MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung 'người cũ' vừa trở thành lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ: Chính là người đã cứu UBS khỏi khủng hoảng, liệu có thể tiếp tục giải cứu Credit Suisse?

30-03-2023 - 14:40 PM | Tài chính quốc tế

Chân dung 'người cũ' vừa trở thành lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ: Chính là người đã cứu UBS khỏi khủng hoảng, liệu có thể tiếp tục giải cứu Credit Suisse?

Sergio Ermotti chính là người đã tiếp quản UBS sau những bê bối trong khủng hoảng tài chính và đã giúp hồi sinh ngân hàng này.

Trong những ngày tháng Sergio Ermotti làm CEO của UBS Group AG, ngân hàng đã cắt giảm hàng nghìn việc làm, tập trung nhiều hơn vào các mảng kinh doanh cốt lõi và trở thành định chế tài chính hàng đầu Thụy Sĩ. Trong khi đó đối thủ Credit Suisse liên tiếp gặp bê bối và mắc sai lầm.

Giờ thì người đàn ông từng là 1 nhà giao dịch phái sinh với phong cách ăn nói thẳng thắn sẽ trở thành người chèo lái của cả 2 ngân hàng.

Rời khỏi UBS từ năm 2020 sau 9 năm gắn bó, giờ đây Ermotti được mời quay trở lại để gánh lấy trọng trách điều hành ngân hàng 161 năm tuổi và quản lý thương vụ sáp nhập với Credit Suisse.

“Đó là 1 nhiệm vụ khẩn cấp và đầy thách thức, nhưng tôi cảm thấy đây chính là nhiệm vụ phải làm”, ông nói, bổ sung thêm rằng UBS sẽ “đánh giá mọi lựa chọn một cách kỹ lưỡng” khi nhập 2 ngân hàng vào với nhau. Về UBS, ông sẽ từ bỏ chiếc ghế Chủ tịch ở ông lớn tái bảo hiểm Swiss Re AG.

Thực hiện thành công vụ sáp nhập là điều quan trọng hàng đầu đối với Thụy Sĩ – nền kinh tế lấy ngành tài chính làm trụ cột. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ là ngân hàng quan trọng tầm cỡ toàn cầu duy nhất của Thụy Sĩ.

Năm nay 62 tuổi, Ermotti vừa bước chân vào nhóm những vị CEO quay trở lại với tập đoàn mà mình từng lãnh đạo. Ngoài ông còn có Robert Iger của Walt Disney và Howard Shultz của Starbucks.

Sinh ra ở Lugano, 1 thành phố tập trung nhiều người nói tiếng Italy, Ermotti tham gia vào ngành ngân hàng từ rất sớm. Trước khi gia nhập Merrill Lynch năm 1987, ông từng có thời gian thực tập tại 1 ngân hàng địa phương. Tại Merrill Lynch, ông dần leo lên các vị trí và trở thành người đứng đầu mảng thị trường chứng khoán toàn cầu trước khi nhận 1 vị trí cấp cao tại UniCredit, ngân hàng của Ý.

Kiến trúc sư trưởng cải tổ UBS thành công

Ermotti mới chỉ làm việc cho UBS được 5 tháng khi bất ngờ trở thành CEO sau khi ngân hàng này thực hiện cải tổ. Một trader phạm sai lầm khiến UBS thiệt hại 2,3 tỷ USD, dẫn đến CEO khi đó là Oswald Grubel phải từ chức. Hội đồng quản trị đã bổ nhiệm Ermotti, người đang quản lý mảng kinh doanh tại châu Âu, làm CEO.

Ngay từ trước đó Ermotti đã là “kiến trúc sư trưởng” đứng sau kế hoạch tái cấu trúc giúp UBS hoạt động tốt hơn trong suốt 1 thập kỷ sau đó. Được đặt tên là Project Accelerate, đây là kế hoạch đại cải tổ mà trong đó UBS mạnh tay cắt bỏ mảng ngân hàng đầu tư để tập trung nhiều hơn vào quản lý tài sản cho giới siêu giàu.

Quay trở lại thời khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, UBS đã lâm vào rắc rối và phải ghi giảm 50 tỷ USD tài sản, thậm chí phải nhận gói cứu trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ. Đó cũng là sự kiện khiến Ermotti quyết định ngân hàng không thể cùng lúc tập trung vào cả 2 mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Hàng chục nghìn việc làm đã bị cắt giảm.

“Để xây dựng lại 1 ngôi nhà, bạn sẽ cần phải dỡ bỏ một số bức tường”, Ermotti từng chia sẻ trong buổi gặp mặt với cổ đông.

Cuối cùng kế hoạch tái cấu trúc đã tỏ ra hiệu quả. Lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu đều tăng trưởng tốt, giúp UBS lấy lại danh tiếng. Dù đã thu hẹp đáng kể, mảng ngân hàng đầu tư của UBS vẫn cung cấp các dịch vụ tư vấn M&A và giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên mảng đầu tư vào các tài sản mang lại thu nhập cố định bị đóng cửa hoàn toàn.

Những gì UBS đã làm trái ngược hẳn với Credit Suisse. Dù không phải nhận cứu trợ trong khủng hoảng, Credit Suisse lại chậm thích nghi với bối cảnh mới. Quá trình cải tổ mảng ngân hàng đầu tư ở ngân hàng này vẫn diễn ra hết sức chậm chạp dù đã kéo dài cả thập kỷ. Trong khi UBS thay đổi và lớn mạnh, Credit Suisse lại chìm trong bê bối và thua lỗ liên quan đến các khách hàng có mức độ rủi ro cao.

Vị thế của 2 ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế và trong con mắt đánh giá của cổ đông cũng thay đổi.

Khi Ermotti bắt đầu lãnh đạo UBS năm 2011, hai ngân hàng có quy mô và doanh thu tương đương. Credit Suisse đạt doanh thu 28 tỷ USD còn của UBS là 30 tỷ USD. Đến năm 2020, doanh thu của UBS tăng lên 32 tỷ USD còn của Credit Suisse sụt giảm xuống còn 24 tỷ USD.

Khi UBS ổn định trở lại, Ermotti cho biết ông đã sẵn sàng cho thứ gì đó mới mẻ và ra đi năm 2020. Sau thời gian dài tìm kiếm người kế nhiệm tại UBS, ông trở thành Chủ tịch của công ty bất động sản Swiss Re. Tuy nhiên Ermotti không hề đứng ngoài các thương vụ. Ông là Chủ tịch của 1 công ty SPAC đã sáp nhập với Ermenegildo Zegna Group, nhà sản xuất hàng xa xỉ đến từ nước Ý.

Cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 30% kể từ khi niêm yết. Đây là một trong số ít các vụ sáp nhập SPAC thành công. Cổ phiếu của hầu hết các công ty SPAC đã giảm rất mạnh.

Tham khảo Wall Street Journal

4 rủi ro lớn đe dọa hệ thống ngân hàng Mỹ, nguy cơ xuất hiện những vụ tương tự SVB

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên