CEO HSBC Việt Nam: "Hy vọng Việt Nam có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già"
Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi nhiều hơn nhiều nước trong khu vực, thậm chí còn cao hơn cả Mỹ, theo dự báo của UN và HSBC. "Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đang đứng trước cơ hội của công nghiệp 4.0. Hy vọng , chúng ta có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già", CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải kỳ vọng.
Chia sẻ về câu chuyện kinh tế Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải , Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhìn nhận: Việt Nam tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á trong năm 2018, thậm chí được cho là đã có một năm hoạt động tốt hơn các nước trong khu vực, với các chỉ số tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, sản xuất, dịch vụ, bán lẻ… đều phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, hiệp định CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018, cộng với hiệp định thương mại EU – Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm được phê chuẩn vào đầu 2019, sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.
"Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn đang chọn chính sách bảo hộ để bảo vệ quyền lợi quốc gia, Việt Nam chọn tiếp tục con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Chính sách này sẽ không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều mà còn tạo áp lực để Việt Nam tiếp tục cải cách nền kinh tế nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao của các hiệp định thương mại thế hệ mới. Những cải cách này sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai", ông Phạm Hồng Hải cho biết.
Vị sếp tổng người Việt đầu tiên của Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng chỉ ra rằng Việt Nam sẽ đối diện với các thách thức ngắn hạn, chủ yếu đến từ các bất ổn bên ngoài, từ nền kinh tế thế giới. Trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động lớn do độ mở của nền kinh tế rất lớn với thế giới. Ngoài ra, nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc đột ngột cũng sẽ gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam và khu vực.
Đáng lưu ý hơn, Việt Nam sẽ đối diện với 3 thách thức trung và dài hạn.
Thách thức chưa giàu đã già
Ảnh minh họa. Tác giả: Réhahn Croquevielle.
Tỷ trọng dân số lớn tuổi trong tổng dân số đang gia tăng đều trong vòng ba thập kỷ vừa qua (năm 1990 là 5,7% và cho tới 2017 là 7,1%), trong khi tỷ lệ sinh (trong 1.000 người) đã giảm (năm 1990 là 29,5 và 2017 là 15,5). Dự báo trong dài hạn cho thấy dân số của Việt Nam, vốn đã tăng từ 60 triệu năm 1986 lên 95 triệu năm 2017, sẽ có khả năng đạt đỉnh 120 triệu trước khi giảm vào năm 2050 (báo cáo của World Bank ra ngày 5/10/2018).
Cũng theo dự báo của UN và HSBC, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi nhiều hơn nhiều nước trong khu vực và thậm chí còn cao hơn cả Mỹ.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại về áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và hưu trí của Việt Nam trong tương lai. Đa phần các nước đã phát triển đều tận dụng thời kỳ dân số vàng để cải cách nền kinh tế, công nghiệp hóa và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để chuyển từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang nền kinh tế có thu nhập cao trước khi dân số già.
"Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đang đứng trước cơ hội của công nghiệp 4.0. Hy vọng , chúng ta có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già", ông Phạm Hồng Hải kỳ vọng.
Năng suất người Việt thuộc hàng thấp tại châu Á
Ảnh: Vietnamnet.
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc vào hàng thấp tại châu Á (bằng 1/18 của Singapore, 1/16 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc), trong khi sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang sản xuất có thể chưa đem lại hiệu suất cao nhất mong muốn do bản chất kém năng suất của các ngành đầu tư nội địa.
Nâng cao năng suất lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo cần trở thành ưu tiên trước khi chúng ta có thể hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại. Môi trường và cơ sở pháp lý hỗ trợ cho khởi nghiệp, sáng tạo cần được xây dựng hoàn chỉnh nhằm giúp cho các start-up có thể thử nghiệm ý tưởng trên thị trường và có một hệ sinh thái để phát triển. Cơ chế cũng cần được cởi trói để người tài được trao quyền và được sử dụng đúng vị trí.
Thách thức về điểm nghẽn hạ tầng, từ hạ tầng cứng đến hạ tầng mềm
Ảnh minh họa. Nguồn: VnExpress.
Việt Nam cũng sẽ đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng như đường xá, cầu, cảng, sân bay và hạ tầng mềm như quy định pháp luật, hệ thống tài chính v.v...
Với tốc độ phát triển nhanh của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta không xây dựng được hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, chúng ta sẽ gặp phải thách thức về các điểm nghẽn tăng trưởng như hệ thống giao thông tắc nghẽn, quy định pháp luật chằng chịt và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau sẽ hạn chế hiệu quả của nền kinh tế.
Trong năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á nhưng sẽ phải đổi mặt với những sóng gió từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, ba trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do bảo hộ thương mại khiến bất ổn tăng trưởng toàn cầu gia tăng.
Một số những rủi ro nội tại được kiềm chế tốt so với những năm trước. Tỷ lệ nợ công trong GDP giảm xuống và chúng ta kỳ vọng những cải thiện nhẹ trong năm 2019. Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại mặc dù tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng vẫn là một yếu tố đáng quan ngại. Thêm vào đó, rủi ro về lạm phát thấp do giá dầu giảm nhanh và chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN trong nửa sau năm 2018. Với triển vọng lạm phát được thu hẹp hơn, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách, cho phép họ tập trung hơn vào tăng trưởng năm 2019 trong bối cảnh những rủi ro bên ngoài đang đe dọa gia tăng.
Trí thức trẻ