MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Có những bài thi Ngữ văn đạt 9,75 điểm

13-07-2024 - 07:48 AM | Sống

Hiện nay nhiều sở GD&ĐT đã hoàn tất công tác chấm thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT, chuẩn bị cho khâu công bố điểm thi vào ngày 17/7 theo quy định.

Thông tin với phóng viên, ông Cao Văn Giáp, Trưởng phòng Quản lí chất lượng, Sở GD&ĐT Nam Định cho biết 2 hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Nam Định (hội đồng chấm thi tự luận, hội đồng chấm thi trắc nghiệm) đã chấm xong, dữ liệu được chuyển về Bộ GD&ĐT từ ngày 7/7.

Năm nay, toàn tỉnh có gần 22 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh lựa chọn bài thi trắc nghiệm Khoa học xã hội là 49%, bài thi Khoa học Tự nhiên là 51%. Quá trình chấm thi diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ. Về phổ điểm, ông Giáp thông tin cần đợi đến khi công bố điểm thi vì dữ liệu đã được chuyển lên Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT chưa thống kê cụ thể.

Tuy vậy, một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn của tỉnh cho biết tại tổ chấm của mình đã có thí sinh đạt 9, 75 điểm . Ngoài ra những bài giáo viên này chấm, không có thí sinh nào bị điểm liệt.

Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Có những bài thi Ngữ văn đạt 9,75 điểm- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Ngọc Tú

Một giáo viên chấm thi tại Thái Nguyên cho biết đã ghi nhận một bài thi môn ngữ văn đạt 9,75 ở hai lượt chấm đầu. Song, bài thi này sẽ được chấm kiểm tra, do đó, kết quả cuối cùng sẽ căn cứ vào lượt chấm kiểm tra.

Giám thị chấm thi này ghi nhận khá nhiều thí sinh đạt từ 8 - 9,25 điểm vì các em thể hiện được yêu cầu của đáp án và có chất văn. Nhưng cũng có một số thí sinh điểm thấp do chưa hoàn thành hết các yêu cầu của đề thi hoặc chưa có phương pháp làm. Thậm chí có thí sinh nhầm lẫn yêu cầu của đề bài là ý nghĩa của tôn trọng cá tính sang nói về giới tính.

Sở GD&ĐT Hải Dương cũng cho biết địa phương hoàn thành chấm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 8/7, đang triển khai các công việc để sẵn sàng công bố điểm thi theo lịch quy định. Sở GD&ĐT Lai Châu cũng đã hoàn thành công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD&ĐT

Băn khoăn

Năm nay dư luận tiếp tục băn khoăn đề thi môn Ngữ văn trùng lặp ý, dữ kiện với những đề kiểm tra, khảo sát học sinh trước đó ở các địa phương. Trong quá trình chấm thi, giám thị chấm thi cũng không khỏi băn khoăn trước bài làm của thí sinh.

Một giáo viên chấm thi tại Hà Nam cho biết đọc bài của thí sinh, ai cũng nhận thấy rất rõ hơi hướng văn mẫu trong từng bài thi. Văn mẫu được thể hiện từ cách vào đề. Điều giáo viên này buồn nhất là thời gian gần đây, học sinh không chỉ học văn mẫu qua các bài dạy của giáo viên, của tài liệu tham khảo mà còn học từ các tiktoker.

Nhìn nhận vấn nạn văn mẫu, vị giáo viên thẳng thắn khẳng định do lỗi của cả giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, nhiều người khi dạy đã không chấp nhận ngôn ngữ riêng của học sinh vì có sự ngô nghê, không trau chuốt, nuột nà.

Bản thân những giáo viên đó không chấp nhận từ chính học sinh của mình dạy cho đến khi đi chấm bài thi. Điều này đã “giết chết” việc tự bộc lộ khả năng thực sự của mỗi học sinh trong việc sử dụng ngôn từ để biểu đạt tư duy, suy nghĩ. Học sinh phải tìm cách nhanh nhất để đáp ứng yêu cầu của giáo viên với mong muốn đạt điểm tốt.

Về phía học sinh, chưa có phương pháp học, ít đọc sách, lười tư duy nên đã lựa chọn cách học thuộc văn mẫu. Giáo viên này đánh giá cách ra đề về cơ bản theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 vẫn phải có phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Tuy dữ liệu không còn phụ thuộc vào SGK nhưng yêu cầu chung học sinh cần trình bày suy nghĩ, nhìn nhận của cá nhân về một vấn đề nào đó.

“Vì vậy, muốn hạn chế văn mẫu, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải khuyến khích được học sinh thể hiện đúng được cái tôi của mình. Ngôn ngữ có thể ngô nghê, tư duy có thể chưa chuẩn, giáo viên có thể giúp các em chỉnh sửa. Còn nếu chỉ làm theo văn mẫu, các em sẽ mãi mãi nhìn nhận sự việc bằng cách nói lại suy nghĩ của người khác và không biết mình đã sai ở đâu”, vị giáo viên này nói.

Một giám khảo khác cũng nhận định tương tự và cho rằng nhiều thí sinh mắc lỗi học văn mẫu, kĩ năng làm bài yếu. Nghiêm trọng hơn có nhiều bài viết cơ bản giống nhau từ lí luận văn học đến liên hệ thực tế... vì các em học cùng một bài văn mẫu hoặc học chung tại một lò luyện thi. Vì thế, sự sáng tạo của thí sinh không cao, rơi vào lối mòn học vẹt, học thuộc lòng.

Các giám khảo cho biết với cách thức học, ra đề và chấm thi theo xu hướng mới, thí sinh cần có kĩ năng làm bài, tư duy riêng, phân bổ thời gian, đọc hết các yêu cầu của đề. Không có kĩ năng làm bài thì dù có trúng “tủ” tác phẩm văn học nhưng chưa chắc đạt điểm cao. Thí sinh cần nắm vững hệ thống thể loại, đặc trưng của thể loại, có kỹ năng làm bài thay vì chỉ học thuộc.


Tra cứu điểm thi trên báo Tiền Phong điện tử

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đúng 8 giờ ngày 17/7, kết quả thi được công bố. Các địa phương đều phải sẵn sàng chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện để việc công bố điểm thi bảo đảm thông suốt. Ngoài việc các địa phương tiến hành công bố điểm thi cho thí sinh của mình trên hệ thống quản lý thi, báo Tiền Phong điện tử cũng sẽ được Bộ GD&ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để phục vụ mục đích tra cứu điểm thi cho thí sinh và phụ huynh.

Theo Nghiêm Huê

Tiền phong

Trở lên trên