CEO 8X Lê Đăng Khoa: "Kinh doanh phải liều nhưng không phải lao đầu chạy dù biết trước mặt là bức tường bê tông"
Nắm giữ vị trí CEO khi mình chỉ 23 tuổi và dưới mình là các bậc lão thành đầy kinh nghiệm, với Lê Đăng Khoa điều này không hề dễ dàng.
- 14-10-2016“Cuộc chơi” bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc có gì mới?
- 14-10-2016Sức hút từ bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc
- 11-10-2016Sungroup và 6 dự án nghỉ dưỡng “bom tấn”…sẽ biến Vân Đồn thành “thiên đường” du lịch biển
- 11-10-2016Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Sinh lời hơn gửi ngân hàng
Là CEO của công ty Ba Lá Xanh và làng du lịch Tre Việt, Lê Đăng Khoa chỉ mới 33 tuổi nhưng qua những chia sẻ của anh về những bài học kinh doanh khá thú vị của một người trẻ trên con đường khởi nghiệp, cho thấy anh đã… đủ chín mùi đời.
Không chỉ cùng lúc điều hành ba công ty, thực hiện nhiều ý tưởng kinh doanh mới, táo bạo khi sắp đầu tư xây dựng 3 khu du lịch sinh thái thuần Việt tại Cần Thơ, Phan Thiết và Đà Nẵng, Lê Đăng Khoa còn là thầy dạy kỹ năng và quản trị cho sinh viên, sáng lập và điều hành chương trình "Mái ấm ước mơ”, đầu tư mạnh cho cả công nghệ truyền thông bất động sản.
Tiếp quản công ty chuyên sản xuất và kinh doanh phân bón từ gia đình, nhưng anh đã "lèo lái" công ty theo một hướng mới là đầu tư vào BĐS du lịch sinh thái khi tuổi đời còn quá trẻ. Anh có cho rằng mình quá bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường không?
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ 10 năm trước, tôi trở về Việt Nam tiếp quản và điều hành công ty phân bón Ba Lá Xanh do ba tôi gầy dựng. Thời gian đầu, tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ vì áp lực kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường là con số 0.
Hơn nữa, tôi không nghĩ mình sẽ tiếp tục điều hành công ty phân bón của gia đình, tôi muốn kinh doanh và thực hiện những dự án của riêng mình. Nắm giữ vị trí CEO khi mình chỉ 23 tuổi và dưới mình là các bậc lão thành đầy kinh nghiệm. Tôi nghĩ điều này không hề dễ dàng. Trong 3 năm đầu, tôi không thích ngành kinh doanh này và luôn tìm cách thoát khỏi nó.
Thất bại đầu tiên trong đời tôi là thành lập công ty chuyên về mảng in ấn. Số tiền thua lỗ lúc đó đủ lớn để tôi nhận ra mình cần phải nhìn lại tư tưởng của bản thân. Tôi cần phải tập trung và không tự mãn. Kinh nghiệm quản lý 3 năm ở một công ty phân bón không thể nào là chìa khoá vạn năng để mở tung tất cả những cánh cửa của các ngành nghề khác. Muốn thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào, cần phải yêu nó, tìm cách chinh phục và sống trọn với nó. Dục tốc, bất đạt.
Như vậy, anh có cho rằng thành công của anh ngày hôm nay có phần đóng góp rất lớn từ "tài sản" của gia đình mình?
Khu du lịch Tre Việt hiện nay được xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu gia đình, đó cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, đây là nơi ẩm thấp, sình lầy, đường đi chẳng có mà phải qua phà. Ba mẹ tôi lúc đấy cũng lớn tuổi, chỉ muốn đầu tư nó thành một khu nghỉ dưỡng dành cho gia đình.
Nhưng, khi bắt tay vào đầu tư mới vỡ ra nhiều chuyện, chi phí đầu tư khá lớn nên tôi nhận thấy rằng nếu chỉ muốn xây một căn nhà để ở thì cũng phải tự bỏ tiền túi ra đầu tư đường xá đi lại, hệ thống điện nước. Nếu vậy thì phát triển thành một khu sinh thái quy mô, trở thành điểm đến cho mọi người được hưởng thụ một không gian xanh.
Đầu tư ngay trên đất của mình chắc chắn là một lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế của gia đình trong chuyện kinh doanh của tôi chỉ đóng góp khoảng 30%, còn lại là sự quyết tâm của chính bản thân mình. Đặc biệt, kinh doanh thành công hay thất bại còn phải biết đưa ra định hướng, chiến lược cạnh tranh hiệu quả, hợp thời. Có nhiều lúc tôi cảm thấy rất hoang mang vì không biết mô hình sinh thái thuần Việt như vậy có hợp lý hay không, có đưa tôi đến điểm hoà vốn hay không... vì mình đang đi một con đường chẳng giống ai mà đó là con đường do mình tự vẽ ra.
Song, khó khăn đầu tiên là thiếu vốn vì lúc đó không có ngân hàng nào dám cho vay. Khi phái đoàn đến thẩm định, nhìn thấy đường đi vào khu du lịch toàn là đường đất, sình lầy, cảnh vật thì hoang sơ, heo hút, không một bóng cây, cư dân thưa thớt và điện đóm chập chờn, ai cũng nói tôi liều, ngay cả nhân viên xây dựng và kiến trúc sư cũng tỏ ra lo ngại: "Không biết anh nghĩ thế nào mà dám bỏ tiền đầu tư vào đây".
Tôi có một quyết tâm, đó là sau khi đã hoạch định được một chiến lược là phải đeo đuổi đến cùng. Thứ hai là phải biết cách sử dụng đồng vốn, bởi tôi đầu tư dự án nhưng không đi vay mượn nhiều mà phải làm sao không làm ảnh hưởng đến những công ty còn lại.
Sắp tới sẽ là những dự án cùng tên khác tại Cần Thơ, Phan Thiết và Đà Nẵng vì những nơi này đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam. Vì sao anh lại chọn đi theo đúng một hướng đầu tư này?
Hiện nay tôi đánh giá rằng BĐS khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang trong giai đoạn bùng nổ, và tôi sẽ tiếp tục rót tiền đầu tư giai đoạn 2 của khu Tre Việt hiện hữu để nâng công suất phục vụ du khách. Bản thân tôi khi làm dự án theo mô hình sinh thái truyền thống này thì không nghĩ rằng mình sẽ dừng lại ở đây, mà thành công đó chỉ cho mình thêm động lực để mở rộng hoạt động. Tôi cũng chưa hề nghĩ đến việc bán nó đi dù đã có nhiều đối tác ngoại đặt vấn đề, bởi vì tôi xem đó là đứa con tâm huyết, đứa con sinh lợi của mình.
Đầu tư ở những địa phương khác là tôi muốn đưa thương hiệu của mình mạnh hơn nữa, với mong muốn tại tất cả những khu du lịch lớn nhỏ khắp cả nước đều có gương mặt của Trẻ Việt. Tôi vẫn trung thành theo mô hình truyền thống, đầu tư xây dựng những hình ảnh thuần Việt và hy vọng rằng sẽ đáp ứng được thị hiếu của du khách. Tôi nghĩ, chỉ cần một người khách đến hài lòng sẽ có người thứ hai. Đó chính là chiến lược đường dài.
Theo anh, làm dự án du lịch sinh thái cần nhất và khó khăn nhất là gì?
Muốn làm du lịch sinh thái, đầu tiên cần phải có tình yêu và có tâm với thiên nhiên. Vì vậy, tôi làm du lịch sinh thái không chỉ với mục đích khai thác mà còn muốn gìn giữ thiên nhiên. Trước đây, khu vực này không có cây xanh nào sống được, hễ trồng cây xuống là lún, nhờ cải tạo, bây giờ có cây xanh, đường đi, nhất là con sông trong xanh và không hề có rác, tất cả nguyên liệu sử dụng ở đây đều là thiên nhiên để bảo vệ môi trường.
Mỗi lần đến khu du lịch, tôi luôn đặt mình vào người khách khó tính nhất để tìm những cái chưa hoàn chỉnh mà khắc phục. Hiện tôi đang cùng nhóm đối tác nghiên cứu dự án trồng rừng ở Phan Thiết và Củ Chi, đây là dự án từ thiện tôi đang ấp ủ. Còn cái khó của làm du lịch sinh thái là phải liên tục tìm ra cái lạ, cái mới để thu hút khách.
Được biết, anh cũng thừa nhận rằng mình không biết gì về công nghệ, nhưng một hướng đầu tư mới của anh là một dự án công nghệ truyền thông BĐS. Anh có nghĩ rằng mình đang đầu tư quá dàn trải vào nơi mình không có kinh nghiệm?
Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ là phải biết bay bổng, biết dấn thân vào đường đời và luôn tiến về phía trước. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng đã lao vào kinh doanh là phải biết liều, nhưng liều có tính toán chứ không phải lao đầu chạy dù biết trước mặt là bức tường bê tông.
Tôi không giới hạn bản thân mình trong một ngành nghề nào cả, ngành kinh doanh nào cũng phải nghiên cứu nhưng cái khác của tôi là quyết dấn thân vào ngành đó khi đã có trong tay một ekip đủ mạnh, đủ kinh nghiệm để cạnh tranh. Chúng ta chỉ có tiền và con người thôi cũng chưa đủ, mà phải chọn thời điểm đúng mới quyết định sự thành bại.
Anh cũng là một người trẻ đã có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, vậy anh muốn nói gì với những bạn trẻ đang khởi nghiệp?
Khi anh đã quyết định ra khởi nghiệp, anh không chỉ có kiến thức của một CEO, mà phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm về sale (bán hàng, tiếp thị), tài chính, nhân sự... để có thể kết nối được hết mọi cái. Một công ty mà không có mối kết nối của các phòng ban này thì dứt khoác không thành một công ty được.
Chúng ta quan sát thường thấy các bạn trẻ nghĩ rằng mình có kinh nghiệp về sale hay gì đó là lập tức ra mở công ty để khởi nghiệp, nhưng không nắm về tài chính, dòng tiền, dự báo được những rủi ro của thị trường... thì rất dễ thất bại. Các đối tác sẽ rót vốn cho các bạn khởi nghiệp không phải các bạn chỉ có một ý tưởng tốt, mà các bạn còn có hội tụ đủ các yếu tố trên không, biết tính toán xoay xở dòng tiền ra sao, điểm hoà vốn ở đâu và khả năng sinh lời ra sao...
Nói tóm lại, anh đã khởi nghiệp thì anh phải chuẩn bị được cả tiền tuyến và hậu phương. Ý tưởng của chúng ta có nhưng phải mang yếu tố khác biệt, chứ không làm sao "đấu" được với hàng loạt đối thủ khác. Hiện nay, từ những ngành như BĐS đến giặt ủi, ở đâu cũng xuất hiện đầy "ông lớn" cực kỳ chuyên nghiệp, do vậy các bạn trẻ khi quyết định khởi nghiệp nếu có thất bại thì hãy thất bại ngay trên giấy.
Xin cám ơn anh!