MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung vị Tổng thống dù đã nghỉ hưu vẫn đau đáu kế hoạch cứu đất nước sắp chìm

07-03-2018 - 20:06 PM | Tài chính quốc tế

"Lập kế hoạch cho một ngày không còn một đất nước thật sự đau đớn nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải làm điều đó", ông Anote Tong từng nói.

Những người dân sống trên quốc đảo Kiribati tin rằng chỉ cần một thế hệ nữa thôi, toàn bộ phần đất liền của quốc gia này sẽ bị nhấn chìm trong nước.

Từ lâu, nước biển dâng luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với Kiribati, bởi nó có thể biến toàn bộ 110.136 người dân quốc gia này trở thành dân tị nạn.

"Các hòn đảo của chúng tôi sẽ không thể ở được trong khoảng thập kỷ tới", cựu Tổng thống Anote Tong cho biết.

Mùa hè năm 2008, nhà chức trách Kiribati đã yêu cầu Australia và New Zealand chấp nhận các cư dân Kiribati như là những người tị nạn thường trú. Kiribati được xem là quốc gia đầu tiên mà tất cả lãnh thổ đất liền sẽ biến mất do vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chân dung vị Tổng thống dù đã nghỉ hưu vẫn đau đáu kế hoạch cứu đất nước sắp chìm - Ảnh 1.

Đảo Kiribati

Tháng 6, 2008, ông Anote Tong lúc đó là Tổng thống đương nhiệm đã nói rằng quốc gia này đã chạm đến "điểm không thể quay trở lại".

"Lập kế hoạch cho một ngày không còn một đất nước thật sự đau đớn nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải làm điều đó", ông Anote Tong từng nói.

Ông Anote Tong sinh năm 1952 và là một chính trị gia gốc Hoa. Ông đắc cử Tổng thống của quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati lần đầu tiên vào năm 2003 và tiếp tục tái cử hai nhiệm kỳ sau đó vào năm 2007 và năm 2012.

Vị cựu Tổng thống Kiribati tốt nghiệp đại học Canterbury ngành khoa học và có bằng Thạc sỹ kinh tế của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London.

Ông Tong là người có công lớn trong việc thu hút sự chú ý của quốc tế khi cảnh báo rằng đất nước của ông có thể sẽ không thể cư trú được vào năm 2050 do nước biển dâng và nhiễm mặn vì biến đổi khí hậu.

Cựu Tổng thống Kiribati - ứng viên giải Nobel Hòa bình thường xuyên cảnh báo tới quốc tế rằng tị nạn có thể là giải pháp cuối cùng cho những tai ương của Kiribati.

Nếu quốc gia này không thể thích nghi được những thách thức môi trường, "chúng tôi sẽ phải cam chịu thực tế tàn khốc di cư", ông nói.

"Nhưng chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ đợi điều đó diễn ra. Bởi nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ trở thành dân tị nạn khí hậu", vị cựu tổng thống chia sẻ.

Đối mặt với nguy cơ mất nước đến ngày càng gần, trong thời gian tại nhiệm, ông Tong đã có những bước đi cụ thể như mua 6.000 mẫu đất (2.428 héc-ta) trên đảo quốc Fiji để 115.000 người Kiribati có thể di cư tới đó và mỗi năm sẽ di dời 75 công dân tới New Zealand.

"Nếu ở lại đảo, chúng ta phải nâng đảo", ông Tong nói. Ông tin rằng các công nghệ và nguồn lực có thể xử lý được vấn đề của Kiribati là có nhưng không sẵn.

Để khắc phục những hậu quả của khí hậu, quốc đảo xa xôi này đã tham vấn các chính phủ láng giềng và công ty tư nhân về công nghệ cải tạo đất liền cũng như biện pháp xây dựng nhà nổi cho người dân.

Ngoài Kiribati, Tuvalu cũng là một quốc đảo xa xôi khác của Thái Bình Dương chịu rủi ro biến mất vì nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa đến cuộc sống của người dân rất nhiều quốc gia từ Bangladesh đến Kenya.

Thiên tai khiến cho 21,5 triệu người phải thay đổi chỗ ở hàng năm trong giai đoạn 2008 - 2016, theo EJF.

Anh Sa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên