CEO FiinRatings: “Việc thu xếp dòng tiền trả nợ trái phiếu vẫn là thách thức lớn với các chủ đầu tư”
“Việc giải quyết vấn đề hiện nay của tín dụng bất động sản hay trái phiếu bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án cụ thể đã được triển khai theo các quy định cũ hoặc hiện hành để dự án đó được tiếp cận vốn tín dụng, triển khai và mở bán”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings nêu quan điểm.
- 29-02-2024SSI và các quỹ ngoại đầu tư 500 tỷ đồng trái phiếu vào Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An
- 22-02-2024Thêm một công ty con của CII huy động 550 tỷ đồng trái phiếu
- 17-02-2024Saigon Glory của Chủ tịch Vũ Quang Bảo gia hạn thành công 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng
Vấn đề - Nhận định CEO FiinRatings: “Việc thu xếp dòng tiền trả nợ trái phiếu vẫn là thách thức lớn với các chủ đầu tư” Đinh Thơm (thực hiện) • 01/03/2024 06:36
“Việc giải quyết vấn đề hiện nay của tín dụng bất động sản hay trái phiếu bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án cụ thể đã được triển khai theo các quy định cũ hoặc hiện hành để dự án đó được tiếp cận vốn tín dụng, triển khai và mở bán”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings nêu quan điểm.
Rủi ro hay tác động đến nhà đầu tư vẫn hiện hữu
Phóng viên : Thưa ông, số liệu cho thấy năm 2024 sẽ là đỉnh điểm về đáo hạn trái phiếu. Ông đánh giá như thế nào về áp lực đáo hạn trái phiếu của năm nay?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Tính đến ngày 29/2/2024, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức phát hành phi ngân hàng đến hạn trong các tháng còn lại của 2024 ở mức 240,9 nghìn tỷ đồng. Con số này bao gồm cả gốc và lãi dự kiến và sau khi đã thực hiện giãn hoặc tái cơ cấu, bao gồm cả theo Nghị định 08.
Mặc dù con số tuyệt đối đã giảm đi khá nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm và trước khi thực hiện tái cơ cấu nhưng có thể nói rủi ro vẫn còn hiện hữu với các nhà đầu tư hiện đang sở hữu những lô trái phiếu đó.
Chúng tôi muốn lưu ý đến giá trị đáo hạn cho cả 3 nhóm ngành bất động sản, xây dựng, du lịch và giải trí hiện mức 186,6 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong các tháng còn lại của năm 2024 (trong đó bất động sản 131,9 nghìn tỷ đồng, xây dựng và vật liệu 26,8 nghìn tỷ đồng; du lịch và giải trí 23,1 nghìn tỷ đồng, tính đến thời điểm ngày 28/2/2024).
Đây là những ngành theo chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước mà đỉnh điểm là năm 2021 về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động.
Do đó, rủi ro hay tác động đến nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư cá nhân là vẫn hiện hữu. Chúng tôi dự báo mặc dù Nghị định 08 đã hết hiệu lực nhưng hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu vẫn sẽ diễn ra theo cơ chế đàm phán giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Riêng với người mua trái phiếu là các ngân hàng thương mại thì rủi ro ảnh hưởng đến nợ xấu có thể gia tăng bởi phần đông các tổ chức phát hành cũng có dư nợ tín dụng với ngân hàng bên cạnh trái phiếu.
Phóng viên: Thực tế, khá nhiều doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn trong năm nay là những doanh nghiệp bất động sản không niêm yết và có ít thông tin trên thị trường, kết quả kinh doanh công bố cũng không mấy khả quan. Vậy theo ông khả năng thanh toán của các doanh nghiệp này ra sao?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Thời gian gần đây, chất lượng công bố hoặc kê khai thông tin đã cải thiện đáng kể theo quy định mới của Nghị định 65 và yêu cầu tập trung giao dịch tại HNX từ tháng 7/2023 đối với trái phiếu riêng lẻ, tuy nhiên để đánh giá và cập nhật về khả năng trả nợ trái phiếu rõ ràng là một thách thức rất lớn, nhất là đối với nhà đầu tư cá nhân.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết và nhất là công ty dự án thì thời gian qua nhiều công ty đã được hỗ trợ nhất định về dòng tiền từ việc tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, trước thực tế thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc, việc thu xếp dòng tiền thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn là một thách thức lớn đối với các chủ đầu tư.
Trên góc độ rủi ro thị trường thì đây vẫn là một yếu tố mà hiện nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang phải đối mặt với việc chậm thanh toán sẽ tiếp tục diễn ra và phải thực hiện đàm phán giãn hoãn cho các lô trái phiếu này.
Phóng viên: Thống kê cho thấy, tỷ lệ chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu ở nhóm doanh nghiệp bất động sản đang cao gấp nhiều lần các nhóm ngành khác. Liệu con số này có tiếp tục tăng lên trong năm 2024 không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Tỷ lệ chậm trả trái phiếu bất động sản ở mức khoảng 23,5% trên giá trị đang lưu hành vào cuối năm 2023. Con số này được tính dựa trên cả các lô trái phiếu đã được tái cơ cấu.
Trên góc độ rủi ro an toàn hệ thống thì chúng tôi đánh giá rủi ro là không lớn bởi mức độ quy mô của trái phiếu bất động sản đang lưu hành (403,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 96% tương đương 387,4 nghìn tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ) còn chưa quá lớn trên tương quan với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (chiếm khoảng 2,9% dự nợ tín dụng toàn hệ thống) và những tác động lan truyền về cơ bản, theo chúng tôi, đã được kiểm soát.
Các hoạt động phát hành mới năm 2023 của ngành bất động sản với tổng giá trị 87 nghìn tỷ đồng, hầu hết gắn với những doanh nghiệp lớn hoặc các dự án có rủi ro pháp lý thấp hơn giai đoạn trước kia. Ngoài ra, hầu hết trái phiếu đó được mua và sở hữu bởi các ngân hàng thương mại nên chúng tôi kỳ vọng vào sự đánh giá và thẩm định kỹ lưỡng bởi các ngân hàng trong quyết định tài trợ của họ.
Phóng viên: Theo ông, việc Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua sẽ có tác động ra sao đến thị trường bất động sản nói chung. Kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường bất động sản có giúp trái phiếu bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Những quy định mới hoặc sửa đổi của các bộ luật trên đều sẽ có tác động tích cực cho thị trường vốn nói chung bởi các quy định mới này cung cấp những hướng dẫn cụ thể hơn nhất là đối với việc minh bạch trong tính pháp lý của dự án hoặc sản phẩm bất động sản vốn là yếu tố rủi ro lớn trong giai đoạn hiện nay.
Sau những vụ vi phạm vừa qua thì rất khó để ngân hàng có thể cho vay hoặc doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu doanh nghiệp cho một dự án chưa sạch về pháp lý. Do đó, những quy định mới nhất là của Luật Đất đai (sửa đổi), ví dụ như những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất hay thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất,... sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động huy động vốn, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp trong những năm tới đây.
Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách mới sẽ cần thời gian và sau khi luật đi vào hiệu lực cùng với các văn bản dưới luật sẽ được ban hành. Do đó, tác động đến sẽ mang tính tạo nền tảng cho sự phục hồi của thị trường bất động sản thay vì hỗ trợ giải quyết các vấn đề hiện nay của trái phiếu bất động sản.
Việc giải quyết vấn đề hiện nay của tín dụng bất động sản hay trái phiếu bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án cụ thể đã được triển khai theo các quy định cũ hoặc hiện hành để có thể dự án đó được tiếp cận vốn tín dụng, triển khai và mở bán.
Thị trường trái phiếu riêng lẻ nên có sự tham gia chính là nhà đầu tư tổ chức
Phóng viên: Thời gian qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực đưa ra những giải pháp để giúp thị trường trái phiếu hồi phục và phát triển lành mạnh hơn. Theo ông, những giải pháp này đã đủ mạnh hay chưa?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Rõ ràng các quy định mới của Nghị định 65 đã góp phần chuẩn hóa điều kiện phát hành chặt chẽ hơn và minh bạch hơn, cũng như nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan vào một giao dịch trái phiếu, kể cả cam kết chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, Nghị định 08 của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho việc “hạ cánh mềm” của thị trường trái phiếu hay các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc nới lỏng các điều kiện cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp (Thông tư 16 và sau đó là Thông tư 03). Sự nhịp nhàng trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) từ phía NHNN cũng góp phần giảm áp lực cho các khách hàng vay gặp khó khăn, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Việc đăng ký giao dịch tập trung đối với trái phiếu riêng lẻ trên HNX cũng là một giải pháp quan trọng nhằm tạo thanh khoản cho thị trường này và góp phần cải thiện minh bạch thông tin, nhất là về giá trái phiếu và lợi tức trái phiếu gắn với chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm. Điều này đang từng bước góp phần hình thành nền tảng mềm của thị trường để hướng đến phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng thị trường trái phiếu riêng lẻ theo thông lệ quốc tế và khu vực thì nên là thị trường với sự tham gia chính của các nhà đầu tư tổ chức. Quy định mới nâng cao chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp khi tham gia đầu tư trái phiếu riêng lẻ là một chính sách tốt nhằm thực hiện định hướng này.
Song song với biện pháp trên, cần có các chính sách tháo gỡ để có thể cải thiện sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức ngoài các ngân hàng thương mại sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách nhanh và bền vững nhằm thực hiện mục tiêu nâng quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên 25% GDP vào năm 2025 và lên 30% vào 2030 như Chính phủ đã đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán vào cuối năm 2023.
Do đó, việc rà soát các chính sách hiện nay không chỉ trên thị trường trái phiếu mà các quy định liên quan đến quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm,... sẽ là yếu tố quan trọng để có thể khai thông phía cầu của thị trường và hướng đến sự phát triển bền vững hơn và tránh những hệ lụy có thể xảy ra tương tự trong tương lai do sự tham gia quá nhiều của nhà đầu tư cá nhân, kể cả chuyên nghiệp vào trái phiếu riêng lẻ.
Các thiết chế chính sách nên hướng việc nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các quỹ được quản lý chuyên nghiệp hoặc kênh trái phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng nhưng các nước trong khu vực đã làm.
Phóng viên: Có thể thấy thị trường trái phiếu đã có những chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023, vì sao lại chững lại vào đầu năm 2024? Với những diễn biến của thị trường trái phiếu đầu năm 2024, ông có dự báo gì cho cả năm?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Việc khởi sắc vào nửa cuối năm 2023 nhờ vào các yếu tố chính bao gồm: việc triển khai theo quy định mới của Nghị định 65, các giải pháp tháo gỡ pháp lý bất động sản và tận dụng môi trường lãi suất thấp cũng như tận dụng việc nới room tín dụng của hệ thống ngân hàng vào những tháng cuối năm.
Sang 2 tháng đầu năm 2024, mặc dù môi trường lãi suất trong nước vẫn thấp nhưng như chỉ ra ở trên, việc tập trung cơ sở nhà đầu tư vào các ngân hàng thương mại trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác chưa khởi sắc đã làm cho hoạt động phát hành suy giảm hoặc ít sôi động trở lại cùng với việc tăng trưởng tín dụng thấp hoặc âm ở nhiều ngân hàng.
Do đó, để thị trường tăng trưởng một cách ổn định, bền vững và góp phần huy động nguồn lực trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế dài hạn thì mấu chốt vẫn là việc phát triển hoặc khai thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức cho trái phiếu riêng lẻ, song song với các giải pháp quyết liệt hơn cho việc đẩy mạnh kênh chào bán rộng rãi ra công chúng và hướng đến bất kỳ đối tượng nào quan tâm đến kênh sản phẩm thu nhập cố định như trái phiếu doanh nghiệp.
Phóng viên : Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thị trường tài chính tiền tệ