Cầu tín dụng vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Hiện tăng trưởng huy động đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng dần được thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng thương mại cũng kém dồi dào hơn giai đoạn trước...
- 09-05-2021Sốt đất, chứng khoán, trái phiếu bùng nổ, Ngân hàng Nhà nước nêu 10 điểm tổ chức tín dụng cần làm chặt
- 03-05-2021Tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì?
Tại phiên giao dịch hôm qua (10/5), lãi suất liên ngân hàng VND đã có bước giảm nhẹ ở kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tháng.
Trong tuần trước, lãi suất vẫn tăng trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch đầu tuần này, một số mức lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhẹ.
Cụ thể, tuần trước, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng thêm 21-23 điểm cơ bản.
Theo đó, chốt tuần ở mức 1,24%/năm ở kỳ hạn qua đêm và 1,26% ở kỳ hạn 1 tuần do nhu cầu nhận nguồn tăng ở một số ngân hàng thương mại lớn. Cùng thời gian, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay không có thay đổi so với tuần cuối tháng 4.
Hiện tại, tăng trưởng huy động đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng dần được thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng thương mại cũng kém dồi dào hơn giai đoạn trước.
Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán SSI cho rằng, với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nền kinh tế.
“Vì vậy, mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý 2/2021. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào”, nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo.
Thực tế cũng cho thấy, sang đến đầu tuần này, lãi suất liên ngân hàng VND giảm 6 điểm cơ bản ở kỳ hạn qua đêm, giảm 1 điểm cơ bản ở kỳ hạn 1 tháng và giữ nguyên ở các kỳ hạn khác. Giao dịch tại qua đêm 1,18%; 1 tuần 1,26%; 2 tuần 0,22% và 1 tháng 0,30%.
Tại thị trường ngoại hối, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 6,1% dù trước đó được kỳ vọng sẽ giảm so với mức 6% của tháng trước. Con số đáng thất vọng này đã củng cố thực tế là chặng đường hồi phục của nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất dài, làm giảm bớt sự hoài nghi về việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Đồng thời, điều này cũng gây áp lực bán tháo USD trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD lùi về 90,2 điểm.
Với việc đồng USD bị yếu đi cùng thông tin cán cân thương mại tháng 4/2021 dự kiến thâm hụt khoảng 900 triệu USD, tỷ giá USD/VND hôm qua đã giảm nhẹ 4 VND, rơi về mức 23.060 VND/USD.
Trái lại, tỷ giá trên thị trường tự do tăng trở lại 30 VND ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.440 – 23.490 VND/USD.
Tại thị trường trái phiếu chính phủ, tuần trước Kho bạc Nhà nước gọi thầu 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu ở 4 kỳ hạn 7, 10, 15 và 20 năm. Lãi suất trúng thầu giữ nguyên ở kỳ hạn 7 năm và nhích tăng 1-2 điểm cơ bản ở các kỳ hạn còn lại. Có 7,54 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%- giảm so với phiên tuần trước (82%).
Lượng phát hành tháng 4 mới chỉ hoàn thành 26% kế hoạch phát hành quý 2 nên lượng gọi thầu của Kho bạc Nhà nước trong tháng 5 và tháng 6 được kỳ vọng khá cao. Tuy nhiên, đây cũng là 2 tháng trái phiếu chính phủ đáo hạn nhiều nhất trong năm 2021 nên nhu cầu tái đầu tư cũng lớn. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.
Trên thị trường thứ cấp, lợi tức gần như đi ngang. Hiện giao dịch 1 năm 0,27%; 3 năm 0,68%; 5 năm 1,16%; 10 năm 2,37%; 15 năm 2,61%; 20 năm 2,98%; 30 năm 3,09%. Giá trị giao dịch bình quân phiên là 9,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 6,4 nghìn tỷ đồng.
VnEconomy