Chân lý ngộ ra giữa mùa dịch: Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được
Tiền tiết kiệm, theo một ý nghĩa nào đó, thực sự là cái phao cứu hộ được tung ra vào phút chót.
- 02-04-2020Xúc động những tấm lòng vàng ủng hộ từ quả trứng, mớ rau đến chỉ vàng dưỡng già để chống dịch Covid-19: "Tôi chết tiền không mang theo được"
- 02-04-2020"Bô lão vé số" mùa Covid-19: "Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày"
- 01-04-2020Đón đầu xu hướng làm YouTuber với 10 bài học kinh nghiệm được chính Giám đốc khối kinh doanh chia sẻ: Bí quyết ở nhà "cách ly xã hội" vẫn kiếm được bộn tiền thời Covid-19 là đây
Có câu nói thế này: "Một hạt bụi của thời đại khi rơi xuống đầu một cá nhân riêng lẻ sẽ biến thành cả ngọn núi".
Câu nói này càng thêm đúng hơn giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Một khi dịch bùng phát, tất cả đều phải chịu ảnh hưởng. Không chỉ người nhiễm mà còn cả những người bình thường như chúng ta. Các nhà máy xí nghiệp có thể hoạt động trở lại hay không? Không ai biết. Cuối tháng còn nhận được lương hay không? Không ai biết. Tiền lương nhiều hay ít? Không ai biết.
Và trong tình trạng cái gì cũng không biết ấy, chúng ta vẫn phải ăn cơm, vẫn phải ăn mặc, vẫn phải nuôi con, vẫn phải phụ giúp cha mẹ, vẫn phải trả tiền nhà, tiền nước, tiền điện, tiền xăng...
Nếu bạn không có tiền tiết kiệm, mỗi một phần chi tiêu nhỏ trong ngày hiện tại đều trở thành khoản lớn khiến bạn phải lo âu. Chỉ cần một lần dịch bệnh lớn, mọi tích góp của bạn sẽ bay biến.
Tới lúc này, khi nguy cơ và rủi ro xuất hiện, rất nhiều người mới chịu giật mình:
Người có tiền tiết kiệm và không có tiền tiết kiệm, sẽ trải qua những cuộc sống khác nhau.
Tiền tiết kiệm mới là nguồn lực cơ bản cứng rắn nhất của mỗi người.
01. Khi bạn không có tiền, vào những thời điểm đặc biệt, bạn sẽ sống như một cái xe bị tuột xích
Tôi có đọc được một bài tâm sự trên MXH của một người phụ nữ. Cô ấy kể về việc chồng mình vốn là một tài xế taxi. Mùa dịch chẳng mấy ai ra đường, khách không có, tiền sinh hoạt cơ bản cũng khó lòng kiếm được. Đáng lo ngại hơn nữa là mỗi ngày, chồng cô ấy vẫn phải nộp phí cho công ty chủ quản mà nhà thì có đứa con đang ốm. Cứ tiếp tục như vậy, tiền thuốc cho con cũng không còn nữa.
Đọc đến đây, tôi thực sự cảm thấy xót xa. Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nếu như không phải tình hình kinh tế của gia đình thực sự khó khăn, liệu có ai muốn lao ra ngoài kiếm tiền bất chấp nguy hiểm cho sức khỏe như thế? Nhưng cả nhà kia chỉ dựa vào một người đàn ông, họ đâu còn sự lựa chọn nào khác.
Những câu chuyện như thế thực tế vẫn diễn ra rất thường xuyên. Không lâu trước đây, có một đôi vợ chồng trẻ cắn răng bỏ rơi đứa con mới sinh của mình. Cả hai ngậm ngùi để lại một chiếc lắc tay cùng mảnh giấy ghi vội vài chữ: "Hy vọng bệnh viện hoặc các đồng chí công an có thể đưa con tôi đến một trại trẻ mồ côi nào đó gần đây, có lắc tay làm tin. Chúng tôi đi kiếm việc, nếu như còn sống, nhất định sẽ tới trại trẻ đón con về trong vòng 1 tháng nữa. Dịch bệnh đang rất nghiêm trọng, mà chúng tôi không có thu nhập, không tìm được việc làm, phải lang thang khắp nơi, không thể để con phải chết đói theo mình được. Bà con làm ơn làm phước cưu mang con chúng tôi với".
Đứa bé vô tội, bố mẹ đứa bé cũng không tàn nhẫn độc ác gì, nhưng tai họa giáng xuống, thông thường, chúng ta sẽ không kịp chuẩn bị được gì hết như vậy.
Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được.
