Chân dung loạt doanh nghiệp đình đám đứng sau dự án cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung
Cầu vượt qua cửa biển Thuận An là công trình giao thông cấp đặc biệt. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu cửa biển lớn nhất miền Trung.
- 05-09-2024Phát hiện nhiều khu vực ở Việt Nam có trữ lượng khoáng sản quý hiếm
- 05-09-2024Bình Phước: Huyện Hớn Quản sẽ sáp nhập với thị xã Bình Long và Chơn Thành
- 05-09-2024Tin mới về tiền lương, phụ cấp khối doanh nghiệp Nhà nước
Cầu vượt biển lớn nhất Miền Trung sẽ hợp long vào tháng 3/2025
Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa biển Thuận An giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 16/8/2021 và khởi công từ tháng 3/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 2.082 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 có chiều dài tuyến 7,785 km, phần cầu qua cửa Thuận An dài khoảng 2,36 km. Điểm đầu tuyến là nút giao QL49B-Cầu Tam Giang (thuộc xã Hải Dương); điểm cuối là nút giao QL49A-49B (thuộc phường Thuận An). Mặt cắt ngang tuyến rộng 26m, kết cấu áo đường loại cấp cao A1, bằng bê tông nhựa chặt rải nóng, móng cấp phối đá dăm loại 1.
Cầu vượt qua cửa biển Thuận An là công trình giao thông cấp đặc biệt. Nhịp cầu chính Extradose tương ứng với khổ thông thuyền lớn nhất là 218m, nhịp 90m vào khu neo đậu tàu thuyền. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu cửa biển lớn nhất miền Trung.
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, các đơn vị trúng thầu dự án cầu vượt cửa biển Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn miệt mài làm việc để hoàn thành tiến độ cho việc hợp long cầu. Sau gần 30 tháng thi công, khối lượng xây lắp trên công trình đạt khoảng 70%. Dự kiến, công trình sẽ được hợp long cầu vào tháng 3/2025.
Chân dung các "ông lớn" thi công dự án
Công trình này do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình là nhà thầu thi công.
Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam cùng liên danh của mình đã trúng gói thầu toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) dự án trên với tổng giá trị 2.088,482 tỷ đồng.
Tân Nam có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; các công trình dân dụng khác; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện... Xây dựng Tân Nam đã trở thành một nhà thầu xây lắp lớn trong và ngoài tỉnh Nghệ An, với hơn 320 cán bộ nhân viên, quy mô vốn điều lệ 548,88 tỷ đồng (2020).
Doanh nghiệp này được thành lập năm 2004, với 8 cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, theo thông tin trên Nhịp sống thị trường, hiện nay, gần như toàn bộ số cổ phần được sở hữu bởi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Long (SN 1964).
Tính đến tháng 8/2023, Tân Nam đã liên tiếp trúng 61 gói thầu (cả độc lập và liên danh) với tổng giá trị các gói thầu là hơn 38.871 tỷ đồng.
Các dự án của công ty thực hiện phải kể đến Gói thầu XL02 thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) (giá trúng thầu 1.133,752 tỷ đồng); Gói thầu XL04 thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông - đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (giá trúng thầu 1.139,53 tỷ đồng); Gói thầu XL03 thuộc Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 (giá trúng thầu 1.407,603 tỷ đồng)...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương trúng thầu gói thầu số 10 bao gồm toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm bảo hiểm xây lắp, đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công, thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình, thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An. Giá trị hợp đồng Đạt Phương thực hiện là gần 826 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng đã thực hiện nhiều dự án lớn như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột GĐ1, cầu Thôn 3, cầu Ông Điền, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Nhơn Trạch, cầu Nhật Lệ 3...
Tập đoàn Đạt Phương được thành lập năm 2002. Theo thông tin được đăng tải trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đạt Phương cho biết, công ty có các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là xây dựng, năng lượng, bất động sản, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng. Hiện, doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư phát triển vào lĩnh vực sản xuất và chế tạo.
Đạt Phương hiện có 7 công ty con với tỷ lệ góp vốn từ 61,32 - 100% vốn điều lệ. Tính đến hết ngày 31/12/2023, Đạt Pương đã góp 741,6 tỷ đồng vào công ty con.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch kinh doanh cho công ty mẹ là 4.084,5 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 208,3 tỷ đồng. Như vậy, nửa năm qua, công ty đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Trong năm 2024, Đạt Phương cũng đặt kế hoạch chi trả cổ tức là 10%.
Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình (HB479) thuộc Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là đơn vị chuyên ngành thi công cầu và cảng. Được thành lập từ tháng 3/1979 với tên gọi Công trường 079 thuộc Cục Công trình I. Năm 2006 công ty tiến hành cổ phần hóa và đến năm 2015, công ty đã chuyển đổi sang 100% cổ phần. Năm 2019, công ty chuyển đổi thành tên như hiện tại.
Trong suốt quá trình hoạt động của minh, công ty đã thực hiện nhiều dự án lớn như tham gia thi công Cầu Hàm Luông và Cầu Pá Uống là những công trình đạt kỷ lịch nhịp đúc hẫng dài nhất và có trụ cầu cao nhất Việt Nam, tham gia thi công cầu dây văng Phước Khánh, Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, thi công đường sát đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...
Năm 2023, 479 Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 635 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế gần 6,9 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 805 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9,5 tỷ đồng trong trường hợp công ty không phát hành cổ phần và 12,8 tỷ đồng nếu công ty phát hành cổ phần hoán đổi công nợ.
Khi lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch thì Công ty sẽ trích 10% của phần vượt kế hoạch để thưởng khích lệ và số tiền thưởng đó được phân bổ cho HĐQT, BĐH và cán bộ trọng yếu. Tổng phần thưởng khích lệ sẽ được chia theo tỷ lệ % cho HĐQT và Ban điều hành, cho cán bộ trọng yếu.
Nhịp sống thị trường