Chẳng riêng Việt Nam, phụ huynh nước ngoài cũng "hết hồn" khi kèm con học từ xa: Mẫu giáo phải điểm danh trên Zoom, mẹ vừa quản con vừa làm việc tới 3h sáng
Đối với người lớn, chuyện vừa phải làm việc, vừa phải giúp con cái học bài là một trong những nhiệm vụ "khó nhằn" nhất mùa dịch Covid-19. Quá áp lực, nhiều phụ huynh thậm chí còn bật khóc hoặc dừng việc học của con.
- 28-04-202010 bài học trẻ em nào cũng cần được dạy trước khi lớn, bạn đã dạy con được bao nhiêu điều dưới đây?
- 27-04-2020Dù thích hay không, đại dịch Covid-19 cũng sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta theo cách này: Trong bi kịch luôn tồn tại cơ hội để học hỏi
- 26-04-2020Ở nhà tránh dịch, tôi đã tìm ra "kẻ địch" đáng sợ cướp đi niềm vui và nhận ra bài học to lớn về cuộc sống
Con trai của Daniel Levin - cậu bé Linus (7 tuổi) - nhẽ ra phải đang làm toán. Thay vào đó, cậu lại giả vờ như đang tắm trong khách, dùng chiếc tẩy cọ dưới cánh tay như thể một bánh xà phòng. Điều này khiến cô em gái 5 tuổi của cậu không thể tập trung vào việc tô màu.
Dù đã dùng mọi cách, anh Levin - cư dân vùng Brooklyn - không thể bắt Linus học xong toán. Anh hy vọng bài đọc cũng sẽ không quá khó.
“Thằng bé phải vẽ sơ đồ tính cách nhân vật ngày hôm nay”, Levin nói. “Thành thực mà nói, chỉ cần thằng bé viết được tên và tuổi của nhân vật cũng là một chiến thắng rồi”.
Con trai đang học lớp 3 của Ciarra Kohn phải sử dụng đến 5 phần mềm khác nhau để học. Giáo viên của đứa con trai 4 tuổi đã gửi kế hoạch học tập, nhưng Kohn không có thời gian để thực hiện.
Đứa con trai cả đang học lớp 6 có 8 môn học với 8 giáo viên khác nhau, mỗi giáo viên lại sử dụng một phương pháp. Thỉnh thoảng, khi Kohn học cùng con, cô sẽ hỏi con hiểu không - vì cô không hiểu.
Từ lâu, sự tham gia của phụ huynh đã được coi là đóng vai trò quan trọng trong thành tích học tập của con cái, bên cạnh quy mô lớp học, chương trình giảng dạy và chất lượng giáo viên. Điều này càng đúng hơn bao giờ hết, khi các ông bố bà mẹ trên toàn thế giới bị đẩy vào tình thế phải kèm con học - một trong những điều khiến họ tuyệt vọng nhất mùa dịch này.
Với việc các giáo viên bị bó buộc đằng sau màn hình máy tính, cha mẹ phải đóng vai người trợ giảng, giám thị hành lang, tư vấn viên và nhân viên căng tin, đồng thời vẫn phải đảm bảo công việc của mình trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Lao động các ngành thiết yếu có lẽ là những người khổ nhất, vì họ không ở nhà trong giờ học - lúc con cái cần họ nhất.
Trẻ mẫu giáo cần giúp để đăng nhập vào Zoom. Học sinh lớp 7 cần được giúp với đại số - thứ mà người cha đã không còn động đến từ năm 1992. Buổi học thường tan vào giờ ăn trưa, buộc các cha mẹ trên khắp nước Mỹ phải tự đặt câu hỏi: Tôi là một phụ huynh tồi tệ đến mức nào nếu cho con chơi game trong 8 tiếng tới?
Yarlin Matos - người có chồng vẫn đang làm quản lý tại McDonald’s - cần phải trông coi 7 đứa con trong độ tuổi 3-13. Cô phải dùng một phần tiền trợ cấp của mình để mua 5 chiếc máy tính bảng cho con học vì thiết bị mà Sở Giáo dục hứa cung cấp chưa đến.
Đang học ngành Tâm lý tại Trường Cao đẳng Cộng động Bronx, Matos cho biết cô phải thức rất khuya, tới tận 3h sáng để hoàn thành công việc của mình.
“Có lúc tôi đã áp lực tới nỗi tự khóa mình trong nhà tắm và ngồi khóc”, cô nói. “Chỉ là mọi chuyện quá sức với tôi”.
Laura Landgreen - một giáo viên ở Denver - luôn thấy kỳ lạ khi phải gửi 2 đứa con trai Callam Hugo (4 tuổi) và Landon Hugo (7 tuổi) tới trường thay vì dạy chúng học ở nhà. Tuy nhiên, cô không thấy điều đó lạ nữa trong mùa dịch này.
“Đứa đang học lớp 1 nhà tôi - chúng sẽ giết nhau mất”, cô nói. “Ở trường thì không sao, nhưng ở nhà là thằng bé cứ 3 giây lại đánh nhau một lần.”
Landgreen tỏ ra bất lực: “Tôi còn phải dạy những đứa trẻ khác nữa”.
Ở khắp nơi, các bậc phụ huynh lo ngại rằng học sinh sẽ trở lại trường với trình độ kiến thức chậm hơn hẳn so với khi các em ở trên lớp. Giáo viên có rất ít thời gian để chuẩn bị cho việc học từ xa, còn học sinh thì không có đủ tiết bị để kết nối.
Với những học sinh không có sự hỗ trợ của cha mẹ, kết quả lại còn tệ hơn nữa.
Ronda McIntyre - một giáo viên dạy lớp 5 tại Ohio - cho biết, trong số 25 học sinh của cô, chỉ có 6 em tham gia học từ xa liên tục. Đây là những em mà cha mẹ thường xuyên liên lạc với phụ huynh.
Các gia đình khác tâm sự với McIntyre rằng họ quá bận rộn với công việc của mình để có thể giúp con học tại nhà. Một vài người nói rằng họ đã cố rồi nhưng con không hợp tác.
“Con bé bực tức mỗi khi chúng tôi bắt đầu học”, một người mẹ đã viết trong email gửi cho McIntyre. “Sau đó tôi sẽ nổi nóng và con bé cũng nổi nóng theo. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi tôi nói chúng ta nên nghỉ ngơi, nhưng sau đó lại tiếp diễn như cũ. Một trong hai mẹ con sẽ khóc khi buổi học kết thúc và bài vở thì chẳng hoàn thành được.”
Kể cả những cha mẹ giám sát con chặt chẽ cũng lo lắng liệu quãng thời gian không đến trường này ảnh hưởng như thế nào với con cái họ. Họ khó mà chấp nhận được việc các trường chỉ có thể giảng dạy thông qua lớp học 25 phút trên Zoom hay bài tập được gửi qua email.
Đỉnh điểm là khi Sarah Parcak - một nhà khảo cổ học tại ĐH Alabama - viết trên Twitter: “Tôi nói với người giáo viên (đáng yêu, tốt bụng và đầy quan tâm) của con trai tôi rằng, không, chúng tôi sẽ không tham gia ‘lớp học trực tuyến’ của cô ấy nữa. Thằng bé coi như đã học xong lớp 1 rồi. Chúng tôi không thể chịu đựng được sự điên rồi này. Sống sót và bảo vệ sức khỏe cho con phải được đặt lên hàng đầu.”
Bài đăng của cô đã nhận được hàng ngàn hồi đáp trên Twitter lẫn Facebook. Có người ủng hộ quyết định này, có người lại chỉ trích cô vì đã coi thường công sức của các giáo viên và tự hủy hoại việc học của con mình.
Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, việc tạo thời gian biểu sẽ giúp trải nghiệm học ở nhà giống như đang học ở trường. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên xác định rõ bao giờ là thời gian học, bao giờ là thời gian chơi, bằng cách sử dụng đồng hồ đếm giờ. Họ cũng nên tự tạo không gian làm việc riêng để tập trung hơn.
Với những ngày mà kế hoạch không như mong đợi, họ nên thoải mái với bản thân hơn.
“Con cái bạn đang đánh nhau, hay chính bạn là người hủy hoại chúng?”, Kathryn Hirsh-Pasek - nhà nghiên cứu giáo dục tại Học viện The Brookings - cho biết. “Trong những thứ bạn cho con ăn, có thực phẩm nào lành mạnh không, hay chỉ toàn chocolate và và đường? Nếu câu trả lời là có, hãy cho bản thân nghỉ ngơi.”
Học tại nhà có thể rất áp lực, nhưng không phải ai cũng chịu cảnh này. Helen Williams-Morris - bà mẹ 3 con đang làm nhân viên căng tin tại một trường học tại Memphis - là ví dụ.
Cô cho biết con mình đều rất tự lập. Con trai cả đang học đại học, còn con gái thứ tên là Camille đang học lớp 9 thì tự lo được chuyện học của mình. Cô bé đã quen với việc sử dụng công nghệ trong học tập tại trường từ lâu.
Williams-Morris vẫn còn một đứa con gái 6 tuổi tên là Calyah. Cô bé có thể tự chơi trong phòng ăn khi người mẹ đang bận rộn nấu ăn trong bếp. Thỉnh thoảng, Williams-Morris sẽ ngó vào để đảm bảo rằng con không nghịch linh tinh.
“Tuy nhiên, tôi sẽ không gọi đây là điều dễ dàng”, Williams-Morris cho biết. “Tôi muốn được giao lưu với những người lớn khác.”
Cậu bé Gavin đang học trực tuyến qua màn hình điện thoại. (Ảnh: Kim Pinckney-Lewis)
Kim Pinckney-Lewis - một người đang sống tại Pennsylvania - có vẻ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Vì từng làm giáo viên, cô dễ dàng thiết kế thời gian biểu cho đứa con trai Gavin đang học lớp 1 có nhu cầu đặc biệt của mình. Pinckney-Lewis chia mỗi sáng ra thành từng khung giờ đánh dấu bằng màu: đỏ là tiếng Anh, cam là toán, xanh là giờ nghỉ. Người mẹ này cũng xem trước các video bài học để đảm bảo chúng không quá dài và tự chú thích chỗ nào nên dừng nếu cần thiết.
Dù đã có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, Pinckney-Lewis cũng phải thừa nhận: “Tôi hoàn toàn và thực sự lo lắng”.
“Có những ngày, đến 4h chiều là tôi đã cảm thấy mệt mỏi. Nếu được chơi game lúc này có lẽ sẽ rất vui, nhưng tôi chỉ có thể nằm dài trên ghế”, cô tâm sự.
(Theo NYT)
Nhịp sống kinh tế
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19