CEO Cake làm rõ quan điểm “nhịn” uống trà sữa 40 năm tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng và nguyên tắc đa dạng hóa khẩu vị rủi ro trong đầu tư tài chính
Liệu có nên đầu tư càng sớm, càng tốt và nên đầu tư như thế nào với những người trẻ chưa có quá nhiều kinh nghiệm?
Đầu tư để tăng trưởng quỹ tài chính cá nhân là phần không thể thiếu trong kế hoạch độc lập tài chính cho người trẻ. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào để "tiền đẻ ra tiền" đòi hỏi kiến thức và trải nghiệm thực tế.
Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) đã chia sẻ góc nhìn về việc đầu tư từ sớm của người trẻ thế hệ Z.
Vừa rồi, ông làm dậy sóng MXH với phát biểu "Nhịn uống trà sữa trong 40 năm sẽ tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng", điều đó liệu có khả thi trong xu hướng sống YOLO của giới trẻ hiện nay? Bằng cách nào có thể sinh lời từ những khoản tiền lẻ như vậy?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Việc uống trà sữa chỉ là một ví von sinh động để gần gũi hơn với các bạn trẻ GenZ. Tôi mượn hình ảnh ly trà sữa để thể hiện rằng lâu nay chúng ta nghĩ việc đầu tư phải cần một số tiền rất lớn, nhưng thực tế, với sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế số ngày nay, tất cả những rào cản về vốn và quy trình đầu tư đều sẽ được xóa bỏ.
Tôi muốn nhấn mạnh với những khoản đầu tư rất sớm, chỉ từ 30.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng là các bạn đã có thể đầu tư vi mô. Đầu tư càng sớm, càng tận dụng được ưu thế của lãi kép.
Lãi kép có 2 yếu tố, thứ nhất là thời gian, thứ 2 là lãi suất. Công thức tính lãi kép hiểu đơn giản là sau khi lấy lãi về thì dồn vào tiền vốn, sau đó tiếp tục đưa tất cả số tiền đó tái tiết kiệm đầu tư để lấy lại giá trị cao hơn ở chu kỳ sau.
Nếu thời gian chúng ta bắt đầu đầu tư hay tiết kiệm càng sớm, và chọn một sản phẩm có lãi suất tối ưu nhất thì sẽ có khả năng sinh lời rất lớn trong tương lai. Tức với số tiền nhỏ từ 10.000 đồng, hoặc 1 ly trà sữa mỗi ngày, vẫn có thể tạo ra số tiền lên tới 2,4 tỷ trong vòng 40 năm, hay là khoảng 500 triệu đồng trong vòng 20 năm.
Đó là lí do Cake đặt ra hạn mức tối thiểu chỉ 10.000 đồng cho sản phẩm đầu tư trên Cake? Tại sao lại là con số đó, trong khi 10.000 đồng thậm chí còn không mua được một ổ bánh mì?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Con số 10.000 đồng không chỉ là điểm khác biệt của sản phẩm mà còn chứa đựng triết lí của chúng tôi khi phát triển dự án này. Đối với những bạn trẻ mới bắt đầu đi làm và cả các bạn sinh viên, việc tối ưu từng đồng tiền lẻ rất quan trọng, vậy nên chúng tôi đặt ra hạn mức tối thiểu đó để sản phẩm mang tính tinh gọn, đơn giản nhất có thể mà vẫn có sức hút.
Đơn cử khi các bạn mua một món đồ trị giá 50.000 đồng, sẽ có những nơi bán với giá rẻ hơn hay đang giảm giá thấp hơn còn 30.000 đồng chẳng hạn, vậy thì số tiền còn lại các bạn có thể đưa ngay vào khoản đầu tư trên Cake.
Hơn nữa trên thị trường ngày nay, nhiều đơn vị đang đặt ra hạn mức tối thiểu là 50.000, 100.000 hay 200.000 đồng, nhưng chúng tôi không muốn giới hạn như vậy. Đó chính là sự linh hoạt của Cake giúp các bạn có thể đầu tư bất cứ lúc nào, với bất kỳ hạn mức nào mà không gặp phải trở ngại gì.
Vì sao ông lại dành sự quan tâm đặc biệt đến GenZ và Millennials?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Thế hệ Z và Millennials là những công dân bản địa số, họ rất am hiểu về công nghệ và môi trường số hóa, thêm nữa những công cụ dễ tương tác sẽ là điểm nhấn thu hút đối với các bạn. Thế hệ này thường có mong muốn các trải nghiệm dịch vụ tốt hơn so với phương cách giao dịch truyền thống tại các chi nhánh ngân hàng. Họ muốn mọi thứ được thao tác nhanh gọn trên các thiết bị di động thông minh, chuộng sự đơn giản, tiện lợi và đòi hỏi cao về mặt trải nghiệm.
Đây cũng là hai phân khúc chiếm phần lớn dân số Việt Nam hiện tại. Vậy nên từ ngày đầu phát triển Cake, chúng tôi định hướng đây là ngân hàng số thế hệ mới, nơi mà chỉ với vài thao tác đơn giản là khách hàng có thể mở tài khoản đầu tư một cách thuận tiện. Tôi tin rằng với sức mạnh công nghệ của mình cùng sự cộng hưởng với hệ sinh thái Be Group, GenZ và Millennials sẽ trở thành phân khúc khách hàng tiềm năng nhất.
Thường thì tuổi trẻ sẽ có "máu liều" rất cao, người ta sẽ thích những thứ gì đó "high risk, high return". Vậy tính an toàn của Cake liệu có đủ sức hút với tập khách hàng đang hướng đến?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Tôi hiểu rằng khẩu vị rủi ro của người trẻ bây giờ rất muôn hình vạn trạng, họ có thể đầu tư vào những loại hình "high risk, high return", nhưng không phải ai cũng được trang bị đủ kiến thức, vẫn còn nhiều người trẻ chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư tài chính.
Chúng ta chỉ nên mạo hiểm khi chuẩn bị được phương án dự phòng an toàn. Cách thức mà Cake đảm bảo an toàn cho các bạn là kết hợp với quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam - Dragon Capital để trước hết giúp các bạn có nền tảng vững chắc. Tôi nghĩ khi kiến thức tài chính của các bạn đủ chắc chắn, các bạn hoàn toàn có thể phân chia khoản đầu tư của mình thành nhiều danh mục khác nhau, trong đó vừa có danh mục đầu tư an toàn, cũng có thể gồm danh mục đầu tư rủi ro với khoản lợi tức tốt hơn.
Từ kinh nghiệm của mình, ông có nguyên tắc và lời khuyên gì cho các bạn GenZ tham gia đầu tư khi còn rất sớm?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Nguyên tắc đầu tiên là không mất tiền. Theo tôi, Gen Z và các F0 nên đầu tư vào việc học và nắm bắt các kiến thức tài chính cơ bản trước. Khi chúng ta nắm bắt được kiến thức cơ bản sẽ hiểu nên đầu tư ở đâu và biết ở đâu là rủi ro, ở đâu là cơ hội. Để quản trị rủi ro thì đầu tư cho việc học là bước khởi đầu nên làm.
Tiếp theo chúng ta nên chọn loại hình đầu tư cơ bản, đơn giản để quen và trải nghiệm trước. Đa dạng phân bổ số tiền tích lũy đầu tư vào các loại hình đơn giản và an toàn như mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, quỹ cổ phiếu. Khi có thêm kiến thức về quản trị doanh nghiệp thì đầu tư cổ phiếu.
Quan trọng là các bạn quản trị được tài sản cá nhân một cách an toàn, khi kiến thức đủ lớn và trải nghiệm đủ tốt, cơ hội tăng thêm số tiền đang có vào kênh "high risk, high return" sẽ rất rộng mở.
Nhìn làn sóng F0 đầu tư ồ ạt trong 2 năm qua, ông nhìn thấy cơ hội gì khi thị trường bùng nổ các sản phẩm đầu tư cho giới trẻ?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Tôi nhìn thấy rõ nhu cầu tối ưu dòng tiền để sinh lời của khách hàng sau làn sóng F0 bùng nổ trong 2 năm vừa qua. Những tháng đầu năm, thị trường chứng khoán khó khăn trở thành rào cản cho F0 mới tham gia, nhưng đó lại là cơ hội cho các loại hình sản phẩm tài chính nở rộ. Điều đó giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư cũng như thiết kế được bộ phương thức quản trị rủi ro khác nhau.
Chúng tôi đã và đang đưa ra nhiều sản phẩm đầu tư gồm rất nhiều khẩu vị rủi ro, và điều quan trọng nhất là có một tổ chức uy tín đứng sau đảm bảo. Việc kết hợp với Dragon Capital, một quỹ đầu tư có thâm niên hoạt động đã lâu ở Việt Nam với "performance" tốt trong thời gian qua sẽ đem lại sự an tâm cho các nhà đầu tư trẻ.
Với Cake, tính an toàn và sự tối ưu trong đầu tư được chúng tôi ưu tiên đưa lên hàng đầu. Trong bối cảnh diễn biến thị trường bất ổn, chúng tôi hết sức chú trọng việc giúp khách hàng F0 bảo toàn được tài sản của họ.
Ngoài tính an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư trẻ, còn điều gì khiến Cake có thể cạnh tranh được với các "ông lớn" ngân hàng khác trên thị trường?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Cake là ngân hàng số miễn phí trọn đời, từ tất cả các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, mở tài khoản, duy trì tài khoản...Điều đó sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo với tôn chỉ là một ngân hàng số hàng đầu cho giới trẻ.
Trở lại câu hỏi làm cách nào để cạnh tranh, tôi cho rằng trải nghiệm của khách hàng sẽ là kết quả phản hồi tốt nhất. Ở ngân hàng số Cake, chỉ trong vòng vài phút là đã có thể hoàn thiện xong một thẻ tín dụng hay một khoản vay. Trong khi thông thường phải mất 2-3 ngày, thậm chí nhiều ngân hàng mất cả tuần mới hoàn thành. Đó là nhờ năng lực về công nghệ, năng lực xử lý AI, big-data mà chúng tôi xây dựng để thấu hiểu khách hàng, mang lại cho họ trải nghiệm tốt nhất.
Đến một thời điểm nào đó, tất cả các sản phẩm tài chính sẽ đồng bộ giống nhau, trải nghiệm khách hàng khác biệt khi đó sẽ là lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Bên cạnh đó, bắt tay với hệ sinh thái Be Group bao gồm rất nhiều dịch vụ khác nhau như gọi xe, giao hàng, giao thức ăn, mua vé máy bay, bảo hiểm,… chúng tôi sẽ kết nối với hệ thống thanh toán của Be để bảo đảm việc thanh toán liền mạch. Việc giao dịch sẽ thuận lợi hơn và rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Sau 16 tháng hoạt động, Cake đã có 1,7 triệu khách hàng trên khắp Việt Nam. Đây là minh chứng chúng tôi đang tạo ra một sản phẩm đơn giản, hấp dẫn trên thị trường cho phân khúc GenZ và Millennials.
Việc Cake đặt mục tiêu sẽ trở thành ngân hàng số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong 3-5 năm tới cũng là dựa trên những kết quả và lợi thế cạnh tranh đó?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Mục tiêu chúng tôi đặt ra hoàn toàn dựa trên những cơ sở và kết quả thực tế.
Thứ nhất, thời gian qua chúng tôi đã đầu tư vào nền tảng công nghệ, hạ tầng và con người để trở thành một ngân hàng số thế hệ mới bền vững. Chúng tôi đầu tư vào hệ thống ngân hàng lõi core-banking với Mambu là tên tuổi hàng đầu thế giới. Điều này giúp Cake thiết kế được sản phẩm ưu việt so với thị trường, phục vụ khách hàng ở quy mô lớn.
Thứ hai, chúng tôi tập hợp đội ngũ nhân sự người Việt rất giỏi, họ nhiệt huyết, quyết liệt trong việc phát triển ngân hàng số made in Việt Nam hàng đầu khu vực. Đội ngũ công nghệ, sản phẩm, marketing của Cake cũng rất trẻ và am hiểu digital để cùng nhau xây dựng sản phẩm hấp dẫn, đáng tin cậy.
Cuối cùng, chúng tôi có nền tảng hệ sinh thái gắn liền với Be Group để tích hợp với dịch vụ tài chính của Cake. Việc tiên phong tích hợp vào một hệ sinh thái số đa dạng như Be Group là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Cake, mang lại giá trị gia tăng tuyệt đối cho khách hàng.
Đó là 3 điểm giúp chúng tôi tự tin xây dựng ngân hàng số made in Việt Nam hàng đầu Đông Nam Á.
Theo ông, dư địa của các mô hình fintech thời gian tới sẽ như thế nào? Cake sẽ làm gì để tiếp tục chinh phục được nhiều người trẻ?
Ông Nguyễn Hữu Quang: Với xu thế mở rộng của mảng fintech, tôi cho rằng 5-10 năm tới sẽ là thời cơ rất lớn của ngành này, giúp giải quyết được bài toán tài chính toàn diện tại thị trường Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam, lượng tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán tăng dần nhưng nhiều dịch vụ tài chính còn giới hạn. Chẳng hạn muốn tiếp cận một khoản vay hay mở thẻ tín dụng không hề dễ dàng nếu chúng ta không đi làm công ăn lương, không chứng minh được thu nhập,...
Từ việc phổ cập tài chính toàn diện phải đối diện với khá nhiều rào cản, cơ hội cho các đơn vị fintech tham gia cùng với ngân hàng để giải bài toán đó sẽ rất lớn. Việt Nam là đất nước có nền công nghệ phát triển, gần đây các ứng dụng liên quan đến trí tuệ nhân tạo và big-data cũng ngày càng nổi lên. Hay việc đề cao hành lang pháp lý như eKYC, các dự thảo về sandbox cho fintech và blockchain cũng sẽ thúc đẩy giải quyết bài toán dịch vụ tài chính.
Như vậy, sự kết hợp giữa fintech và ngân hàng sẽ tạo ra giá trị cho khách hàng và giải quyết bài toán tài chính toàn diện cho một quốc gia. Cake cũng sẽ theo đuổi mô hình đó để tiếp tục chinh phục được nhiều khách hàng, trong đó quan trọng là xây dựng tư duy tài chính vững chắc cho nhiều người trẻ, hướng đến xây dựng thị trường ổn định, minh bạch.