Khi chúng ta không có tiền, chúng ta chỉ có thể giống như một con ngựa già, oằn mình gánh lấy mọi thứ trên lưng. Thậm chí có người buộc phải bỏ nhà ra đi, xa vợ xa con.
Tất nhiên, trong xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng cứu giúp những người đang gặp khó khăn. Chỉ là, nếu chúng ta vẫn cứ ôm tâm lý may mắn, gửi gắm hy vọng lên người khác, vậy không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải ăn trái đắng.
Cuộc sống tồn tại rất nhiều rủi ro, nếu không phải dịch bệnh thì cũng có những nguy cơ khác nữa. Nên chỉ khi bạn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, ngay cả lúc đang yên ổn cũng biết lo xa, phòng ngừa chu đáo mới vững tâm khi biến cố xảy ra.
02. Có đủ tiền tiết kiệm mới có thể sống an tâm
Trên MXH từng xuất hiện câu hỏi lớn thế này: "30 tuổi, chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm mới cảm thấy an toàn?".
Mỗi người có một đáp án khác nhau nhưng có một đáp án khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng:
"Nếu trong vòng nửa năm bạn không làm việc mà cuộc sống của bạn vẫn vận hành bình thường, bao gồm trả tiền nhà, tiền trả góp mua xe, thanh toán tín dụng..., vậy bạn đã có được cảm giác an toàn ở mức độ nhất định, cuộc sống của bạn sẽ không bị quá căng thẳng và o ép. Nhưng nếu câu trả lời là không, vậy tình trạng của bạn tương đối nguy hiểm. Bất kì một biến cố bất ngờ phát sinh nào cũng đủ khiến bạn, thậm chí cả gia đình bạn phải chịu sự đả kích lớn".
Câu trả lời này thực sự rất chính xác, bởi lẽ số tiền cụ thể là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng phải tích góp đủ để có khả năng ổn định trong tình trạng mình bị mất ổn định nhất.
Cuộc sống này tràn đầy những điều bất ngờ, không ai có thể chắc chắn được cuộc đời mình sẽ còn gặp biết bao lần vấp ngã, biết bao lần té vực. Chỉ khi trong tay bạn có đủ tài chính, bạn mới đủ bình tĩnh để đối diện.
Tôi có một đứa bạn, 9x, độc thân, bố mẹ đều là nông dân, hoàn toàn không có cái gọi là chỗ dựa như nhiều người. Nó một mình vào Nam lập nghiệp, cuộc sống rất vất vả nhưng lúc nào cũng chắt chiu tiết kiệm từng đồng.
Bạn cùng phòng của nó vay này vay nọ chỉ để mua được cái túi hàng hiệu, nó cũng rất thích nhưng nó nhịn được. Bạn cùng phòng của nó đổi điện thoại đời mới, rủ rê nó cũng mua rồi trả góp, nó rất lung lay nhưng rồi vẫn từ bỏ. Nó nghĩ đến gia cảnh nhà mình nên trân trọng từng đồng tiền. Ngoài nhu yếu phẩm cần dùng cho sinh hoạt, tiền nó chỉ dùng để tham gia mấy khóa học kĩ năng hoặc học thêm ngoại ngữ chứ tuyệt nhiên không tiêu gì nữa. Cứ thế, 5 năm Nam tiến, nó đã tích được một khoản kha khá.
Không ngờ, khoản tiền đó cuối cùng lại trở thành tiền cứu mạng.
Năm ngoái mẹ nó bị bệnh, phải nằm viện. Bệnh rất nặng, bảo hiểm y tế nông thôn chỉ chi trả được phần, phần còn lại vẫn là con số trên trời. Mẹ nó sợ mất nhiều tiền, sợ làm liên lụy đến nó nên nhất quyết không chịu chữa trị. Bố nó chất phác, không kiếm được nhiều tiền, cũng không dám mở miệng vay ai. Huống chi, họ hàng nó cũng chẳng ai khá giả.
Sau khi nó biết tin đã lập tức trở về, kiên quyết lấy tiền tiết kiệm ra, cuối cùng mới thành công cứu sống được mẹ nó. Nó nói đây là lần đầu tiên trong đời nó cảm giác được mình đã làm được một việc tuyệt vời như thế nào.
Trong bộ phim "City of Rock" có một câu thoại vô cùng thực tế: "Tiền có thể cứu mạng còn lý tưởng thì không".
Chỉ khi bạn có tiền thì bạn mới có thể tự do làm việc mình thích và ngược lại. Tiền tiết kiệm, theo một ý nghĩa nào đó, thực sự là cái phao cứu hộ được tung ra vào phút chót. Khi tài chính trong tay bạn đủ dư da, bạn sẽ đủ mạnh mẽ để tránh thoát khỏi những hiểm nguy cuộc đời và đồng thời có thể dựng lên hàng rào bảo vệ an toàn nhất cho gia đình và những người thân yêu của bạn.
03. Thay vì suốt ngày mua cái này, mua cái kia, hãy cố gắng kiếm tiền
Có một khái niệm mới xuất hiện gần đây: Tiêu tiền bù.
Giải thích cụ thể ra thì là như vậy. Vì tình hình dịch bệnh nên phải ở nhà quá nhiều, thành ra có một số người có ham muốn được tiêu tiền. Ví dụ như, có người sẵn sàng mua một cái váy hơn chục triệu đồng, có người không để ý tiêu luôn cả 2/3 tiền lương trong khi mới đầu tháng, có người lại mua cả đống thứ linh tinh trên mạng về...
Nghĩ đi nghĩ lại thì trong mùa dịch vẫn có tiền để mua thứ này thứ kia cũng là một loại may mắn. Nhưng vấn đề được đặt ra, chúng ta thực sự có đủ thực lực để tiêu bù như thế hay sao?
Có một cư dân mạng phát biểu: "Tôi giống như nhiều người, đã mua rất nhiều thứ rồi nhưng vẫn còn bỏ sẵn n thứ trong giỏ đồ. Chờ hết dịch sẽ thanh toán một thể, cho bõ cảm giác không được tiêu tiền bấy lâu. Tuy nhiên, khi nhận một loạt tin nhắn trừ tiền báo về, nhìn số dư còn lại trong tài khoản, tôi biết mình đã sai rồi".
Khi thu không đủ chi, sẽ khiến mình nhập không đủ xuất, thậm chí khiến cả gia đình bị ảnh hưởng lây.
Tôi bỗng nhớ đến một câu nói nổi tiếng: "Khi bạn sinh hoạt trong một thế giới tiền bạc, bạn bắt buộc phải học cách khống chế tiền bạc thì mới thoát khỏi cảnh trở thành nô lệ của tiền bạc".
Không muốn bản thân phải chật vật vì tiền, cũng không cần phải ngưỡng mộ người ta có thể mua đồ không cần xem giờ thì trước hết bạn phải thay đổi và có cho mình năng lực kiếm thật nhiều tiền đã.
Không biết bạn có nhớ hay không trường hợp của một anh chàng hot boy mạng tên Austin. Austin từng là một nhân viên bán mỹ phẩm bình thường, cả ngày chỉ lo KPI. Nhưng anh chàng lúc nào cũng cố gắng làm việc, học hỏi. Chỉ trong 3 năm, Austin đã trở thành nhân viên bán có doanh thu cao nhất, chuyên nghiệp nhất, thậm chí là được yêu thích nhất.
Austin phấn đấu từng bước một mới có được thành tựu hôm nay: Trong vòng 3 phút bán được 5.000 set sản phẩm skincare cao cấp, 15 phút bán được 15.0000 thỏi son, được lọt vào cả danh sách 30 Under 30 năm 2019. Nhưng dù 27 tuổi đã có thu nhập cả tỷ mỗi năm, Austin vẫn không ngừng nhắc nhở fan của mình rằng: Phải học cho giỏi, phải tiêu cho hợp lý, đừng vay mượn linh tinh.
Chỉ khi bạn trải qua cuộc sống vất vả rồi thì bạn mới biết trân trọng những gì mình đang có hôm nay. Thay vì than thở sao mình không tích được đồng nào thì từ nay trở đi, hãy quản lý chi tiêu của mình, nghiêm túc nâng cao kĩ năng kiếm tiền!
04. Dịch bệnh thực ra cũng là một bước ngoặt
Có những người khi không có tiền sẽ càng suy sụp. Nhưng cũng có người, khi hiểu được độ rủi ro khi không có tiền mà bắt đầu thay đổi, tự cứu lấy mình.
Bộ phim Intolerable Cruelty (2003) có một câu thoại: "Tôi không yêu tiền, tôi chỉ yêu cuộc sống tự do, độc lập mà tiền mang tới".
Để sống còn, không ai có ngoại lệ hơn ai. Biết tích góp, biết chuẩn bị thì bạn mới có thể tiếp tục quỹ đạo cuộc sống như bình thường.
Hãy coi mùa dịch này như thời điểm để bạn thay đổi thói quen chi tiêu. Không có việc gì thì đừng hoang phí, có thời gian thì học tiết kiệm. Vì tương lai của chính bạn!
Trí thức trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19