên Long Group (TLG) đạt 1.538 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 185,3 tỷ đồng, tăng 12,9% so với nửa đầu năm 2018, hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy vậy ngược lại trên thị trường cổ phiếu TLG đã giảm 11,7% kể từ đầu năm 2019 đến nay, hiện giao dịch ở mức 56.500 đồng/cổ phiếu.
Hay như Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) đã vượt 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng. Theo báo cáo, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 135 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, LNST đạt 71,2 tỷ đồng tăng 7% so với lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm 2018.
Tuy vậy trên thị trường cổ phiếu TCT lại giảm 17% so với đầu năm, hiện giao dịch quanh mức 46.500 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp được biết tới với thương hiệu taxi Vinasun – CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) vừa trải qua quý 2 và 6 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 1.058 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 76 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo báo cáo, lợi nhuận hiện tại của Vinasun vẫn chỉ bằng khoảng 30-40% so với thời kỳ đỉnh cao trước khi có sự đổ bộ của một loạt các nền tảng gọi xe trực tuyến như Grab, Uber hay Be Group. Đi cùng với sự sụt giảm kết quả kinh doanh, cổ phiếu Vinasun cũng mất trên 50% so với cách đây 3 năm, và giảm gần 19% so với thời điểm đầu năm 2019.
Diễn biến giá cổ phiếu VNS trong 3 năm gần đây.
Bên cạnh đó, còn có những cổ phiếu bất chấp kết quả kinh doanh, bất chấp diễn biến thị trường, đang "một mình một ngựa" băng băng tăng giá. Những cổ phiếu đó được xếp vào nhóm những cổ phiếu "tăng bằng lần" kể từ đầu năm 2019 đến nay như CMX, BOT, VCR hay BAX…
Diễn biến thị trường chứng khoán ngày càng khó dự đoán, nhà đầu tư cần rất tỉnh táo để có thể đầu tư đúng chỗ.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- DIC Corp (DIG) điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán
- HANCorp báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2019 giảm 10 lần so với cùng kỳ
- Intresco (ITC) báo lợi nhuận tăng gấp đôi sau soát xét, cổ phiếu tăng 36% sau 2 tháng
- Phân bón Miền Nam (SFG) điều chỉnh giảm 55% LNST sau kiểm toán do LG Vina hủy chia cổ tức
- PV Drilling (PVD) điều chỉnh giảm 20% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán