MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung vị tỷ phú người Trung Quốc duy nhất trong top 10 tỷ phú công nghệ

14-04-2022 - 16:45 PM | Kinh tế số

Chân dung vị tỷ phú người Trung Quốc duy nhất trong top 10 tỷ phú công nghệ

Ma Huateng, Chủ tịch tập đoàn Internet khổng lồ Tencent Holdings, là người Trung Quốc duy nhất có mặt trong danh sách 10 tỷ phú công nghệ. Tài sản ròng của Ma Huateng trong năm qua là 37,2 tỷ USD, đứng thứ 9 trong danh sách tỷ phú công nghệ thế giới

Ma Huateng, được mọi người biết đến với cái tên tiếng Anh là Pony Ma, sinh năm 1971 tại Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1989, ông theo học khoa Nghiên cứu khoa học máy tính tại trường Đại học Thâm Quyến. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, ông làm lập trình viên phần mềm.

Khi đó, chỉ khoảng 1% dân số Trung Quốc biết tới máy tính và Internet. Còn Ma Huateng đã kiếm 176 USD mỗi tháng từ công việc đầu tiên ở Thâm Quyến. Ông đặt chân khá sớm vào cơn sốt công nghệ tại Trung Quốc giữa những năm 90.

5 năm sau khi tốt nghiệp, ông cùng một số người bạn sáng lập Tencent. Thời điểm mới thành lập, công việc của Pony Ma gặp nhiều khó khăn. Ông phải kiêm cả công việc gác cổng lẫn kỹ sư thiết kế web do công ty ít vốn, lại thiếu nhân sự đảm trách có kinh nghiệm và trình độ, chỉ có thể tập trung vào việc phát triển các dịch vụ nhắn tin trên nền email.

Sản phẩm đầu tiên của công ty là dịch vụ tin nhắn tức thời bằng máy vi tính có tên là OICQ và đổi tên thành QQ vào năm 2000. Để chiếm thị phần lớn hơn, Tecent bắt đầu cung cấp dịch vụ này dưới dạng tải xuống miễn phí. Trong vòng 1 năm dịch vụ đã có hơn 5 triệu người dùng.

Sau đó, Tencent bắt đầu kiếm được tiền nhờ quảng cáo và thu phí hàng tháng với người dùng cao cấp. Đến năm 2001, họ đã huy động được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư. Năm 2004, Tencent trở thành dịch vụ tin nhắn lớn nhất Trung Quốc.

Năm 2012, Tencent ra mắt ứng dụng nhắn tin WeChat. Ứng dụng này đã trở thành một hiện tưởng toàn cầu với hơn 100 triệu người dùng trong vòng 12 tháng. Năm 2017, giá trị cổ phiếu của Tencent tăng 130% khi WeChat chạm ngưỡng 1 tỷ người dùng. WeChat trở thành một siêu ứng dụng với nhiều tính năng như nhắn tin, gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua hàng, thanh toán hóa đơn nhà hàng, gọi xe và thậm chí hẹn hò online.

Trong khoảng thời gian này, Tencent cũng đầu tư vào các công ty game lớn như Activision Blizzard, World of Craft và Candy Crush. Công ty này cũng đứng sau Epic Games với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tới 40%.

Thành công của Tencent mang lại khối tài sản khổng lồ cho Pony Ma. Ngoài ra, ông Ma cũng góp mặt trong danh sách cổ đông của các công ty Snapchat và Tesla Mortor.

Tỷ phú Ma Huateng đã từng thú nhận ông là người thường hay nhút nhát khi phải đứng trước công chúng. Trên các trang thông tin, ông được biết đến là người có "ít tiểu sử". Các thông tin hiếm hoi về bản thân ông chỉ có thêm là thần tượng nhà sáng lập Apple Steve Jobs và là một trong những nhà hảo tâm nổi tiếng thế giới. Ông Ma từng chuyển 2 tỷ USD giá trị cổ phần tại Tencent cho quỹ từ thiện năm 2016.

https://cafef.vn/chan-dung-vi-ty-phu-nguoi-trung-quoc-duy-nhat-trong-top-10-ty-phu-cong-nghe-20220414161341597.chn

Anh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên