MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra "đốt" cả

23-09-2021 - 06:50 AM | Thị trường

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra "đốt" cả

"Khái niệm ‘đốt tiền’ là để chỉ tiền đầu tư cho những mô hình kinh doanh mới, mang tính đột phá, không thể mang lại lợi nhuận trong ngày một ngày hai", CEO Phùng Tuấn Đức của Gojek Việt Nam chia sẻ.

Nhiều kế hoạch lớn của Gojek Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các quyết định, chính sách thay đổi từng ngày, từng giờ theo diễn biến của thị trường, CEO Phùng Tuấn Đức có những chia sẻ về hoạt động của Gojek Việt Nam trong giai đoạn này và các kế hoạch trong tương lai:

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 1.

Người ta vẫn nói cuộc chơi của các hãng gọi xe công nghệ như Gojek là cuộc chơi đốt tiền, hiện tại "cuộc chơi" của Gojek ra sao?

Sau 3 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Gojek đã đạt được nhiều thành tựu như cán mốc 200 nghìn đối tác tài xế, hàng chục nghìn đối tác nhà hàng... Trong năm nay, chúng tôi cũng đã hoàn thiện và triển khai nhiều tính năng mới trên ứng dụng dành cho người dùng, triển khai ứng dụng GoBiz dành cho đối tác nhà hàng.

Theo đúng kế hoạch, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ và dịch vụ thanh toán không tiền mặt trong năm 2021. Làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 đòi hỏi chúng tôi phải điều chỉnh thời gian ra mắt của các sản phẩm này, đồng thời phải nhanh chóng xoay chuyển kế hoạch để kịp thời hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái của Gojek.     

Ngày 19/8/2021, dịch vụ gọi xe ô tô GoCar đã chính thức ra mắt tại TPHCM. Đây là một sự chuyển hướng bất ngờ so với kế hoạch. Những chuyến xe đầu tiên của GoCar dành riêng để phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu, hỗ trợ họ di chuyển trong tâm dịch một cách thuận lợi, để họ có thể tập trung thời gian và sức lực vào việc điều trị bệnh nhân.

Khi nào TP HCM "khoẻ" hơn và các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ GoCar để phục vụ cho đông đảo người dân. Tính năng thanh toán không tiền mặt cũng đã sẵn sàng.

Về câu chuyện "đốt tiền", chắc không có nhà đầu tư hiệu quả nào lại bỏ ra nhiều tiền để "đốt". Thực ra khái niệm "đốt tiền" để chỉ tiền đầu tư cho những mô hình kinh doanh mới, mang tính đột phá, vừa phải làm vừa phải thăm dò thị trường, không thể kỳ vọng mang lại lợi nhuận trong ngày một, ngày hai. Về lâu về dài thì doanh nghiệp nào mang lại các giải pháp có giá trị với khách hàng và xây dựng được mô hình kinh doanh bền vững là doanh nghiệp trụ vững. Những khó khăn như Covid-19 chính là "lửa thử vàng" cho các doanh nghiệp trên đường đua.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 2.

Thách thức lớn nhất của Gojek trong giai đoạn hiện tại là gì?

Nói ngắn gọn, đối với thị trường, đó là trở thành một "người đồng hành" (team player) theo đúng nghĩa, còn đối với nhân viên, đó là giúp mọi người giữ vững được "ngọn lửa tinh thần".

Kể từ khi TP. HCM rồi đến Hà Nội lần lượt áp dụng Chỉ thị 16, tất cả các dịch vụ ở Hà Nội của chúng tôi đều tạm đóng, còn ở TP. HCM thì chỉ vận hành dịch vụ giao hàng GoSend và dịch vụ đặt thực phẩm và nhu yếu phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên GoFood. Vì vậy, bài toán đặt ra hoàn toàn không phải là kinh doanh, mà là làm thế nào để vừa chung tay chống dịch và đảm bảo tính tuân thủ, vừa hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên trong hệ sinh thái, bao gồm từ khách hàng cho đến đối tác tài xế và nhà hàng. Khách hàng thì cần đáp ứng được nhu cầu cơ bản hàng ngày, các đối tác thì cần có cơ hội thu nhập, cần được chia sẻ những khó khăn, xã hội cần một chuỗi cung ứng được duy trì liền mạch.

Đối với đội ngũ của chúng tôi, do tất cả các nhân viên đều làm việc tại nhà kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi chú trọng vào việc duy trì tính kết nối và tinh thần làm việc của mọi người.

Gojek ra mắt dịch vụ GoCar trong giai đoạn giãn cách diện rộng ở Việt Nam và gọi đó là "đứa con sinh ra trong giông bão", vậy ông kỳ vọng gì ở "đứa con" này? Vì sao Gojek tung GoCar muộn như vậy trong khi đối thủ đã vận hành taxi công nghệ từ rất lâu?

Việc chuẩn bị cho sự ra mắt GoCar đã bắt đầu từ lâu. Chúng tôi đã làm việc với các hợp tác xã vận tải, đăng tuyển tài xế, tuyển dụng và đào tạo hàng nghìn đối tác tài xế, sẵn sàng để bắt đầu phục vụ thị trường vào đầu tháng 6/2021. Đó chính là thời điểm TPHCM áp dụng CT 16, do vậy kế hoạch ra mắt GoCar đã bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu nhu cầu đi lại và vận chuyển trang thiết bị y tế của lực lượng y tế tuyến đầu tại TPHCM, chúng tôi quyết định đóng góp công sức của mình bằng việc khởi động lại kế hoạch GoCar.

Tuy có nhiều thử thách không hề nhỏ khi hoạt động trong giai đoạn này, chúng tôi đang dành các nguồn lực tốt nhất cho việc vận hành GoCar, như việc vận hành dòng sản phẩm GoCar Protect là dòng có mức bảo vệ về mặt phòng dịch cao nhất của chúng tôi - có màn chắn, có máy lọc không khí công nghệ diệt khuẩn của hãng Sharp để vô hiệu hóa virus - và các thu xếp hậu cần để các đối tác tài xế được lưu trú tại khách sạn, đảm bảo "một cung đường hai điểm đến" và "ba tại chỗ".

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 3.

Về lý do tại sao Gojek bây giờ mới có GoCar, thực ra chúng tôi chưa bao giờ lo lắng về điều đó. Chúng tôi có hướng đi riêng, có lộ trình riêng. Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là phát triển có chiều sâu, không chạy theo số lượng. Với mỗi dịch vụ, chúng tôi phải làm thật tốt, tạo nền móng sâu, vững chắc rồi mới tiếp tục mở rộng. Sự ra đời của GoCar hoàn toàn theo đúng kế hoạch và lộ trình của chúng tôi.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 4.

Kế hoạch mới của Gojek trong thời gian tới là gì?

Đại dịch khiến chúng ta càng thấm thía câu nói "Không có gì là cố định, ngoại trừ sự thay đổi". Vì vậy khó có thể nói trước được điều gì trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, tôi muốn bổ sung thêm "Mọi thứ đều có thể thay đổi, ngoại trừ những sứ mệnh tốt đẹp." Sứ mệnh của Gojek từ ngày đầu thành lập tới giờ luôn là thông qua các hoạt động của mình để tạo ra các tác động tích cực cho xã hội.

Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các sáng kiến hỗ trợ hoạt động của các đối tác và người dùng trong hệ sinh thái Gojek. Ngoài ra, là một ứng dụng công nghệ, chúng tôi không ngừng phát triển các tính năng, sản phẩm mới. Và tất nhiên, thị trường có thể trông đợi ở chúng tôi dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar và thanh toán không tiền mặt.

Gojek nổi tiếng với việc cấp cho nhân viên các kỳ nghỉ rất dài, mới đây nhất là nghỉ lễ 2/9 trong 1 tuần? Xin ông chia sẻ thêm về việc này. Có phải áp lực công việc của nhân viên Gojek là rất lớn nên mới có chính sách này?

Đúng là ở Gojek có nhiều kỳ nghỉ thật (cười), đây là một nét văn hoá nho nhỏ của Gojek. Chúng tôi kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thành một tuần một phần để nhân viên có thể giải tỏa căng thẳng do dịch bệnh, một phần để cảm ơn đội ngũ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong những dự án gần đây của công ty.

Năm ngoái, khi dịch Covid-19 mới bùng phát và nhiều nhân viên chưa quen với sự căng thẳng khi làm việc tại nhà, Gojek đã cho toàn công ty nghỉ phép nguyên lương vào ngày thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng. Chúng tôi cũng triển khai mỗi tháng 2 ngày " Thứ Sáu không họp hành", nhằm tạo điều kiện cho nhân viên cân đối công việc hiệu quả. Đầu năm nay, chúng tôi cũng triển khai chương trình Gojek Global Holidays (tạm dịch: Những ngày nghỉ toàn cầu của Gojek), tăng thêm cho nhân viên 9 ngày nghỉ nguyên lương trong năm 2021.

Tại một công ty công nghệ như Gojek, nơi mà sự thay đổi diễn ra từng giờ, từng ngày, chúng tôi hiểu áp lực làm việc của nhân viên là khá lớn. Khi dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, những quy định, chính sách và bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, nhân viên phải chạy đua với thời gian để đảm bảo tuân thủ, đồng thời xoay chuyển liên tục để đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dùng, đối tác tài xế và nhà hàng. Việc cả tập thể phải tự thu xếp làm thêm giờ là điều khó tránh khỏi, khi có những dự án đặc biệt hay tình huống mà sự thay đổi diễn ra liên tục.

Do đó, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên cân bằng cuộc sống để duy trì hiệu quả công việc lâu dài. Khi toàn bộ công ty nghỉ đồng thời, lượng công việc mới phát sinh giảm đi đáng kể, tránh được trường hợp người này nghỉ, người khác vẫn gọi điện, nhắn tin "đòi việc". Khi đó, khái niệm nghỉ ngơi mới trở về đúng nghĩa.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 5.

Một chuyên gia từng nói, điều hành doanh nghiệp gọi xe công nghệ có nhiều thách thức cả về công nghệ, hạ tầng, pháp lý – giống như "vừa chạy vừa bịt mắt", ông đánh giá thế nào về nhận xét này?

Các thách thức chính là "gian nan thử sức" đấy (cười). Chúng tôi không chỉ là một công ty gọi xe công nghệ, mà còn là một sàn thương mại điện tử, một siêu ứng dụng. Đây là một lĩnh vực rất mới tại thị trường Việt Nam, lại liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, nên khó khăn là không thể tránh khỏi.

Quan trọng là chúng ta có một cái nhìn cởi mở để chấp nhận những thứ mới, và hiểu rằng trong thời đại ngày nay, chỉ có công nghệ mới có thể mang lại những thay đổi mang tính đột phá. Chúng tôi có công nghệ - chính công nghệ đã đưa Gojek trở thành một trong những siêu kỳ lân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, và chúng tôi có khát vọng mang công nghệ đó để phục vụ cho người dân Việt Nam. Tôi tin rằng với một cam kết nghiêm túc, một ý thức tuân thủ và một tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ cùng các bên liên quan dần dần gỡ bỏ các rào cản, trên cơ sở sự tích cực trao đổi, chia sẻ và lắng nghe.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 6.

Sau hơn 1 năm đảm nhận chức vụ điều hành Gojek Việt Nam, cá nhân ông nhận thấy thành tựu lớn nhất của mình là gì?

