“Chặn” tội phạm công nghệ cao
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng Phạm Vũ Quang Trường (trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) về hành vi chiếm dụng tài khoản Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: LT
Liên tục những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao xảy ra trong thời gian qua, chúng lợi dụng triệt để sự phát triển của khoa học công nghệ, những “lỗ hổng” pháp lý để gây án…
- 08-10-2022Công dân cần nắm rõ thông tin quan trọng này về ứng dụng định danh điện tử VNeID để tránh gặp rắc rối
- 08-10-2022Giá Bitcoin hôm nay 8/10: Bitcoin giảm giá, mất mốc 20.000 USD
- 07-10-2022Các 'Big Tech' muốn người dùng phải chọn phe?
Đối tượng Nguyễn Hồng Thạch đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên tới hơn 10 tỷ đồng, riêng số lượng bị hại tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600 người. Ảnh: CA TP.HCM
Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Theo Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, đa số bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn công nghệ cao là phụ nữ, người già. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder... để kết bạn rồi làm quen với bị hại.
Cụ thể, sau một thời gian, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử. Chúng vẽ ra các sàn này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do đối tượng lập ra.
Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các đối tượng cũng khóa các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder...
Hay một thủ đoạn rất phổ biến nhưng nhiều người mắc bẫy đó chính là các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ…; sau đó nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp dọa dẫm bị hại liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang điều tra, nếu không thực hiện theo nội dung các đối tượng đưa ra sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam khiến người bị hại hoang mang, lo sợ và cung cấp thông tin cá nhân, tài sản, làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Theo chỉ huy Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, hiện thủ đoạn giả mạo nhân viên ngân hàng đang khá phổ biến. Chúng sẽ gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, điền các thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking, mã OTP để kiểm tra, xác minh, qua đó các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Internet banking và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Các thủ đoạn gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn, sau đó yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng vẫn xảy ra. Cùng với đó, nhiều đối tượng giả danh nhân viên các công ty viễn thông lợi dụng quy trình chuyển đổi sim trực tuyến của các nhà mạng, tranh thủ sự mất cảnh giác của bị hại, yêu cầu bị hại đọc mã OTP để vô hiệu hóa sim điện thoại của bị hại đang sử dụng và chiếm đoạt số thuê bao này.
Sau đó, các đối tượng thực hiện thao tác đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking, ví điện tử, thẻ tín dụng được đăng ký bởi số điện thoại vừa chiếm đoạt được, qua đó đổi mật khẩu và chiếm đoạt tài khoản, tiền trong tài khoản…
Cơ sở pháp lý còn hạn chế
Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay trong công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao thì dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ hết sức quan trọng, không thể thiếu được, phục vụ cho việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Mặc dù đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Bộ luật TTHS năm 2015, tuy nhiên, hệ thống văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về vấn đề này còn hết sức khiêm tốn.
Thực tế cho thấy, chứng cứ điện tử có nhiều điểm khác biệt so với các nguồn chứng cứ truyền thống. Hiện nay, chưa có hướng dẫn hoặc cơ sở pháp lý chặt chẽ về quy trình thu giữ, kiểm tra, đánh giá, cũng như quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc cung cấp, sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này dẫn đến việc thu thập, bảo quản chứng cứ đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều vướng mắc.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường có xu hướng cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi giữa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới chưa có quy định về tương trợ tư pháp hình sự. Do đó, khi có vụ án xảy ra, cơ quan điều tra gặp khó khăn trong việc xác minh, truy bắt đối tượng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
“Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đủ hiện đại để theo kịp sự thay đổi liên tục của lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, thu thập, bảo quản tài liệu, chứng cứ...”, luật sư Nguyễn Đức Biên chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, theo luật sư Trần Hồng Tình – Trưởng đại diện văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình, tội phạm công nghệ cao muốn chiếm đoạt được tài sản của bị hại dù có thủ đoạn mới hay cũ thì đều phải dựa vào việc chuyển tiền qua các ngân hàng, hay những phương thức thanh toán trực tuyến khác.
Do đó, luật sư Tình cho rằng, để kịp thời chặn đứng nguồn tiền của bị hại “chảy” về túi của các đối tượng tội phạm, các ngân hàng cần kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan Công an trong quá trình đấu tranh trực tiếp với đối tượng phạm tội; thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền đến khách hàng những thủ đoạn gây án của các đối tượng để người dân mỗi khi định chuyển tiền đều phải nâng cao cảnh giác.
Cần siết chặt lại việc quản lý đối với các trường hợp mua, bán tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn hành vi thuê người khác đi thu gom, mở tài khoản rồi thu, mua bán, lừa đảo. Xây dựng cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin người gửi, người nhận trong trường hợp chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền liên quốc gia để phục vụ điều tra.
Đặc biệt, cần kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có trao đổi, mua bán tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán.
“Đồng thời, tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo”, luật sư Trần Hồng Tình nhấn mạnh.
Diễn đàn Doanh nghiệp