CEO Techcombank: Số hoá, dữ liệu và con người là chìa khoá thành công
Ngân hàng Techcombank ghi nhận thêm một năm 2021 và quý 1/2022 với hoạt động tài chính tăng trưởng vượt bậc, song song với việc tiếp tục hỗ trợ khách hàng, cán bộ nhân viên và cộng đồng sau các tác động bởi đại dịch COVID-19.
Tổng thu nhập hoạt động quý I/2022 của Techcombank tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,7%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID-19. Năm 2021, Techcombank đạt 37,1 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập, lợi nhuận trước thuế (LNTT) cũng tăng lên 23,2 nghìn tỷ đồng, đưa Techcombank trở thành ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên gia nhập câu lạc bộ "lợi nhuận tỷ đô" của Việt Nam. Đây là thành quả của 5 năm liên tiếp tăng trưởng LNTT hai con số, với tốc độ tăng trưởng trung bình kép (CAGR) rất ấn tượng (50%) trong giai đoạn 2016-2021.
Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, chia sẻ rằng sự đầu tư mạnh mẽ của ngân hàng vào nền tảng kỹ thuật số, phân tích dữ liệu và nhân lực của Techcombank đã tạo nền tảng vững chắc để đón đầu nhu cầu cho dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đà phục hồi vào năm 2022. Hoạt động của ngân hàng vẫn ổn định ngay cả khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới thị trường, gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân. Tổng tài sản đạt 615,3 nghìn tỷ đồng tại ngày 31/03/2022, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng cũng duy trì được tỷ lệ CASA ấn tượng, đạt 50,4% vào Q1/2022.
Theo vị CEO giải thích, việc liên tục đầu tư cho công nghệ, mở rộng quy mô dữ liệu và phát triển nguồn nhân lực đã giúp củng cố hiệu quả hoạt động và tạo sức bền cho mô hình kinh doanh của Techcombank. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Jens chia sẻ chi tiết về các xu hướng tác động đến ngành ngân hàng tại Việt Nam và cách Techcombank đang chuyển mình để sẵn sàng cho một tương lai số.
Techcombank đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục trong năm 2021. Vậy mục tiêu tăng trưởng 16% cho năm 2022 có vẻ quá thận trọng?
Từ 2015 đến 2021, LNTT của chúng tôi tăng trưởng khoảng 50% hàng năm. Khi chúng tôi mở rộng quy mô, chúng tôi khó có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức 50% hàng năm được nữa. Tôi thấy mục tiêu 16% mà chúng tôi đề ra là hoàn toàn có thể đạt được, và nó cũng có nghĩa lợi nhuận sẽ tăng thêm 4 nghìn tỷ đồng nữa. Có thể hơn không? Có chứ, chúng tôi có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 40% trong năm nay nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và những điều kiện kinh doanh thuận lợi. Nhưng sẽ có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.
Còn về kỳ vọng vốn hóa thị trường 20 tỷ đô la vào năm 2025 thì sao? Chẳng phải thị trường đang điều chỉnh mạnh?
Nếu nhìn vào quỹ đạo phát triển hiện tại và mức tăng trưởng thu nhập của chúng tôi, cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khi phục hồi, thì đến cuối năm 2025, chúng tôi có thể dễ dàng đạt mức vốn chủ sở hữu 8 tỷ đô la. Thu nhập trước thuế cũng có thể đạt trên 2 tỷ đô la nếu chúng tôi tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng này. Một khi chúng ta có được những con số này, câu hỏi đặt ra là hệ số giá là bao nhiêu? Nếu chúng ta tiếp tục nhìn vào hoạt động của các ngân hàng quanh khu vực, khi họ có tốc độ tăng trưởng và lợi tức trên tài sản như Techcombank, giá trị giao dịch của họ ở mức gấp 3-4 lần giá trị sổ sách. Hệ số giá của Techcombank đang đi trước kế hoạch. Những kế hoạch mà chúng tôi đề ra cho năm 2022 đã được hoàn thành vào năm 2021.
Có vẻ như quan điểm của ông là đầu tư công nghệ sẽ giúp Techcombank đạt được những cột mốc phát triển như vậy. Xin ông chia sẻ về những khoản đầu tư vào công nghệ của ngân hàng?
Một trong những lĩnh vực ưu tiên mà chúng tôi đang đầu tư là nâng cao tính năng ngân hàng giao dịch thông qua ứng dụng di động. Chúng tôi muốn mang lại sự khác biệt cho ứng dụng Techcombank thông qua ứng dụng phân tích dữ liệu, ví dụ: nếu bạn là khách hàng mới, chúng tôi vẫn có thể bảo lãnh cho bạn bằng cách nhanh chóng phát triển điểm tín dụng sử dụng đến sáu nguồn dữ liệu bên ngoài. Khả năng tương tác với khách hàng, hiểu họ và cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp để đáp ứng nhu cầu của họ thông qua ứng dụng di động, giống như giao dịch tại một chi nhánh, là trải nghiệm mà chúng tôi muốn mang lại cho khách hàng. Kế hoạch của chúng tôi là chuyển 5 triệu khách hàng sang nền tảng kỹ thuật số vào cuối năm nay. Hiện đang có khoảng 400 nhân viên Techcombank đang thực hiện kế hoạch này.
Khoản đầu tư cho công nghệ của Techcombank trong 5 năm tới là 500 triệu đô la. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã triển khai khoảng 15-20% số tiền đó. Có thể mức đầu tư sẽ tăng trong thời gian tới khi chúng tôi triển khai các sáng kiến công nghệ quy mô lớn hơn. Chúng tôi cam kết triển khai nguồn vốn này một cách có trách nhiệm, với mục đích chuyển đổi ngân hàng, làm cho hoạt động hiệu quả hơn và mang đến cho khách hàng trải nghiệm kỹ thuật số tốt nhất có thể.
Trong lĩnh vực công nghệ, Techcombank dường như rất tích cực về dữ liệu. Xin ông chia sẻ thêm của kho dữ liệu (data lake) của Techcombank?
Kế hoạch kho dữ liệu này bao gồm việc thu thập và tổng hợp dữ liệu từ các khu vực khác nhau trong ngân hàng, và vì nó quá lớn nên chúng tôi đã quyết định đưa kho dữ liệu này lên đám mây (cloud). Chúng tôi đã xác định tập dữ liệu mà chúng tôi muốn lưu trữ trên cloud và khoảng 70-80% dữ liệu hiện đã được di chuyển. Chúng tôi cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng phân tích để giúp chúng tôi hiểu khách hàng hơn, vì kho dữ liệu này sẽ giúp vẽ ra một bức tranh tổng thể hơn về khách hàng, cho phép hệ thống phản hồi thông minh và nhanh chóng hơn đối với các loại sản phẩm và dịch vụ nào nên được cung cấp. Bước tiếp theo sẽ là kết nối ứng dụng ngân hàng với kho dữ liệu đó để chúng tôi đưa ra quyết định tốt hơn trên tất cả các kênh tương tác với khách hàng của mình.
Điều gì khiến ứng dụng di động của Techcombank khác biệt so với ứng dụng của các ngân hàng khác?
Chúng tôi muốn nền tảng công nghệ của mình không chỉ là một ứng dụng dịch vụ mà còn mang lại cảm giác giống như sự tương tác giữa con người với nhau. Khi đạt đến quy mô 15-20 triệu khách hàng, cảm giác tương tác này sẽ chỉ hoạt động nếu chúng ta kết nối được nhiều yếu tố khác nhau, từ cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu đến giao diện người dùng và áp dụng machine learning.
Chúng tôi muốn kết hợp những trải nghiệm đó trên tất cả các kênh vận hành, từ các chi nhánh cho đến nền tảng kỹ thuật số. Tôi nghĩ mới chỉ có một số ít ngân hàng trên thế giới gần chạm tới mức phát triển được trải nghiệm liền mạch đó. Đây cũng là kế hoạch mà các ngân hàng sẽ thực hiện trong 10-15 năm tới. Hãy nhìn vào Google, mỗi khi có nhiều người sử dụng dịch vụ của họ, họ càng học được nhiều hơn và trở nên tốt hơn. Đó là một vòng lặp rất khó để sao chép.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ số hóa của các ngân hàng Việt Nam so với khu vực? Những thay đổi nào về mặt pháp lý cần được thực hiện khi nói đến việc an ninh dữ liệu trên hệ thống đám mây?
Tôi nghĩ Việt Nam đang đi sau từ 5 đến 10 năm so với các thị trường khác, nhưng cũng đang bắt kịp rất nhanh. Sự khác biệt chính là ở tổ hợp công nghệ của các ngân hàng: quy mô mở rộng đến đâu? Thay đổi và tạo ra các tính năng mới có dễ không? Mất bao lâu để mang công nghệ đến thị trường? Tôi thấy nhiều hệ thống công nghệ trên thị trường chưa mang tính độc lập, còn cồng kềnh. Nếu không thay đổi điều này thì sẽ rất khó để tạo ra trải nghiệm mới cho người dùng.
Về khuôn khổ pháp lý, tôi cho rằng cơ quan quản lý ở Việt Nam cởi mở hơn nhiều so với các nước khác trong một số lĩnh vực nhất định. Ví dụ như việc di chuyển dữ liệu lên công nghệ cloud, thực ra sẽ khó khăn hơn nhiều khi ở Singapore, Thái Lan hoặc Malaysia. Trong khi một số người cho rằng điều đó thể hiện sự lỏng lẻo trong việc bảo vệ dữ liệu, tôi không nghĩ thế. Nhìn vào khoản tiền mà AWS, Google và Microsoft đầu tư để tăng cường bảo vệ dữ liệu, có thể thấy việc sử dụng hệ thống cloud sẽ an toàn hơn nhiều so với việc lưu trữ dữ liệu tại một máy chủ nào đó. Từ góc độ này, tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý có quan điểm đúng đắn về những gì đang được phép thực hiện.
Tuy nhiên, có lẽ một số khuôn khổ pháp lý cần được thực thi. Nếu có một hình thức sandbox để thử nghiệm thì sẽ hữu ích hơn nhiều. Thông qua sandbox, và qua việc phối hợp với các ngân hàng, chúng ta có thể cùng đưa ra các giải pháp. Một khi ngân hàng thí điểm đúng, tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ ủng hộ, có thể chỉ ở mức độ thí điểm ban đầu, nhưng các cơ quan quản lý hiểu rằng cần có giải pháp bảo vệ an ninh dữ liệu.
Trong suốt quá trình chuyển đổi của mình, Techcombank thuê nhiều chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ này mang lại những giá trị gì cho ngân hàng? Họ sẽ thay đổi hoạt động của ngân hàng như thế nào?
Có những kỹ năng nhất định chúng tôi cần, nhưng tôi cũng tin rằng khó tìm được trong nước. Các chuyên gia nước ngoài khi đến đây làm việc cũng hiểu rõ nhiệm vụ của mình là truyền đạt lại kinh nghiệm cho đội ngũ nhân sự. Bởi lẽ, chúng tôi không thể phụ thuộc mãi vào việc tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài. Ở Techcombank, sẽ không có sự khác biệt lớn giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, hay Việt kiều về nước. Tất cả đều có mục tiêu gây dựng sự nghiệp tại đây. Mặt khác, khi chúng tôi bắt đầu chuyển đổi, khát vọng của chúng tôi là trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong khu vực ASEAN. Vì vậy, đối với nhiều chuyên gia, điều này trở thành một lực hấp dẫn đối với họ. Họ rất hào hứng với sự phát triển của ngân hàng, cũng như chất lượng công việc và năng lực của đồng nghiệp.
Nhịp sống kinh tế