MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO FPT: Chưa hiểu startup kêu bất cập về vốn là như thế nào?

Ông Bùi Quang Ngọc, TGĐ Tập đoàn FPT cho biết sau khi nghe một số đại diện startup than thở chuyện vốn gây cản trở phát triển.

Sáng 26/7, cuộc hội thảo chuyên đề về kinh tế số trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân đã diễn ra sôi nổi bởi nhiều ý kiến tranh luận không chỉ giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan nhà nước mà còn giữa doanh nghiệp với nhau.

CEO MOG Trần Anh Dũng chia sẻ, một trong những chuyện đầu tiên mà startup cần được giải quyết là vốn. Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp đang nhận được tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp khiến người đầu tư khi bỏ vốn chủ yếu theo hình thức “chui”.

“Chúng ta đang không có sự thừa nhận chính thức về chuyện này”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tiếp theo, đầu tư cho các startup là rất mạo hiểm, bởi lẽ, cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 9 cái thất bại. Với tính rủi ro cao – lên đến 90%, những người khởi nghiệp rất cần có những chính sách ưu đãi về thuế.

“Đấy là vấn đề nuôi dưỡng, còn nhiều điểm khác nữa”, CEO MOG nói thêm.

Cụ thể, ông Dũng cho biết những nơi cung cấp chỗ làm việc chung cho startup như Co-Working space của Up hay Toong cũng cần có chính sách ưu đãi bởi bản chất của nó cũng là nơi nuôi dưỡng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải xác định được hành lang pháp lý cho những loại hình kinh doanh này.

“Up trên thực tế đi theo mô hình của WeWork được định giá 30 tỷ USD, con số lớn khủng khiếp. Vậy hành lang pháp lý nào cho Up ở Việt Nam?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Ông nói nhấn mạnh rằng đấy không chỉ là nơi cho thuê chỗ ngồi, bản chất nó là một môi trường khác, phải có cách tiếp cận khác.

Bên cạnh đó, CEO MOG còn nói rằng nhiều doanh nghiệp startup chia sẻ việc cấp phép kinh doanh là rất khó, thậm chí, chưa nhận được giấy phép thì đã chết rồi. Tất nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp “linh hoạt”, “loay hoay mãi thì cũng có” nhưng “đau thương nhiều quá”.

Do đó, ông Dũng đề xuất cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp, linh động đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Không đồng tình với vấn đề vốn của startup gặp khó, TGĐ Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc chỉ ra ba hình thức rót vốn cho những doanh nghiệp này, gồm: góp vốn chủ sở hữu, góp vốn kinh doanh ăn chia theo lợi nhuận, tài trợ với một hoặc vô điều kiện.

“Ba thứ đấy tôi thấy ổn, pháp luật cho làm thoải mái, tôi chưa hiểu bất cập thế nào”, ông Ngọc nói.

“Về vốn, tôi chưa thấy có gì bất cập”, ông nhấn mạnh.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, GĐ điều hành Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP. HCM đã tranh luận thêm về vấn đề này.

Kể ra câu chuyện hành trình thành lập quỹ, bà Phi cho biết bà đã vận động được 3 ngân hàng tham gia góp vốn để làm một quỹ đầu tư nội địa hướng tới đầu tư cho các startup. Tuy nhiên, khi bàn đến giấy phép thì gặp vướng bởi không có luật nào để điều chỉnh.

Bà đã thử làm việc với lãnh đạo TP. HCM để thí điểm mô hình, nhưng rồi câu chuyện cũng không đi đến đâu vì không có luật nào để áp khung thí điểm.

“Doanh nghiệp thành lập quỹ rồi đi đầu tư cho doanh nghiệp khác thì không bị giới hạn vì nó có thể là việc góp vốn kinh doanh nhưng như chuyện của chúng tôi lại khác. Ba ngân hàng với tỷ lệ đóng góp mỗi bên là 11% vốn điều lệ cho quỹ, ngoài ra còn có tôi và một số người khác tham gia, như vậy đâu là luật để điều chỉnh?

Nó không thuộc về công ty nào cả, nó thuộc về một pháp nhân mới. Và pháp nhân đó muốn huy động vốn thì phải là quỹ, để làm quỹ lại không có luật, thành ra mãi cứ loay hoay”, bà Phi phân tích.

Do đó, bà Phi bày tỏ mong muốn tiến trình được đẩy nhanh hơn, các doanh nghiệp startup rất cần câu trả lời là thời gian nào, cam kết gì, để có một tín hiệu khả quan hơn trong thời gian tới.

Những kiến nghị trên đã được ghi nhận và sẽ trình bày, thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai, tổ chức vào ngày 31/7 sắp tới tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên