MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Mãi chưa thông

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Mãi chưa thông

Sau nửa năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (đặc biệt là vốn vay ưu đãi nước ngoài) rất chậm, thấp hơn cả năm trước, dù dòng vốn này được xác định rất quan trọng để kích cầu, hỗ trợ nền kinh tế vượt khó do dịch COVID-19 gây ra.

Công trình trọng điểm khó đủ đường

Dự án thi công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Sân bay Long Thành (Đồng Nai) là 2 công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh đã ảnh hưởng tiến độ, giải ngân vốn chậm.

Gần đây, tại công trường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận) có nhiều đoạn ngập nước, những đoạn này nhà thầu đã bóc lớp đất hữu cơ nhưng chưa có đất đắp nền bù vào. Theo Ban Quản lý dự án 7 (PMU7 - đại diện chủ đầu tư, Bộ GTVT), dự án này cần 9 triệu mét khối đất đắp nền, các mỏ được cấp phép chỉ cung ứng được khoảng 3 triệu mét khối, số thiếu chờ địa phương cấp phép mới.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Mãi chưa thông - Ảnh 1.

Thi công cầu Tuần – cầu vượt sông lớn nhất trên dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn tháng 4/2021 Ảnh: MT

Tương tự, dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn (qua Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho hay, dự án thiếu đất đắp nền đường, đang đợi địa phương cấp phép mỏ. Hiện tại, dự án mới đạt tiến độ gần 60%, trong khi mục tiêu là xong trong năm nay. "Lo nhất là giá vật liệu xây dựng, đặc biệt giá sắt thép tăng cao, vượt nhiều lần giá sắt tại thời điểm đấu thầu, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu. Hợp đồng thi công có điều khoản điều chỉnh giá vật liệu theo thị trường, chúng tôi đang tính toán và báo cáo Bộ GTVT để có giải pháp bù một phần giá cho nhà thầu", ông Quý nói.

Với đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình và Thanh Hóa) và Phan Thiết - Dầu Giây (qua Bình Thuận và Đồng Nai), chủ đầu tư nhiều lần họp với lãnh đạo địa phương nhưng vẫn phải đợi. Theo PMU Thăng Long (đại diện chủ đầu tư 2 đoạn cao tốc trên), ngoài thiếu đất đắp nền, giá sắt thép tăng cao cũng đẩy nhà thầu vào thế khó, ảnh hưởng tiến độ thi công. "Chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị các địa phương dự án đi qua cập nhật giá vật liệu xây dựng theo tháng, làm cơ sở cho chủ đầu tư điều chỉnh giá với nhà thầu. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần kiểm soát chặt giá vật liệu xây dựng, ngăn đầu cơ tăng giá để không ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình, với giá thành hợp lý", ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc PMU Thăng Long nói.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2021 dự án cao tốc Bắc – Nam mới giải ngân được 4.534 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch năm. Tương tự, dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành mới giải ngân 9.887 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn, dù giải ngân chậm, nhưng địa phương vẫn báo cáo không có vướng mắc.

Để giải quyết việc thiếu đất đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam, mới đây Chính phủ đã có nghị quyết cho phép các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù để cấp phép khai thác mỏ đất phục vụ dự án. Trong khi Bộ GTVT cho hay, với 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công, chỉ 2 đoạn đáp ứng tiến độ, có tới 4 đoạn chậm tiến độ so với kế hoạch từ 0,5 đến 2%. Đoạn Cam Lộ - La Sơn khả năng không hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay như kế hoạch. Để giải quyết các khó khăn trên, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn một số giải pháp tháo khó khăn cho các dự án (đặc biệt liên quan giá vật liệu).

Trả lại vốn

Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH được giao hơn 837 tỷ đồng đầu tư công, trong đó vốn trong nước hơn 748 tỷ đồng, vốn nước ngoài 88,5 tỷ đồng. Tới nay, vốn trong nước đã phân bổ hết, riêng vốn nước ngoài mới phân bổ được 66%. Số còn lại (hơn 29 tỷ đồng) không phân bổ vì không có nhu cầu. Bộ này đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để điều chuyển vốn sang đơn vị khác sử dụng. Về giải ngân, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã giải ngân được trên 20%, đều là vốn trong nước, riêng vốn nước ngoài chưa giải ngân. Lý do giải ngân chậm được các chủ đầu tư lý giải là đầu năm họ tập trung giải ngân vốn của năm trước chuyển sang và do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá thép tăng 40% so với thời điểm đầu năm cũng làm tiến độ các dự án của bộ này bị chậm, một số thủ tục thay đổi...

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của bộ chậm cũng có nhiều lý do chủ quan. Ông Đào Ngọc Dung chỉ rõ, chủ đầu tư thiếu đôn đốc, một số đơn vị cứng nhắc, không linh hoạt, thiếu đồng bộ, khoa học, thủ tục hành chính nặng nề; thiếu phối hợp giữa các đơn vị của bộ và chủ đầu tư, nhà thầu. Do đó, ông Dung yêu cầu các cơ quan của bộ giám sát, đề xuất điều chỉnh vốn của các dự án; thay đổi cách làm việc, nếu cần báo cáo lãnh đạo bộ xem xét giải quyết…

Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư công đã thanh toán đạt hơn 153.400 tỷ đồng (đạt 26% kế hoạch năm), gồm cả vốn năm trước chuyển sang. Riêng phần vốn năm nay, đã thanh toán hơn 133.800 tỷ đồng (đạt 29% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước 4%). Trong đó, vốn nước ngoài mới giải ngân gần 3.800 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước 3%).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đánh giá, hầu hết các bộ ngành và địa phương giải ngân đạt thấp, dưới 20% vốn kế hoạch, đặc biệt có tới 9 bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào.

Theo thống kê của Bộ Tài chính tính đến hết tháng 6/2021, có tới 37/50 bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 20% vốn kế hoạch như: Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, KH&CN, Nội vụ, TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật... Có 16/63 địa phương cũng trong tình trạng tương tự, đó là: Bắc Kạn, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Quảng Bình...

Với số vốn nước ngoài giải ngân được rất ít, theo ông Tuấn, là do: Các dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài, như nhà tài trợ, chuyên gia, nhà thầu; máy móc, thiết bị nhập khẩu...; Dịch COVID-19 khiến việc đi lại giữa các nước gặp khó khăn. Bên cạnh đó, có địa phương được giao vốn vượt nhu cầu (như Hà Nội) nhưng chậm giao vốn. Vướng mắc lớn nhất, theo lãnh đạo Bộ Tài chính là thủ tục điều chỉnh dự án, nguồn vốn, cơ chế tài chính... các bước thủ tục thường phức tạp, kéo dài.

Theo các chuyên gia, những vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã kéo dài nhiều năm nay chưa được giải quyết. Đó còn là quy trình, thủ tục giải ngân vốn ODA. Các lý do vẫn được lặp đi lặp lại trong nhiều báo cáo, nhưng các bộ ngành vẫn thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết, hoặc đề xuất giải quyết.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên