Chân dung hoàng tử Alwaleed - người được mệnh danh là "Warren Buffett của Ả Rập" vừa bị bắt
Hoàng tử Alwaleed theo đuổi hình ảnh một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Ả Rập.
- 07-11-2017"Bill Gates Ả rập" - Hoàng tử tỷ phú của Ả rập Saudi vừa bị bắt thực sự giàu tới mức nào?
- 06-11-2017Đằng sau vụ thanh trừng lớn tại Ả Rập Saudi
- 25-10-2017Ả Rập Saudi xây siêu đô thị ven biển 500 tỷ USD, lớn gấp 33 lần New York
Từ những năm 1990, Hoàng tử Alwaleed bin Talal với chiếc kính râm làm nên thương hiệu và chiếc khăn trùm đầu truyền thống đã xây dựng hình ảnh một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Ả Rập.
Từ một kẻ ngoại đạo trong gia đình hoàng gia, Alwaleed dần trở thành một trong những nhà đầu tư giàu có và nổi tiếng nhất thế giới với tổng tài sản ước tính đạt 18 tỉ USD.
Trong những năm gần đây, với sự hiểu biết về truyền thông và những “thần chú” đầu tư trên các chương trình TV về kinh doanh, gần đây nhất là về tiền số, Alwaleed đã củng cố uy tín của mình với những khoản đầu tư khổng lồ vào các tập đoàn như Citigroup, Twitter và Lyft.
Tạp chí Time từng tán dương Alwaleed là Warren Buffet của Ả Rập sau khoản đặt cược béo bở của ông vào Apple và Netscape.
Ông cũng thể hiện thái độ dứt khoát khi ủng hộ nhiều giám đốc điều hành như Steve Jobs của Apple và Rupert Murdoch của News Corp trong khoảng thời gian hỗn loạn. Và nhờ đó, ông nhận được sự trung thành và công nhận từ giới kinh doanh.
Vụ việc Alweleed cùng ít nhất 11 hoàng tử Ả Rập và hàng chục doanh nhân và quan chức cấp cao bất ngờ bị bắt giữ vào cuối tuần trước đã thu hút nhiều sự chú ý về chiến dịch chống tham nhũng.
Vụ việc này đã ngay lập tức ảnh hưởng tới công ty Kingdom Holding của Alwaleed (ông sở hữu 95% cổ phần của công ty). Giá cổ phiếu của công ty giảm gần 8% vào chủ nhật, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trước tình hình này, Kingdom Holding đã tuyên bố trước thị trường chứng khoán rằng công ty “ý thức được” tình hình của chủ tịch và khẳng định các hoạt động kinh doanh vẫn tiếp diễn như bình thường.
Những người hiểu biết về công ty cũng cho biết hiện Kingdom Holding đang vay có đảm bảo tại nhiều ngân hàng quốc tế, nhưng những ngân hàng này không hề lo lắng về việc chủ tịch công ty bị bắt, bởi những khoản nợ này đều là nợ có đảm bảo với tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao.
Mặc dù luôn ủng hộ Thái tử Mohammed bin Salman, người thừa kế ngai vàng của Ả Rập và cũng là người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng, nhưng Alwaleed vẫn bị bắt giữ.
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng mười, ông từng thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với chương trình cải cách của Vua Salman và Hoàng tử Mohammed, và cho biết ông đã công khai thiết lập “những quy định” của riêng mình về đa dạng hoá nền kinh tế Ả Rập trong nhiều năm.
Một vài tháng trước đó, ông từng cam kết sẽ trung thành với Thái tử Mohammed sau khi Mohammed bin Nayef bị phế truất và Mohammed bin Salman trở thành Thái tử.
Sự trung thành của Alwaleed đối với Mohammed không chỉ giới hạn trong những vấn đề kinh tế và kinh doanh. Vào năm 2016, khi Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, Alwaleed từng tuyên bố ông đã ngừng xem xét các dự án đầu tư tại quốc gia này. Ông cũng cho biết mình đã từ chối gặp mặt đại sứ Iran và sẽ dừng khai thác các chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Flynas (công ty của ông nắm giữ cổ phần của hãng) tới Iran.
Hoàng tử Alwaleed từng xung đột với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, sau khi Trump đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Vào tháng 12 năm 2015, ông từng chia sẻ trên Twitter rằng: “Ông đang xúc phạm không chỉ Đảng Cộng hoà, mà còn toàn nước Mỹ. Hãy rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống bởi ông sẽ không bao giờ chiến thắng.”
Trước phát biểu này, Trump phản hồi: “Hoàng tử @Alwaleed_Talal ngu ngốc muốn kiểm soát các chính trị gia Mỹ bằng tiền của cha mình. Không thể làm thế khi tôi trúng cử.”
Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhà đầu từ Ả Rập đã “phủi sạch” phát ngôn này và gửi một biểu tượng bắt tay trên Twitter với Trump sau khi ông giành chiến thắng.
Gia tài của Alwaleed hiện đang bị giám sát. Vào năm 2013, tạp chí Forbes từng cáo buộc rằng Alwalled đã phóng đại sự giàu có của mình và đăng tải một bài viết dài liên quan đến tài sản của ông. Trước động thái này, Hoàng tử Alwaleed đã cắt đứt quan hệ với Forbes và kiện tạp chí này tội phỉ báng. Ông thậm chí đã phải trả khoản án phí ít nhất 1,4 triệu bảng Anh trước khi vụ việc được giải quyết.