MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm công bố kết quả kiểm tra vụ ớt bột chứa chất gây ung thư

07-02-2018 - 10:56 AM | Thị trường

Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành việc lấy mẫu ớt bột tại các chợ dân sinh trên địa bàn các tỉnh phía Nam để phân tích truy tìm chất aflatoxin.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 tổ chức ngày 6/2, báo cáo kết quả giám sát năm 2017, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, vấn đề ATTP đang được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Chậm công bố kết quả kiểm tra vụ ớt bột chứa chất gây ung thư - Ảnh 1.

Kết quả phân tích trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm 2017 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol. Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016 là 1,76%.

Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm  so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).

Tính đến thời điểm hiện nay trên phạm vi toàn quốc đã có 63/63 tỉnh/thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi...

Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại vấn đề chất phụ gia, gia vị không đảm bảo chất lượng tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối và các điểm bán hàng nhỏ lẻ.

Như trước đó, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát, xét nghiệm các mẫu ớt bột do viện này thu thập được. Kết quả cho thấy, 100% mẫu ớt bột có chất aflatoxin, có thể gây ung thư gan.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành việc lấy mẫu ớt bột tại các chợ dân sinh trên địa bàn các tỉnh phía Nam để phân tích truy tìm chất aflatoxin.

126 mẫu ớt bột được lấy tại các khu chợ của 6 tỉnh phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu.

Ông Việt cho rằng, các mẫu ớt đang trong quá trình phân tích, khi nào có kết quả, Thanh tra Bộ sẽ có thông báo kết quả. Nhưng ông Việt khẳng định, ớt bột có chứa chất aflatoxin và tỉ lệ này không phải là ít. Nguyên nhân do việc bảo quản không tốt ngay tại cơ sở sản xuất, chế biến và ngoài chợ, gây ra nấm mốc, và sinh ra chất aflatoxin ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, năm 2017 công tác thanh kiểm tra có bước chuyển rất rõ, tập trung vào các vấn đề vật tư đầu vào và chất cấm. Thanh tra và địa phương đã xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện truyền thông các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại từ quản lý vật tư đầu vào, bơm tạp chất vào tôm, đấy là những vấn đề cần giải quyết trong năm 2018.

Bộ NN&PTNT đã Ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về mục tiêu cụ thể, Bộ phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm qui định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

Trong năm 2018, Bộ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản…

Theo Diệu Thùy

Infonet

Trở lên trên