MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cha đẻ" Phở 24 Lý Quí Trung: Tôi rất giỏi trong việc đóng cửa nhà hàng, tôi không nhớ đã đóng cửa bao nhiêu cái nữa...

06-02-2018 - 10:21 AM | Doanh nghiệp

“Trong nghề kinh doanh nhà hàng, tôi rất giỏi trong đóng cửa. Tôi không nhớ là đóng cửa bao nhiêu nhà hàng nữa (cười). Trong hai nhà hàng tôi mở ở Úc, tôi mới đóng một cái”.

Đó là chia sẻ của doanh nhân Lý Quí Trung về Phở 24, "đứa con" đã gắn liền với tên tuổi của người sáng lập.

Hơn 6 năm kể từ ngày bán Phở 24, doanh nhân người Việt có chuyến trở về từ Úc đã có những trải lòng về thương hiệu mà ông đã gầy dựng lên. Sự kiện do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức tại TP HCM gần đây.

Trong suốt nhiều năm qua, giới kinh doanh dù thạo tin cũng chỉ có thể biết được những diễn biến sơ lược nhất. Theo đó Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee đã mua 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quí Trung với giá 20 triệu USD trong tháng 11/2011. Ông Trung trước đó khởi nghiệp xây dựng Phở 24 chỉ với vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Đóng cửa nhà hàng là cả một nghệ thuật

“Tôi rất giỏi trong việc đóng cửa nhà hàng”, doanh nhân họ Lý khẳng định trong cuộc trò chuyện nhân dịp trở lại Việt Nam.

Ông Trung kể, trong 2 nhà hàng tại Úc, ông vừa đóng một cái.

Mở cửa hàng thì dễ nhưng đóng mới khó vì nhiều trở ngại, chẳng hạn như cảm giác thấy quê, ngại ngùng... Làm nhà hàng lỗ mà kéo dài cả 5 năm, 10 năm mới là điều đáng lo ngại. Không có lời rồi cũng đóng. Mà lỗ kéo dài thì hại não lắm. Chi phí mất đi chính là chi phí cơ hội. Do những cửa hàng không hiệu quả đó đeo người founder khiến những cơ hội khác bị hạn chế”, doanh nhân ngoài 50 tuổi chia sẻ.

Doanh nhân Lý Quí Trung khẳng định, ngừng cuộc chơi, đóng cửa nhà hàng là một nghệ thuật. Làm kinh doanh phải có đủ bản lĩnh để đóng cửa nếu lỗ. Đóng sớm 6 tháng thì đỡ lỗ 6 tháng và cơ hội mới lại mở ra.

Làm gì cũng phải nghĩ đến chuyện thoát ra

Theo ông Lý Quí Trung, làm ăn luôn phải có kế hoạch thoát ra. Khi làm gì cũng nghĩ đến cửa ra, không riêng gì trong ngành nhà hàng.

Ông lấy ví dụ, khi bước vào một rạp chiếu phim, đã phải ngó nghiêng xem cửa exit nằm ở đâu. Hay ai rủ hùn hạp thì cũng phải suy nghĩ làm sao ngưng được nếu muốn.

“Đó là suy nghĩ của người có kinh nghiệm. Thời tôi khởi nghiệp thì tôi không nghĩ được như vậy. Có kinh nghiệm mới có được thói quen nghĩ về cửa exit như thế”, doanh nhân nói.

Theo doanh nhân họ Lý, việc ứng xử đối với thất bại rất quan trọng. “Tôi chưa bao giờ để chữ thất bại trong đầu. Mà chỉ để là kết quả không như mong đợi. Vì từ thất bại mang nghĩa rất tiêu cực”, người sáng lập Phở 24 chia sẻ.

Lý do của những suy nghĩ trên là chẳng may trên đường đời, có những việc không như ý, thái độ của mình đối với thất bại rất quan trọng.

“Với tôi, rất nhẹ nhàng. Tôi quên rất nhanh. Đó là kỹ năng, làm cho con người lúc nào cũng tích cực. Còn con người luôn nghĩ về cái không được, tiêu cực thì sẽ kéo mình xuống rất nhanh”, ông Trung chiêm nghiệm.

Là doanh nhân, hãy phân biệt chữ Expectation (mong đợi) và target (mục tiêu)

“Tôi mở 2 nhà hàng ở Úc. Tôi đóng một cái và thấy nhẹ nhàng. Vì tôi thấy đã đáp ứng được mong đợi rồi. Lúc mở nhà hàng (vừa đóng), tôi mong đợi là test mô hình chuỗi. Nếu thành công tôi sẽ mở chuỗi. Mong đợi của tôi ở đây là test mô hình và muốn học học kinh nghiệm mở cửa hàng ở Úc. Tiệm này tôi chỉ mở nhỏ và đầu tư 300 ngàn USD”, ông Trung kể.

Và như vậy, theo ông, mong đợi test mô hình chuỗi của ông đã được đáp ứng nên ông đóng cửa nhà hàng ở Úc rất nhẹ nhàng khi cửa hàng này lỗ. Ông chỉ muốn mua chiếc vé trở lại công việc sau nhiều năm sang Úc chỉ đưa con đi học, nhặt cỏ và trồng cây.

Với tiệm thứ hai thì khác. Ông đầu tư cả triệu USD và có cả expectation và target khác tiệm mới đóng.

Theo ông, một điều hết sức quan trọng là phải phân biệt mong đợi và mục tiêu. Nếu kinh doanh mà nhầm lẫn thì sẽ rất khó vận hành công ty.

7-8 giờ tối, ai rủ đi chơi là tôi không đi nữa

“Trong thành công bao gồm những thành công mặt khác trong cuộc sống. Cuộc sống là gia đình, công việc … nhưng bản thân mình vui thì cuộc sống mới hạnh phúc.. Công việc, sự nghiệp nhưng phải có gia đình, cá nhân trong đó. Mình phải rất vui, có niềm vui cá nhân. Mình vui thì gia đình mới vui, công ty mới vui được”, vị doanh nhân chia sẻ những nhìn nhận về cuộc sống.

Ông kể, từ thời ở Việt Nam, ít ai có thể rủ ông đi chơi vào ban đêm vì ông từ chối. “Tôi đi cả ngày và chỉ chơi trong ngày thôi. 7-8h tối tôi không chơi nữa. Tôi chơi rất nhiều từ thể thao, vẽ tranh, viết sách...”, ông kể.

“Một vài người bạn của tôi chỉ có làm việc thôi. Họ nói vui nhưng tôi không nghĩ vậy. Vui trong công việc khác với vui trong cuộc sống. Thăng bằng cuộc sống và công việc có vai trò quan trọng”, ông lý giải.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên