MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng NCB đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030

27-07-2024 - 10:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét cho ý kiến và cấp có thẩm quyền đã phê duyệt Phương án cơ cấu lại của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tầm nhìn tới 2030, đánh dấu một giai đoạn có thể nói mang tính bước ngoặt trong hành trình tái cơ cấu của ngân hàng này.

Như vậy, tính đến nay, NCB là tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành các thủ tục phê duyệt phương án cơ cấu lại (PACCL) xây dựng theo "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.

Ngân hàng NCB đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030- Ảnh 1.

Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình

Được biết, PACCL được NCB xây dựng trên cơ sở cùng Công ty TNHH Ernst & Young (E&Y) - 1 trong 4 đơn vị tư vấn uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng - triển khai đánh giá và nhận diện độc lập, khách quan, toàn diện về thực trạng ngân hàng, chủ động xác định mục tiêu và đưa ra giải pháp toàn diện cơ cấu lại ngân hàng, và cùng KPMG - đối tác tư vấn nhiều kinh nghiệm và uy tín hàng đầu trên thị trường - đánh giá thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ, xây dựng lộ trình hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với định hướng phát triển của NCB trong những năm tiếp theo.

PACCL của NCB trình bày đầy đủ, toàn diện thực trạng hoạt động của ngân hàng trên mọi khía cạnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, giải pháp tổng thể, toàn diện khắc phục căn bản các vấn đề tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đảm bảo NCB phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Phương án được NHNN cho ý kiến ngày 07/02/2024 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tháng 6 vừa qua.

Đại diện NCB cho biết, ngân hàng đã khẩn trương và quyết liệt triển khai việc phân loại lại tài sản có theo phương án cơ cấu lại (PACCL) ngay sau khi được phê duyệt. Sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng dự kiến vào quý IV/2024, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu đã được phê duyệt theo đúng quy định, từng bước đạt đến mục tiêu hoạt động hiệu quả và bền vững. Cũng theo PACCL đã được phê duyệt, NCB sẽ tăng vốn thêm 23.500 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Như vậy, dự kiến quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028. Đồng thời, ngân hàng sẽ hoàn thành việc xử lý các tài sản tồn đọng và hoàn thành PACCL vào năm 2029, đưa NCB trở thành một trong những ngân hàng uy tín, lành mạnh, hiệu quả, cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính tốt nhất trên thị trường.

Hành động này của ngân hàng được đánh giá tích cực bởi chính sự công khai, minh bạch sẽ giúp ngân hàng tìm kiếm được các giải pháp bài bản, đúng đắn, phù hợp để giải quyết căn bản các tồn đọng, khắc phục một cách toàn diện các vấn đề tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đây cũng là lý do chính khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục tăng cao tại thời điểm 30/6/2024.

Theo NCB, việc bắt tay vào công cuộc tái cấu trúc một cách bài bản, toàn diện theo giải pháp tổng thể và lộ trình rõ ràng đã được phê duyệt, dưới sự góp ý, giám sát của NHNN và các cơ quan chức năng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức là sự nỗ lực to lớn của cả bộ máy NCB. Đồng thời, cũng thể hiện cam kết cao nhất của ngân hàng đối với đối tác, khách hàng, cổ đông trong việc quyết tâm đưa NCB trở thành một ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. NCB cũng khẳng định đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục, các chỉ số an toàn hoạt động tuân thủ tuyệt đối theo quy định của NHNN, mọi tài sản, giao dịch của khách hàng tại NCB đều được bảo đảm an toàn và không ngừng gia tăng giá trị cho khách hàng.

Kết thúc nửa đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh doanh tích cực

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2024 vừa được NCB công bố, nhờ quyết liệt chuyển đổi toàn diện về hạ tầng và giải pháp công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nguồn lực con người, NCB đã đạt nhiều kết quả tích cực, duy trì hoạt động an toàn, ổn định.

