CEO Nvidia: Không có công việc nào là thấp kém, tôi từng đi rửa bát, cọ toilet
CEO Nvidia Jensen Huang đã chia sẻ về thời kỳ đầu làm việc của mình trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Chức vụ Giám đốc điều hành (CEO) thường khiến cho người khác có cảm giác đó là một người ở tầng lớp khác và khó gần gũi, nhưng cũng có một số CEO bắt đầu sự nghiệp của mình từ những công việc rất bình thường, và CEO Nvidia Jensen Huang là một trong số đó.
Ở tuổi 61, Jensen Huang là nhà đồng sáng lập và CEO của Nvidia, công ty sản xuất chip trị giá 2 nghìn tỷ USD đang thúc đẩy cuộc cách mạng AI.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Trường Kinh doanh sau đại học của Stanford, Huang đã chia sẻ về thời kỳ đầu làm việc với mức lương tối thiểu để giải thích cách mình đã phát triển đạo đức làm việc và từ đó thành công với tư cách là một CEO.
Ông nói: "Tôi nghĩ không có công việc nào là thấp kém cả… hãy nhớ rằng tôi từng là người rửa bát đĩa". Huang đang đề cập đến công việc đầu tiên của mình tại chuỗi nhà hàng Denny's, ông thậm chí còn xem nơi này là "ngôi trường" đã giúp mình thành công.
"Tôi có lẽ là người rửa bát giỏi nhất của Denny’s… Tôi đã rửa sạch bong kin kít," ông vui vẻ nói. Không chỉ dừng lại ở việc rửa bát đĩa, ông còn đảm nhiệm công việc cọ rửa toilet. "Tôi đã dọn dẹp nhiều nhà vệ sinh hơn tất cả các bạn cộng lại," ông nói đùa.
Huang sau đó nảy ra ý tưởng thành lập Nvidia trong một bữa ăn tại nhà hàng Denny's cùng với những người đồng sáng lập Chris Malachowsky và Curtis Priem vào năm 1993.
Huang đã trình bày ý tưởng này với chủ trước đây của mình là Wilfred Corrigan, CEO lúc đó của LSI Logic, Corrigan nói đây là "một trong những lời chào hàng tồi tệ nhất mà anh ấy từng nghe", Huang kể lại.
Nhưng Corrigan vẫn thuyết phục được nhà sáng lập Sequoia Capital, Don Valentine, đầu tư vào Nvidia vì đạo đức làm việc mạnh mẽ của Huang.
Phát biểu trên sân khấu, mặc chiếc áo khoác da đặc trưng của mình, Huang cho biết các giám đốc điều hành nên gần gũi với nhân viên của họ.
Thay vì tự cô lập mình, ông nói rằng các CEO nên có nhiều cấp dưới trực tiếp nhất - ông có 50 người mà ông quản lý trực tiếp. Ông khuyến khích nhân viên ở mọi cấp chia sẻ phản hồi của họ và tìm đến ông để được giúp đỡ.
Huang cho biết việc giúp đỡ nhân viên cũng là giúp chính bản thân mình. "Trong quá trình làm việc đó, tôi học được rất nhiều điều," ông nói. Nhưng ông cũng nhận định rằng không dễ để gắn kết với nhiều nhân viên khi bạn là CEO.
Đời sống & pháp luật