CEO ABBank Lê Hải: An Bình sẽ tập trung 2 giải pháp lớn, đặt mục tiêu vào top 8 ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn tốt nhất
Theo ông Lê Hải, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 45% so với 2020 và ngân hàng cũng đặt ra nhiều kịch bản để có thể hoàn thành kế hoạch này.
Kết thúc năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động, song các ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh vượt mong đợi, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2021. Với không ít ngân hàng, 2021 còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là năm mở đầu cho một giai đoạn mới với các chiến lược kinh doanh cùng nhiều tham vọng.
Là người vừa ngồi ghế nóng ở ABBank vào năm 2020, trước đó là Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng Quân đội sau khi gắn bó với nhà băng này tới hơn 22 năm, ông Lê Hải được kỳ vọng sẽ mang tới một luồng gió mới cho ABBank, đặc biệt là dùng thế mạnh về khách hàng cá nhân và SMEs của mình, đưa ABBank tiến thêm những bước tiến mới.
Và thực tế là, trong 1 năm qua, ABBank đang tạo được dấu ấn khá tích cực – năng động hơn, hấp dẫn hơn trên thị trường. Chia sẻ với chúng tôi, vị CEO của ngân hàng cho biết "trong vòng 5 năm tới An Bình sẽ phấn đấu vào top các ngân hàng có hiệu suất sinh lời trên vốn (ROE) tốt nhất thông qua một loạt những chiến lược, dự án lớn được triển khai".
Nhìn lại năm 2020, ông cảm thấy hoạt động kinh doanh của An Bình ấn tượng nhất là gì?
Năm 2020 xảy ra biến động không ai mong muốn đó là dịch Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong đó ngành ngân hàng có liên quan đến tất cả các ngành nghề khác nên tác động cũng rất lớn. Đối với ABBank, năm 2020 vượt qua khủng hoảng Covid mà vẫn đảm bảo sự tăng trưởng là điểm nổi bật ấn tượng của ngân hàng.
Về quy mô, ABBank có tổng dư nợ đạt hơn 69 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 10,2% so với năm 2019, huy động vốn tăng tốt phù hợp nhu cầu sử dụng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019. Thêm vào đó, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, ABBank cũng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng dư nợ được hỗ trợ là 5.000 tỷ đồng cho hơn 800 khách hàng.
Ngoài ra ngân hàng còn từng bước tái cơ cấu hoạt động, giảm chi phí vốn bằng cách tăng CASA, tăng doanh thu từ hoạt động bán lẻ, đặc biệt là khách hàng cá nhân. ABBank cũng bắt đầu có sự tập trung hoá hoạt động nhằm giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Còn kết quả những tháng đầu năm 2021?
Năm 2021 dự kiến nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại. Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Với riêng ABBank, ngân hàng cũng đạt kết quả kinh doanh tích cực, các doanh nghiệp, khách hàng của ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt. Sau 3 tháng đầu năm, ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế 465 tỷ đồng, tương đương hơn 25% kế hoạch cả năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2,83% với dư nợ đạt gần 71,4 nghìn tỷ - là quý đầu năm ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy; trong đó dư nợ khách hàng cá nhân tăng khoảng 15,7%. Mảng dịch vụ cũng đạt kết quả tốt. 3 tháng đầu năm thu dịch vụ 82 tỷ, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hệ số CIR của ABBank cũng được kiểm soát và ngày càng hiệu quả, đã giảm khoảng 3%-4% so với năm trước. Trong 5 năm tới ngân hàng đặt mục tiêu đưa CIR xuống 30%.
Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm của An Bình năm nay thế nào thưa ông?
Theo thông báo của NHNN, ABBank sẽ tăng trưởng tín dụng 6,5%. Ngân hàng đang đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn ở mảng cho vay khách hàng cá nhân. Tốc độ tăng trưởng luôn được xem xét phù hợp với quy mô của ngân hàng, với vốn điều lệ hiện có cũng như vẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn quốc tế cũng như quy định của NHNN.
Ngân hàng có đề ra các mức tăng trưởng khác nhau theo quota tăng trưởng tín dụng không. Nếu không được tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng thì ngân hàng sẽ lấy gì để bù vào khoảng trống đó?
ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 45% so với 2020 và chúng tôi cũng đặt ra nhiều kịch bản để có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận này.
Trên thực tế, đóng góp doanh thu đến từ tín dụng của các ngân hàng đang dần giảm xuống. Các ngân hàng phải giảm NIM do giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trong khi giá vốn đầu vào vẫn cao, dẫn đến các ngân hàng muốn có lãi thì bắt buộc phải tăng doanh thu đến từ dịch vụ. ABBank đã chuẩn bị câu chuyện này với mục tiêu tăng doanh thu dịch vụ năm nay cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020, vào khoảng 667 tỷ đồng.
Cơ sở nào để có con số đó? Trong năm nay ABBank đặt mục tiêu khai thác mới được 300 nghìn khách hàng cá nhân và tăng số lượng sản phẩm dịch vụ trên đầu khách hàng. Trước đây số lượng sản phẩm trên đầu khách hàng chỉ khoảng hơn 1, đến nay và trong năm nay đặt mục tiêu mức độ sử dụng sản phẩm là 2,5 – 3 sản phẩm/khách hàng. Các sản phẩm chú trọng khai thác ở nhóm khách hàng cá nhân là bancas, chuyển tiền quốc tế, dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn trái phiếu… Bên cạnh đó, ABBank cũng sẽ đẩy mạnh khai thác sâu cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả, đặc biệt liên quan bảo lãnh, thanh toán quốc tế, ngoại tệ.
Các ngân hàng đều đang đẩy mạnh CASA, ở An Bình thì thế nào thưa ông?
Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) của ABBank hiện khoảng 17% – 18% và ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ này.
Để tăng CASA, các ngân hàng phải chú trọng vào mảng khách hàng cá nhân và ABBank cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ngân hàng sẽ mở rộng tập khách hàng cá nhân, hiện có khoảng gần 1,1 triệu và như chia sẻ ở trên, năm 2021 ngân hàng đặt kế hoạch có thêm 300 nghìn khách hàng cá nhân nữa, mục tiêu 5 năm là vươn tới con số 3 triệu khách hàng cá nhân. Song song đó, ABBank cũng xác định phải tạo ra nhiều sản phẩm, combo sản phẩm để thu hút khách hàng, để khách hàng sẽ gửi tiền tại ABBank, sử dụng ABBank như một ngân hàng chính trong các hoạt động thanh toán cá nhân. Đặc biệt, ngân hàng cũng chú trọng triển khai App mới là AB Ditizen nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ở mọi nơi, bất cứ lúc nào đều có thể thanh toán được, sử dụng được các tiện ích. Đó là những điều giúp ABBank tăng CASA từ khách hàng cá nhân.
Còn với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi sẽ xây dựng các cộng đồng doanh nghiệp quan hệ tại ABBank, ví dụ như chuỗi khách hàng, chuỗi bán hàng, chuỗi quan hệ của khách hàng lớn, khách hàng SMEs…để tạo ra một "cộng đồng sinh thái An Bình", từ đó CASA khách hàng doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Từ 2 năm trước An Bình đã chú trọng câu chuyện chuyển đổi số, đến nay đã có kết quả gì thưa ông?
Cuối tháng 4 vừa qua, ABBank đã triển khai chiến dịch roadshow giới thiệu về ứng dụng ngân hàng số AB Ditizen với người dân tại 15 tỉnh/thành lớn trên toàn quốc và có kết quả khá bất ngờ. Ngày đầu tiên ra mắt đã thu hút được 10 nghìn khách hàng sử dụng, và con số đã tăng lên đến 20.000 tài khoản người dùng mới trong vòng 3 ngày triển khai. Điểm hết sức đặc biệt khi khách hàng sử dụng App này là mở được tài khoản trực tiếp thông qua App mà không phải đến ngân hàng, có số tài khoản trùng số điện thoại của khách hàng và mọi giao dịch đều được miễn phí hoàn toàn. Mục tiêu của ABBank là hướng tới tạo lập một ngân hàng số phục vụ cho nhu cầu của các công dân số, để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng và các tiện ích cá nhân một cách thuận tiện nhất. AB Ditizen không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp tiết giảm chi phí hoạt động và tạo doanh thu cho ngân hàng.
Đối với hạng mục số hóa vận hành nội bộ, việc nghiên cứu, xây dựng một hệ Smartform hồ sơ tại quầy đã giúp ABBank đẩy nhanh tốc độ giao dịch với khách hàng, tăng hơn 18.000 giao dịch trong 3 tháng đầu năm. Công tác tự động hóa các yêu cầu phát hành/hỗ trợ thẻ ngay khi ghi nhận yêu cầu trên hệ thống và tích hợp các mẫu biểu điện tử đã giúp giảm thời gian thực hiện giao dịch trung bình từ 5 - 7 phút trên mỗi giao dịch phi tài chính như đăng ký các dịch vụ mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, SMEs…
Hay như việc số hóa quy trình thẩm định tín dụng của ABBank bước đầu đã ghi nhận các phản hồi rất khả quan, như: việc áp dụng tính năng tự động hóa một số bước nhằm tối ưu hóa luồng quy trình giúp giảm bớt yêu cầu nhân sự xử lý thô tại một số khâu và tăng tốc độ đẩy luồng hồ sơ tín dụng; giúp rút ngắn được ít nhất 1/3 thời gian xử lý trong quy trình tín dụng, giảm từ 42 bước xuống còn 22 bước. Đặc biệt, việc rút ngắn đến 1/3 thời gian trong luồng quy trình đã góp phần làm tăng năng suất xử lý hồ sơ lên ít nhất 30%, đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng bên ngoài và cho chính khách hàng nội bộ, từ đó tạo cơ sở, động lực để thu hút khách hàng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm/dịch vụ của ABBank.
App của An Bình có gì khác biệt để thu hút khách hàng?
App có sức sống hay không phụ thuộc vào tiện ích của nó. Hiện nay nhiều ngân hàng sử dụng App, nhưng việc sử dụng eKYC để mở tài khoản trùng số điện thoại thì ABBank là 1 trong số ít ngân hàng đầu tiên cung cấp tính năng này cho khách hàng. Có như vậy khách hàng sẽ có thêm tiện ích, sẽ dễ nhớ số tài khoản hơn để sử dụng trong hoạt động thanh toán. ABBank cũng có thể mở cho khách hàng những số tài khoản liên quan đến ngày sinh, ngày cưới, ngày kỷ niệm quan trọng… theo nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, App AB Ditizen còn gắn với tất cả các hoạt động liên quan đến nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của khách hàng, ví dụ như thanh toán điện, nước, viễn thông, hoá đơn, thanh toán phí bảo hiểm, mua vé máy bay, vé tàu xe, vé xem phim, đặt phòng khách sạn… là những tính năng đặc biệt mà không phải ngân hàng nào cũng có. Chưa kể đến những tính năng mà ABBank đang phát triển để tích hợp vào App như chuyển tiền tự động, chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ, cho vay online… Đó sẽ là những điểm đặc biệt tạo nên giá trị lớn hơn cho App của ABBank và chúng tôi tự tin sẽ thu hút được khách hàng.
Ngoài phát triển App, An Bình có định xây dựng ngân hàng số riêng biệt ?
Chắc chắn là có, đây là một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi. Tại sao lại vậy, bởi lẽ hiện nay số lượng khách hàng có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam còn thấp, nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa nơi không có trụ sở đóng trú thì chưa được sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt nhất. Chính ngân hàng số sẽ giải quyết vấn đề mở rộng tệp khách hàng, phục vụ các khách hàng chưa có tài khoản. Trong thời đại công nghệ hiện nay, không có cách nào nhanh hơn bằng cách xây dựng hệ thống ngân hàng số để tiếp cận và phục vụ cho khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng không có điều kiện di chuyển đến trực tiếp các điểm giao dịch của ngân hàng. Công nghệ chính là một phương thức mà chúng ta cần khai thác, tận dụng để phục vụ khách hàng và mang lại lợi ích cho chính khách hàng, cho sự phát triển của xã hội và ngân hàng. Chắc chắn ngân hàng nào cũng mong muốn làm được như vậy, trong đó có ABBank.
Thế còn số hóa trong hoạt động nội bộ ngân hàng thì sao?
Số hoá có 2 phần, 1 phần hướng khách hàng tự sử dụng sản phẩm, ví dụ như khách hàng có thể cài đặt và sử dụng app ngân hàng trên điện thoại . Nhưng có điểm quan trọng hơn quyết định sự thành công của ngân hàng số đó là phải số hoá được các quy trình quản lý nội tại ngân hàng. Đối với ABBank, trong chiến lược 5 năm tới, ngân hàng sẽ tập trung số hoá hoạt động vận hành và số hoá các quy trình để làm sao khi khách hàng sử dụng dịch vụ của ABBank thì sẽ được trải nghiệm một cách nhanh và thuận tiện nhất thông qua việc xử lý về mặt công nghệ, về AI.
Ví dụ trong năm 2020, ABBank đã có những đột phá về số hoá như tập trung hoá và IT hóa hoạt động kho quỹ, dẫn đến lượng tiền tồn quỹ đã tiết giảm đi được khoảng 150 tỷ, việc kiểm soát về luồng tiền mặt trở nên tốt và tối ưu hơn cho ngân hàng. Việc thứ hai là ABBank đã xây dựng được hệ thống Smartform giúp giảm thiểu khá nhiều thao tác về hồ sơ giấy tại quầy (lấy thêm số lượng khách hàng, giảm chi phí hoạt động 300 tỷ/năm), khách hàng cũng dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin về combo sản phẩm, ngân hàng thì nhận diện khách hàng tốt hơn thông qua hình ảnh dẫn tới thời gian, tốc độ xử lý giao dịch trở nên nhanh hơn, giúp giảm 50% chi phí cũng như thời gian giao dịch. Thứ ba nữa là quy trình thẩm định tín dụng cũng được IT hoá, tất cả các bước, các khâu luân chuyển chứng từ được nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là tăng năng suất, tăng hiệu quả làm việc, con người ở đâu đều xử lý được hồ sơ đó.
Kết quả ghi nhận trong năm 2020, chỉ riêng thông qua việc cải tiến, xây dựng Smartform tại quầy và tập trung hóa hoạt động kho quỹ đã đóng góp không nhỏ vào việc giúp ABBank thu hút thêm được hơn 368.000 khách hàng, tiết giảm đến 13% chi phí hoạt động dịch vụ trong, và chính nhờ giảm thời gian giao dịch mà số lượng giao dịch tại quầy được tăng lên đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng phí dịch vụ vào lợi nhuận của ABBank.
Qua những con số khá rõ nét, việc số hóa nội tại chính là câu chuyện không chỉ ABBank mà các ngân hàng khác cũng đang và sẽ phải thực hiện để tối ưu hoá hoạt động của mình.
Chiến lược cụ thể mà ngân hàng đang xây dựng cho 3 – 5 năm tới là gì thưa ông?
Ngân hàng An Bình đặt mục tiêu hướng đến vị trí top 8 ngân hàng tư nhân có tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) tốt nhất; tập khách hàng sẽ lên con số 2 triệu khách hàng cá nhân; thu dịch vụ sẽ chiếm 20% trở lên; thu từ khách hàng cá nhân chiếm 70% trở lên trong tỷ trọng thu nhập.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển bán lẻ 5 năm tới, ABBank cũng sẽ triển khai các hoạt động nhằm thu hút và mở rộng các tập khách hàng, nhằm đa dạng thêm nguồn thu dịch vụ. Đây cũng là xu hướng chung của các ngân hàng Việt hiện nay.
Để đạt mục tiêu chiến lược, những dự án lớn nào sẽ triển khai trong thời gian tới?
ABBank tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn là tăng thu và tối ưu hoá chi phí để phục vụ nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới.
Về tăng thu, ngân hàng sẽ tập trung vào công tác khai thác, mở rộng tập khách hàng và nâng cao năng lực bán hàng để thu hút thêm khách hàng sử dụng dịch vụ.
Về tối ưu hóa chi phí, ABBank đặt mục tiêu giảm CIR xuống mức khoảng 30% trong 5 năm tới thông qua các giải pháp tích hợp công nghệ nhằm tập trung hóa công tác vận hành, tối ưu hoá hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro, tăng chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Nguồn nhân lực sẽ được chú trọng ra sao thưa ông?
Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung và tăng cường các công tác nhằm phát triển nhân lực có kinh nghiệm, trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong kinh doanh để không chỉ tạo ra sản phẩm tốt mà còn phải có dịch vụ tốt phục vụ cho khách hàng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bài: Tùng Lâm
Thiết kế: Hoài Linh
Nhịp sống kinh tế