Cụ thể, kết thúc nửa đầu năm 2024, tổng thu nhập hoạt động của NCB đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng 18,1% so với 6 tháng đầu năm 2023. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 49,6 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 303% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động kinh doanh chứng khoán của NCB tiếp tục là điểm sáng, khi ghi nhận mức lãi hơn 122,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Niềm tin của khách hàng đối với NCB ngày càng được củng cố, thể hiện ở mức tiền gửi khách hàng liên tục tăng trưởng trong một năm qua. Tính đến 30/6/2024, tiền gửi khách hàng tăng 11,1% so với cuối năm 2023, tương ứng mức tăng gần 8.563 tỷ. Số dư tiền gửi (CASA) của khách hàng cũng tăng hơn 483 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Cho vay khách hàng tính đến 30/6/2024 đạt 64.198 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với 31/12/2023.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của NCB đạt 103.312 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thời điểm cuối 2023. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 13,84%, đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tổng lợi nhuận trước thuế của NCB ghi nhận mức lãi 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do biến động tỷ giá không thuận lợi, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối giảm so với cùng kỳ 2023. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ngân hàng này đặt mục tiêu đạt 105.892 tỷ đồng tổng tài sản trong năm 2024.

Được biết, NCB đã xác định được 13 nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký mua cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và đang tiếp tục đẩy nhanh lộ trình, quyết tâm hoàn thiện tăng vốn theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua hồi tháng 4 vừa qua.

Dự kiến, sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng, NCB sẽ không chỉ sở hữu và duy trì một "bộ đệm thanh khoản" tốt, mà còn tăng cường được nguồn lực tài chính để tái cơ cấu toàn diện ngân hàng và triển khai các bước đi mang tính đột phá, hướng tới mục tiêu chiến lược mới.

Song song với việc triển khai quyết liệt PACCL, NCB cho biết đã triển khai mạnh mẽ Chiến lược mới và dự án chuyển đổi số bằng mọi nguồn lực từ đầu năm 2024. Đến nay, NCB không ngừng số hóa các trải nghiệm khách hàng. Ứng dụng NCB iziMobile là một trong những ứng dụng ngân hàng số được yêu thích trên thị trường với các trải nghiệm vượt trội. NCB cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng xác thực sinh trắc học với trải nghiệm mượt mà theo quy định của NHNN trước ngày 01/7.

Ngân hàng NCB đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030- Ảnh 2.

Tháng 4/2024, NCB đã ký kết hợp tác triển khai Giải pháp Điện toán Đám mây và Nền tảng dữ liệu data lake trên nền tảng Google Cloud với hai đối tác công nghệ hàng đầu CMC Telecom và LUMIQ, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nền tảng và kiến trúc dữ liệu hiện đại nhất trên thị trường. Ngày 10/7, NCB cũng đã chính thức ký kết hợp tác triển khai nền tảng Quản lý Quan hệ Khách hàng (CRM) với đối tác công nghệ hàng đầu thế giới Zoho Corporation, đánh dấu cột mốc quan trọng tiếp theo trên hành trình số hóa và chuyển đổi toàn diện của ngân hàng.

Dự kiến cuối năm 2024 - đầu năm 2025, ngân hàng này sẽ cho ra mắt giải pháp quản lý gia sản hỗn hợp số đầu tiên mang tính vượt trội và chưa từng có tại thị trường Việt Nam.

NCB cũng liên tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao, nâng cao năng lực điều hành. Mới đây, ngân hàng đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Hợi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Miền Nam.

Ông Nguyễn Viết Hợi sinh năm 1983, là Thạc sỹ Tài Chính Ngân hàng tại ĐH Kinh Tế - Luật - ĐH Quốc Gia TP.HCM. Ông đã hoàn thành chương trình đào tạo cán bộ quản lý Ngân hàng cấp cao do Ngân hàng Nhà nước và Cục Liên Bang Kinh Tế Thụy Sỹ tổ chức và có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, đảm nhiệm những vị trí điều hành quan trọng tại Ngân hàng TMCP Nam Á.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, những bước đi mạnh và quyết liệt trên đã cho thấy sự quyết tâm, chủ động của NCB, hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Kim Ngân

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên