Chán ngán văn hóa 996: Giới trẻ Trung Quốc liều lĩnh bỏ việc tìm tự do, tạo ra thế hệ "du mục kĩ thuật số"
Dứt khoát từ bỏ môi trường làm việc chốn văn phòng, nhiều người trẻ Trung Quốc đã tự chọn cho mình một con đường riêng để phát triển sự nghiệp mà vẫn đảm bảo cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Năm 2018 là lúc Tori Zhao cảm thấy mình đang sống trong giấc mơ Trung Hoa. Hoặc ít nhất là nó có vẻ như vậy. Kỹ sư phần mềm này đã nhận được lời mời làm việc quý giá từ các công ty như ByteDance và vô cùng bận rộn khi làm việc cho một công ty mới thành lập, đang phát triển ở trung tâm công nghệ của Bắc Kinh — tuy nhiên, mọi thứ không như ý muốn.
"Tôi đã làm việc theo kiểu 996," cô gái gốc Quảng Châu nói. "Lối sống 996" là một thuật ngữ dùng để chỉ thời gian làm việc khắc nghiệt từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, một tuần làm việc sáu ngày vốn đã trở thành hiện thực đối với nhiều thanh niên Trung Quốc thời hiện đại. Họ thường là nhân sự làm các công việc văn phòng, đặc biệt là những người trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới và công nghệ.
"Tôi không thể chịu đựng được," Zhao nói. Cô sợ rằng mình sắp kiệt sức. Và không chỉ Zhao - 76% số người Trung Quốc dưới 23 tuổi được khảo sát cho một báo cáo việc làm gần đây cho biết họ sẵn sàng trở thành "dân du mục kỹ thuật số" (làm việc tự do qua mạng) và không bị ràng buộc vào bất kỳ vị trí nào.
Tại Trung Quốc, những phong trào sống như "nằm yên" đã nhường chỗ cho những xu hướng mới như "kệ đời mục nát", có nghĩa là sống một lối sống chậm hơn và làm những việc tối thiểu để tồn tại thay vì chỉ phục tùng công việc. Cụm từ này đã thu hút hơn 93,2 triệu lượt xem và tìm kiếm trên Xiaohongshu vào cuối năm ngoái.
Đi tìm tự do
Năm 2019, Zhao nghỉ việc để làm nghề tự do. Trong vài năm sau đó, Zhao đã quản lý một danh sách khách hàng trong khi dành thời gian nghỉ ngơi để đi du lịch và thư giãn giữa các dự án lớn,. Cô đi du lịch tới các thành phố như Hồng Kông, các hòn đảo nhiệt đới như Bali, cũng như các thị trấn nhỏ trên khắp vùng nông thôn Trung Quốc.
Cô coi việc nghỉ việc là một điều may mắn, vì nhiều đồng nghiệp của cô đã mất việc làm trong thời đại dịch. Quan trọng hơn, Zhao đã có thể tránh được một số lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Sau khi đại dịch xảy ra, Zhao đã trở lại Vancouver rồi về Trung Quốc để gặp gia đình và đánh dấu thêm những địa điểm trong danh sách muốn đi của mình, bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Zhao, hầu hết những người du mục kỹ thuật số Trung Quốc mà cô biết đều là kỹ sư phần mềm.
"Khi tôi mới bắt đầu, hầu hết là nam giới, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ bắt kịp với xu hướng này," cô nói và cho biết thêm rằng những người du mục kỹ thuật số mà cô gặp bao gồm các nhà văn, nhà báo, lập trình viên và những người làm công việc sáng tạo khác.
Câu chuyện về hai người du mục
Mo Zhou là một người tương đối mới với lối sống du mục kỹ thuật số. Rời bỏ cuộc sống ở Thượng Hải, Zhou hiện điều hành một công ty quảng cáo, tiếp thị và truyền thông kỹ thuật số của riêng mình ở Vancouver, mặc dù cô thường xuyên đi du lịch khắp nước Mỹ.
Zhou đã thay đổi lối sống vào năm 2021, khi cô bị cách ly khỏi Trung Quốc giữa đại dịch. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải mà cô đang làm việc cho phép cô tiếp tục làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sự khác biệt về múi giờ đã gây nhiều trở ngại.
"Tôi là người duy nhất làm việc từ xa từ một quốc gia khác," cô nói. "Tôi đã làm điều đó trong một năm, nhưng tôi phải thức dậy lúc 9 giờ tối ở Vancouver và thức đến 5 giờ sáng hàng ngày. Vì vậy, lịch trình của tôi bị xáo trộn và tôi hầu như không nhìn thấy chút ánh sáng mặt trời nào... Cuối cùng, tôi phải nghỉ việc."
Không thể quay lại Trung Quốc, cô thành lập công ty riêng. "Điều đó cho phép tôi làm việc với các khách hàng khác nhau từ xa," cô nói.
Điều hành công ty của riêng mình đã giúp Zhou có thể làm việc theo nhiều cách khác nhau. Từ livestream đến quảng cáo đánh giá sản phẩm và nghiên cứu tiếp thị liên quan đến trang web cũng như các đổi mới khác, cô và đối tác kinh doanh của mình làm việc trên cái mà họ gọi là "khía cạnh sáng tạo" của công nghệ.
Kỹ sư phần mềm Tori Zhao thừa nhận lối sống của cô không bình thường, đặc biệt là so với bạn bè đồng trang lứa.
"Tôi lớn lên ở Quảng Châu, vùng miền nam Trung Quốc, nơi chúng tôi được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và nghe K-pop," cô giải thích. "Những người tôi quen ở Bắc Kinh rất khác biệt; họ thường lớn lên ở các thị trấn nhỏ hơn khắp miền bắc Trung Quốc và dành phần lớn cuộc đời để học tập để vượt qua kỳ thi đại học".
"Văn hóa 996 chẳng là gì với họ vì họ đã quen với nó từ khi còn nhỏ - 12 giờ học mỗi ngày kể từ năm 11 tuổi."
Chia sẻ về lối sống của mình, Zhao nói: "Với sự phát triển của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người sẵn sàng sống theo lối sống du mục khi công việc cho phép làm từ xa và có đủ can đảm theo đuổi. Việc trở thành dân du mục kỹ thuật số dễ dàng hơn trong xã hội hiện đại".
"Phần tôi thích nhất là được ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà tôi muốn", cô nói thêm.
Thể thao văn hóa