Thời điểm tôi nhận nhiệm vụ cầm lái con thuyền Gojek Việt Nam cũng là thời điểm công ty thay đổi thương hiệu từ GoViet thành Gojek, và chuyển đổi sang một ứng dụng hoàn toàn mới nhằm tạo ra một trải nghiệm nhất quán cho khách hàng ở tất cả các thị trường Đông Nam Á mà Gojek có hoạt động. Đó là một cuộc chuyển mình về công nghệ, về vận hành, và cả về các hoạt động thương hiệu. Thành tựu khiến tôi vui nhất có lẽ chính là nhận được sự tin yêu của hàng triệu người dùng, khi họ dịch chuyển sang ứng dụng mới cùng chúng tôi, và tiếp tục mở rộng quy mô cùng chúng tôi. Đối với các đối tác, chúng tôi cán mốc 200 nghìn đối tác tài xế vào đầu năm nay, và tiếp tục xây dựng một cộng đồng hàng chục nghìn nhà hàng, và không ngừng nỗ lực để mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho sinh kế của họ.

Chúng tôi cũng đã hoàn thành việc chuẩn bị cho việc ra mắt GoCar và tính năng thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện "Tam giác vàng" các dịch vụ trọng yếu của Gojek bao gồm Vận chuyển, Giao đồ ăn, và Thanh toán, từng bước đáp ứng mong mỏi của các đối tác và người tiêu dùng.

Còn thành tựu mà tôi tự hào nhất là được mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng chúc mừng cho những thành công nho nhỏ hoặc chiến công lớn lao của đội ngũ nhân viên. Tôi rất mừng khi những bước đi của tập thể Gojek Việt Nam đang được thị trường ghi nhận và tin tưởng.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 7.

Ông từng nói 1 lãnh đạo giỏi sẽ tuyển được những người giỏi hơn mình về làm việc. Tại Gojek Việt Nam thì sao?

Hàng ngày, tôi đang học hỏi từ những người giỏi hơn mình tại chính nơi tôi làm việc. Mỗi nhân viên của tôi là một người thầy của tôi. Tôi tin rằng một người lãnh đạo giỏi sẽ xây dựng đội ngũ bên dưới giỏi hơn mình. Cứ càng xuống dưới càng có những người giỏi thì chúng ta mới có một tập thể hùng mạnh.

Một tổ chức bền vững cần có người lãnh đạo biết cách trao quyền, truyền cảm hứng, và tạo điều kiện phát triển mỗi cá nhân bên dưới thành một ngôi sao sáng. Nhân viên tại Gojek Việt Nam có độ tuổi khá đa dạng, từ Gen X đến Gen Z - mỗi thế hệ lại bổ trợ cho nhau. Gen X rất giỏi trong việc giữ cho mình một cái đầu "tĩnh", để nhìn nhận vấn đề ở lăng kính rộng hơn, đánh giá rủi ro toàn diện và không bị cuốn vào vòng xoáy của sự thay đổi. Ngược lại, các bạn trẻ thường thích "trò chơi tốc độ". 

Họ muốn làm chủ các vấn đề và giải pháp, sẵn sàng từ chối hệ thống phân chia cấp bậc theo truyền thống, và đòi hỏi hệ thống phân cấp quản lý "phẳng" với phương thức làm việc hợp tác hơn. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm mình phải là người "có thể đào tạo được", để học hỏi từ tất cả những người giỏi xung quanh mình.

Trẻ tuổi, điều hành một startup với áp lực lớn, tốc độ "chạy" điên cuồng, ông đối diện với áp lực đó như thế nào?

Làm việc trong môi trường tốc độ thay đổi có thể tính bằng giờ như Gojek cho tôi cảm giác "vận động" không ngừng. Áp lực lớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng với tôi, một khi còn đam mê, còn cùng chung mục tiêu tạo ra những điều tốt đẹp cho cộng đồng, bản thân sẽ được thêm sức mạnh và bản lĩnh trong công việc điều hành.

Những gì giúp giữ ngọn lửa đam mê của tôi đối với công việc có thể tóm gọn ở 3 điều: Thứ nhất, cảm giác thức dậy mỗi ngày và làm một công việc có ý nghĩa. Cá nhân tôi và tập thể nhân viên ở Gojek cảm nhận được công việc mình làm đã giúp thay đổi được cuộc sống của hàng triệu người khác ngoài kia. Đó là câu chuyện của các bác xe ôm nhờ ứng dụng gọi xe công nghệ có thể kiếm được gấp đôi thu nhập so với trước kia, giúp cuộc sống họ dễ thở hơn, hay câu chuyện về các đối tác là nhà hàng, kinh doanh ăn uống đã thay đổi hoàn toàn và có thể trụ lại được qua thời gian dịch bệnh nhờ nền tảng GoFood.

Thứ hai, đó là đội ngũ nhân viên giỏi với nhiều đam mê. Họ là những người đã tạo ra thành công thể hiện qua những con số ấn tượng. Đi làm với những người vừa có tài năng, tinh thần đoàn kết, lại vừa đam mê nhiệt huyết khiến tôi tiếp tục muốn làm công việc này.

Cuối cùng là một lý do xuất phát từ cá nhân tôi. Khi chứng kiến sự phát triển bùng nổ về thương mại điện tử, số hoá tất cả hoạt động đời sống thường ngày tại thị trường Việt Nam trong khi mọi thứ vẫn còn khá mới, tôi muốn mình là một trong những người tham gia tạo ra làn sóng ấy.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 8.

CEO Gojek Đức Phùng rất nổi tiếng trên mạng. Ông có suy nghĩ gì khi "được quan tâm" hơn các vị CEO khác, một phần nhờ tuổi tác và vẻ ngoài của mình?

(Cười) Nếu nhờ tuổi tác và vẻ ngoài của tôi mà nhiều người biết đến Gojek, hiểu hơn về những giá trị Gojek đang chia sẻ với cộng đồng và đối tác thông qua các dịch vụ GoFood, GoRide, GoSend hay GoCar thì tôi cũng rất vui.

CEO Gojek Việt Nam Đức Phùng: Không nhà đầu tư hiệu quả nào đem tiền ra đốt cả - Ảnh 9.

Trước đây, ông từng đi làm bằng xe ôm công nghệ, đặt đồ ăn qua app, tối về với vợ, trong giai đoạn giãn cách, lịch sinh hoạt của ông thay đổi như thế nào?

Cũng thay đổi kha khá. Giờ TP HCM giãn cách thì hàng ngày tôi làm việc với các đối tác công nghệ, "đặt" đồ ăn từ vợ, và tối thì lại ôm app. Từ ngày giãn cách, tôi mới chỉ ra đường một lần. Đó là hôm GoCar chuẩn bị lăn bánh, tôi cùng anh em đi kiểm tra lại nốt các công đoạn chuẩn bị và trao đổi, động viên các anh em tài xế của "Biệt đội GoCar, xông pha chống dịch".

Đi làm bằng xe ôm công nghệ có phải là cách để ông tiếp xúc nhiều hơn với các tài xế để tìm hiểu thị trường? Ở nhà giãn cách, ông "tìm hiểu thị trường" như thế nào?

Trước đây khi di chuyển đi làm, thỉnh thoảng tôi chọn đi xe Gojek để hiểu hơn về cuộc sống của các đối tác tài xế. Một trong những cái hay nhất khi làm ở Gojek là mình nhìn thấy kết quả công việc của mình rất rõ. Qua những lần tiếp xúc như thế, tôi cũng biết được chương trình vừa đưa ra, chính sách vừa quyết định có tốt cho tài xế hay không. Một kênh khác chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi để tìm hiểu tâm tư của các bác tài là các nhóm cộng đồng tài xế.

Trong mùa giãn cách, chúng tôi tăng cường tương tác với các bác tài qua các nhóm cộng đồng này hoặc một nhóm nhỏ liên quan đến một dự án cụ thể nào đó. Các cuộc họp qua Zoom với các bác tài cũng được chúng tôi triển khai thường xuyên, thay thế cho các cuộc gặp mặt định kỳ trước đây.

Thành Duy
Hoài Linh

Thành Duy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên