CEO VNDIRECT: “Chứng khoán Việt Nam duy trì xu thế tăng điểm trong năm 2021, định giá sẽ dần tiệm cận các thị trường Đông Nam Á”
Theo CEO VNDIRECT, trong trường hợp được nâng hạng thị trường, chứng khoán Việt Nam có thể được trả thêm premium và định giá ở mức cao hơn, dần tiệm cận mặt bằng chung các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
TTCK Việt Nam vừa đi qua năm Canh Tý (2020) đầy biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhờ những nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục, ngoài tưởng tượng của hầu hết nhà đầu tư.
Nhân dịp đầu năm Tân Sửu (2021), ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc CTCK VNDIRECT đã có những chia sẻ về triển vọng thị trường trong năm mới.
2020 là năm đầy biến động với TTCK Việt Nam bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng mạnh và thậm chí chốt phiên 31/12 trên mốc 1.100 điểm. Giai đoạn này làm ông nhớ đến thời điểm nào mà thị trường từng trải qua?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Năm 2020 là một năm rất đặc biệt và diễn biến TTCK cũng phản ánh điều đó. Tháng 01/2020, thị trường đi lên tương đối hứng khởi với kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực hơn trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên TTCK. Từ cuối tháng 1 đến ngày 24/3/2020, thị trường lao dốc mạnh với nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu và đổ vỡ thị trường tài chính do đại dịch. Thời điểm đó, thị trường được liên tưởng tới các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 và xa hơn là cuộc đại suy thoái 1929- 1933.
Tuy nhiên, hàng loạt Chính phủ và NHTW trên thế giới đã tung ra những gói hỗ trợ chưa từng có nhằm giải cứu nền kinh tế và thị trường tài chính tạo ra nguồn tiền rất lớn với chi phí ngày càng rẻ. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng sau dịch bệnh nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh vì sự kiện dịch bệnh làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ bị dừng đột ngột và chỉ tạo ra ảnh hưởng ngắn hạn đến nền kinh tế. Vì vậy, với các sản phẩm giao dịch online rất thuận lợi, nhà đầu tư đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường kể từ thời điểm bị giãn cách xã hội vì họ vừa có nguồn vốn chi phí rẻ, vừa có thời gian, vừa có niềm tin vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế sau đại dịch.
Cùng chung xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán quốc tế, và chỉ số kinh tế vĩ mô sáng hơn các nước khác cũng là yếu tố để người dân tham gia vào thị trường hào hứng hơn. Chỉ số VN-Index đã vượt mức 1.000 điểm vào phiên 26/11 và sau đó tiếp tục tăng mạnh lên trên mức 1.100 điểm về cuối năm. Tựu chung lại, năm 2020 là một năm rất đặc biệt và đáng nhớ của TTCK Việt Nam.
Thời gian qua chứng kiến lượng tiền lớn từ trong dân đổ vào TTCK. Trên cương vị là CEO của CTCK, chắc hẳn ông đã nhận được nhiều inbox, nhắn hỏi "nên đầu tư cổ phiếu nào" từ bạn bè, người thân và ông trả lời ra sao?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Đúng vậy, bản thân tôi đã nhận được nhiều tin nhắn từ các bạn học cũ và người thân nhắn hỏi "giai đoạn này có nên đầu tư cổ phiếu không", "nên đầu tư cổ phiếu nào" và "cổ phiếu X này có tốt không", việc càng ngày càng nhiều người đặt câu hỏi cho thấy độ lan tỏa của thị trường.
Để trả lời cho những nhà đầu tư chứng khoán băn khoăn đầu tư cổ phiếu này được không, có nên đầu tư chứng khoán, tôi thường cung cấp thông tin dựa trên nguồn tri thức lớn, chuyên sâu của đội ngũ Phân tích, Môi giới và Quản lý tài sản của VNDIRECT. Ngoài ra, tôi cũng hay khuyên họ đăng ký tham dự các lớp học, workshop, các buổi hội thảo chuyên đề về đầu tư chứng khoán, quản lý tài sản do VNDIRECT tổ chức hầu như hàng tuần để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng đầu tư bài bản và từ đó họ có thể tự tin ra quyết định lựa chọn danh mục cổ phiếu, sản phẩm dịch vụ đầu tư phù hợp nhất.
So với các kênh khác như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm, rõ ràng chứng khoán đang có khả năng sinh lời vượt trội nhưng bảo vệ thành quả là việc không hề dễ dàng. Theo ông, nhà đầu tư nên có cách phân bổ tài sản như nào để có thể chống chọi tốt với những rủi ro bất ngờ (nếu có)?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Theo nghiên cứu của VNDIRECT cho thấy không chỉ ở Việt Nam mà tại hầu hết các nước trên thế giới trong dài hạn kênh đầu tư cổ phiếu thường có kết quả tốt hơn so với vàng hay gửi tiết kiệm và không thua kém kênh bất động sản. Tuy vậy, cổ phiếu là tài sản tăng trưởng nhưng cũng có biến động lớn trong ngắn hạn. Do đó, nếu xác định thời gian đầu tư kiếm lời ngắn hạn thì nhà đầu tư nên sử dụng dịch vụ môi giới chuyên nghiệp và kiểm soát qui mô đầu tư ở mức không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe tài chính của cá nhân và gia đình.
Tuy nhiên, nếu thời gian đầu tư dài và nhà đầu tư còn trẻ thì nên coi cổ phiếu là kênh đầu tư chính. Để giảm thiểu rủi ro dẫn tới lựa chọn sai công ty hay thời điểm mua, nhà đầu tư có thể mua các quỹ ETF bao gồm 30 hoặc 100 công ty hàng đầu và mua tích sản đều đặn qua nhiều năm.
Ông nhận định diễn biến TTCK Việt Nam trong năm 2021 sẽ ra sao?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Theo phân tích và dự báo của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu thị trường của VNDIRECT, chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ duy trì xu thế tăng điểm trong năm 2021. Động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ kỳ vọng KQKD của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh nhờ nền kinh tế phục hồi và xu hướng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Trong kịch bản cơ sở mới cập nhật, đội ngũ chuyên gia Phân tích của VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể dao động từ 1.180 đến 1.230 điểm trong năm 2020 dựa trên kỳ vọng EPS năm 2021 các doanh nghiệp tăng trưởng 22-24% so với năm trước; P/E Forward thị trường cuối năm 2021 trong khoảng 16 – 16,5 lần; Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu trở lại thị trường cận biên với quy mô nhỏ, khối ngoại mua ròng nhẹ, dưới 5.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 7,1% so với năm trước và lãi suất huy động, cho vay có thể giảm tiếp 20 – 50 điểm phần trăm.
Trong kịch bản tích cực hơn, nếu dòng tiền nội tiếp tục duy trì và khối ngoại quay trở lại, chỉ số VN-INDEX có thể lên tưới 1.280 đến 1.330 điểm trong năm 2021.
Về thanh khoản thị trường, với dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021 và nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, chúng tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục cải thiện trong năm tới và thị trường hoàn toàn có thể chứng kiến những phiên giao dịch tỷ USD (tính cả thỏa thuận).
TTCK Việt Nam chỉ còn một vài bước nữa để tiến gần đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ông nhận định ra sao về tác động của việc nâng hạng tới thị trường?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Với việc luật chứng khoán mới và các nền tảng pháp lý mới thông thoáng hơn có hiệu lực từ năm 2021 thì khả năng nâng hạng thị trường phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới nhằm tháo gỡ nút thắt về ký quỹ tiền trước giao dịch.
Trong kịch bản tích cực, nếu hoàn thành triển khai hệ thống công nghệ giao dịch chứng khoán mới trong 6 tháng đầu năm 2021, TTCK Việt Nam có thể được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong kỳ review giữa năm và được FTSE nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2021. Nếu không không kịp tiến độ, TTCK Việt Nam có thể phải chờ đợi thêm cho đến khi đạt được các mục tiêu trên. Câu chuyện nâng hạng thị trường là một câu chuyện dài và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vẫn còn rất nhiều biến số từ nay đến khi chính thức được nâng hạng.
Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút một lượng vốn lớn từ các quỹ ngoại. Theo ước tính của Bộ phận Phân tích của VNDIRECT, TTCK Việt Nam có thể hút ròng 1,4-1,9 tỷ USD từ các quỹ ngoại (bao gồm cả các quỹ ETFs và các quỹ đầu tư chủ động) nếu chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể được trả thêm premium và định giá ở mức cao hơn, dần tiệm cận mặt bằng chung các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.