MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Viettel: Kỳ vọng có lãnh đạo tài hoa, chờ đợi thể chế hoàn hảo rồi mới làm thì không thể thành công được

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Viettel cho rằng trong một số trường hợp không nên nói quá nhiều về hệ luỵ của vấn đề. Có những câu chuyện vốn được xem là “bất khả” nếu xét trên lý luận nguyên tắc bài bản nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có cơ hội hoá rồng?

Cách đây ít hôm, một diễn đàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra. Người ta bàn nhiều câu chuyện về định nghĩa sao cho đúng cuộc cách mạng này. Người ta cũng bàn nhiều về việc Việt Nam có khả năng bắt kịp thế giới, đón sóng công công nghệ mới hay không.

“Kết quả cho thấy chỉ có 33% người trong khán phòng cho rằng Việt Nam bắt kịp được, trong khi có 67% nghĩ là không”, thành viên Ban tổ chức công bố.

Khán phòng vỗ tay rào rào. Kết quả được đưa ra chuẩn xác với những gì mà mọi người đang nghĩ. Những thực trạng, nền tảng đang hiện hữu khiến cho rất nhiều người trong số họ tin rằng câu chuyện Việt Nam đi tắt đón đầu làn sóng công nghệ cao là “bất khả”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đã đặt ra 4 tiền đề để Việt Nam bắt kịp được cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, ông đề cao vai trò của người đứng đầu, mà theo câu hỏi đầy ví von của ông là “liệu có tìm được anh hùng lèo lái?”.

Một vài chuyên gia kinh tế khác thì lại lo ngại đến những hệ luỵ có thể có của cách mạng 4.0: Con người liệu có thể bị thay thế bởi máy móc? Tổ chức Lao động thế giới trước đó cũng đã từng cảnh báo 86% người lao động trong lĩnh vực da giày dệt may sẽ thất nghiệp, hay chuyện ở nhà máy Foxconn Trung Quốc hồi đầu năm 2016 là những ví dụ điển hình. Thậm chí, viễn cảnh một thành phố thông minh nhưng không có hơi ấm con người cũng đã được vẽ ra...

Tuy nhiên, như CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói bên lề của diễn đàn thì chúng ta dường như đang sa đà vào những hệ luỵ, vào những lý thuyết, điều kiện phát triển thông thường dẫn đến kết luận “chúng ta không làm được, không thành công được”.

“Suy nghĩ về hệ luỵ cũng không sai, nhưng cái đấy nên để sau, việc trước mắt là phải làm đã, cái nào có lợi thế thì làm trước”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Với những nền tảng mà các nhà kinh tế đã đề cập đến, ông Hùng cho rằng cái nào quan trọng thì “gọi 4 -5 doanh nghiệp lớn ra để làm, một doanh nghiệp làm một cái là được”, rồi “dùng sức dân để phát triển tiếp”.

Ông cho hay những doanh nghiệp lớn khi họ tham gia làm họ sẽ làm không vì tiền, họ sẽ làm để phát triển đất nước nói chung và bản thân doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, nhìn vào lịch sử các cuộc cách mạng, bứt phá được là do dân, dân chính là lợi thế.

“Nếu chúng ta không tự làm mà lại kỳ vọng vào việc có người lãnh đạo tài hoa, chờ đợi thể chế hoàn hảo rồi mới làm thì sẽ không thể nào thành công được”, CEO Viettel nhấn mạnh.

Nhà kinh tế học và lý thuyết của họ không phải lúc nào cũng đúng

Việc bàn thảo về cuộc cách mạng 4.0 gợi nhớ câu chuyện nhiều năm trước của nền kinh tế Hàn Quốc nói chung và tập đoàn Hyundai nói riêng.

Bởi lẽ, xét theo các nguyên lý về kinh tế, Hàn Quốc sẽ không thể phát triển được ở bất cứ lĩnh vực nào. Họ chẳng có tài nguyên, vốn hay sự tích luỹ kỹ thuật nào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh.

Tuy vậy, ngành công nghiệp Hàn Quốc vẫn phát triển được mà như ông Chung Ju Yung, cố Chủ tịch, người sáng lập ra tập đoàn Hyundai nhận xét là nhờ vào sự nỗ lực, tinh thần gánh vác sứ mệnh cùng với tính mạo hiểm và óc sáng tạo... giúp bù đắp những thiếu thốn của đất nước.

Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Chung Ju Yung cho biết khi bắt đầu xây nhà máy thép Pohang, ông đã gặp rất nhiều sự phản đối từ các nước khác, vì khi đó sản lượng thép của thế giới đang dư thừa.

“Nhưng Pohang đã chinh phục được những khó khăn một cách xuất sắc bằng tinh thần tiến thủ của những người đứng đầu, trở thành tấm gương sản xuất thép thành công của thế giới”, ông cho biết.

Hay như khi Hyundai lấn sân sang lĩnh vực đóng tàu, nhiều nước đã tỏ ý nghi ngờ thành công khi công ty bắt đầu vay mượn. Bởi lẽ, Hàn Quốc không có công nghệ, không có một thứ gì khả dĩ để có thể cạnh tranh... tức là nếu dựa trên những lý luận bài bản, việc ngành đóng tàu Hàn Quốc ở hiện tại sánh ngang với Nhật Bản trên thị trường thế giới là điều không thể xảy ra.

“Tôi còn nhớ khi nhà máy đóng tàu Hyundai đang ra sức khắc phục những khó khăn thì một vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc thời đó, đồng thời là một nhà kinh tế học khả kính đã gọi tôi tới. Ông ta khẳng định rằng việc này không có khả năng thực hiện được và nói nếu ngành đóng tàu của Hyundai thành công thì ông ấy sẽ đốt 10 ngón tay và lên thiên đường. Vậy mà hôm nay Hyundai đã trở thành nhà máy đóng tàu số 1 thế giới, còn ông ấy vẫn sống trên trái đất này”, ông Chung Ju Yung viết trong tự truyện.

Ông Chung cho rằng nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc là chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm người theo chủ nghĩa thất bại.

“Khi tôi nói rằng tôi sẽ tham gia vào lĩnh vực mạch bán dẫn, các tạp chí kinh tế trên thế giới đã nhanh chóng đón đầu và hỏi rằng chúng tôi có biết việc bước vào thị trường đòi hỏi trình độ cao này còn khó hơn cả hái sao trên trời không. Còn một số trí thức của Hàn Quốc bấy giờ thì nói chúng tôi làm việc không có chọn lọc. Nhưng vì tương lai Hàn Quốc, tôi vẫn tin tưởng chắc chắn lĩnh cực này sẽ thành công, và tôi đã đúng”, người sáng lập ra Hyundai chia sẻ trong cuốn tự truyện.

Ông cũng cho rằng tất cả mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ thụt lùi và bị nhấn chìm trong những gì mình đang có.

Do vậy, ông Chung Ju Yung không đồng ý lắm với việc các học giả gán cho kinh tế Hàn Quốc cái tên “Kỳ tích sông Hàn”. Bởi kinh tế và chính trị không bao giờ có “kỳ tích”, cái được gọi là “kỳ tích” chính là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi, sức mạnh tinh thần và niềm tin mãnh liệt vao công việc mình muốn làm.

Trở lại câu chuyện cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu nhìn nhận đó là việc toàn dân có thể làm được thì nó có thể làm được, còn nếu cứ bi quan, cứng nhắc, người ta sẽ “nản”, sẽ không thể nào có cơ hội thành công.

“Chúng ta từng mất gần 20 năm để xây dựng được mạng viễn thông 2G – lọt top 10 trên thế giới về chất lượng. Chúng ta cũng mất 10 năm để xây dựng mạng 3G. Nhưng đến mạng 4G, Viettel đã làm được 1 việc mà cả thế giới kinh ngạc, chúng ta đã làm được mạng viễn thông 4G công nghệ mới nhất phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa chỉ trong 6 tháng. Thế giới đánh giá đây là mạng công nghệ mới nhất, chất lượng tốt nhất, dung lượng lớn nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể đi trước được về công nghệ”, CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên