Chàng thạc sĩ tài chính 25 tuổi chấp nhận làm bồi bàn vì mãi không tìm được việc trong ngành ngân hàng
Nhiều người trẻ hiện chấp nhận làm trái ngành vì không thể tìm được việc.
- 03-01-2025Từng bị 'cấm' du học, bà mẹ một con tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại Anh
- 11-12-2024Bố suy sụp vì con trai học Thạc sĩ mà nửa năm trời không xin được việc: Sắp 2025 rồi, bớt mù quáng và nhìn vào sự thật này đi
- 18-10-2024Bà mẹ thạc sĩ ở Hà Nội áp dụng 2 chiêu "thưởng phạt" giúp con tự giác học tiếng Anh: Kết quả bất ngờ sau 15 năm
Thạc sĩ tài chính Sun Zhan, 25 tuổi, sau một thời gian tìm việc đúng ngành nhưng không hiệu quả, đã từ bỏ giấc mơ ngân hàng. Thay vào đó, anh chàng chấp nhận làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng lẩu ở Nam Kinh.
“Tôi đã thử tìm việc đúng ngành nhưng kết quả không được khả quan”, Sun nói.
Sun Zhan không phải người Trung Quốc duy nhất phải làm trái ngành trái nghề. Ngày nay không khó bắt gặp những người thợ sửa chữa là thạc sĩ vật lý, nhân viên vệ sinh tốt nghiệp ngành môi trường hay tài xế giao hàng là cử nhân triết học. Một tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa - ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc - cũng nộp đơn ứng tuyển làm cảnh sát dự bị.
Mỗi năm, Trung Quốc đào tạo ra hàng triệu cử nhân nhưng việc làm trong các lĩnh vực tiềm năng không đủ đáp ứng nhu cầu. Tình hình thêm căng thẳng khi nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ có thời điểm gần chạm mốc 20%.
Cụ thể, theo CNBC, số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này, độ tuổi từ 18-24 (đang nghỉ học), tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8. Điều này có nghĩa, cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc. Đây là mức cao nhất kể từ khi phương pháp tính toán mới được áp dụng từ cuối năm 2023.
Bên cạnh hiện trạng rất khó tìm được việc làm khi mới ra trường, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại Trung Quốc còn gắn liền với một xu hướng khá kỳ lạ: Nhiều thanh niên trẻ tuổi khao khát thoát cảnh áp lực cơm áo gạo tiền, muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc. Theo SCMP, nhiều thanh niên sau khi nhận khoản tiền này đã vui vẻ đi du lịch để xả stress.
Quay trở lại câu chuyện của Sun Zhan. Quyết định làm bồi bàn của anh đã khiến gia đình thất vọng. Bố mẹ muốn con trai có thể tìm một công việc ổn định hơn như công chức nhà nước.
Tuy nhiên, Zhan đã có kế hoạch riêng. Việc chấp nhận làm bồi bàn chỉ nhằm mục đích tận dụng thời gian học hỏi kinh nghiệm, đến khi đủ lông đủ cánh sẽ tự kinh doanh riêng. “Nếu thành công, bố mẹ sẽ nghĩ khác về con đường tôi chọn”, Sun nói.
Ngày nay, nhiều người trẻ buộc phải thay đổi định hướng nghề nghiệp vì xin việc khó khăn. Giáo sư Zhang Jun ở Đại học Hong Kong nói: “Nhiều sinh viên chọn học cao để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp nhưng thực tế không như họ mong đợi”.
Wu Dan, 29 tuổi, từng làm việc trong công ty giao dịch hàng hóa ở Thượng Hải sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Hiện tại, sau một khoảng thời gian thất nghiệp, cô chấp nhận chuyển sang lĩnh vực trị liệu chấn thương thể thao.
Gia đình Wu ban đầu không ủng hộ việc làm trái ngành, song mẹ cô dần thay đổi suy nghĩ khi được con gái mình chữa được bệnh đau lưng. “Bố mẹ ban đầu nghĩ rằng với nền tảng học vấn của mình, tôi không nên chọn công việc tay chân có lương thấp như hiện tại”, Wu nói và hy vọng có thể mở phòng khám riêng trong tương lai.
Ngày nay, nhiều cử nhân còn tìm đến các công việc tạm thời như diễn viên quần chúng tại phim trường Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang để tăng thu nhập. Wu Xinghai, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật thông tin điện tử, là một ví dụ điển hình. Công việc của anh chỉ đơn thuần đứng cạnh nhân vật chính, không cần đọc thoại.
Theo chia sẻ của chàng trai 26 tuổi, nhiều người trẻ đến đây làm việc tạm thời trong vài tháng trước khi tìm công việc ổn định. Thu nhập không cao nhưng môi trường tạo ra sự thoải mái.
Li, người từng theo học đạo diễn và biên kịch cũng là diễn viên quần chúng ở Hoành Điếm. “Tôi đến đây làm bởi dễ được nhận. Tôi chỉ tìm công việc khác khi nhiều tuổi hơn”, Li nói.
Theo CNBC, người trẻ tại Trung Quốc rất khó tìm được một công việc ổn định trong 3 năm qua, khi mà các ngành dịch vụ từng tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường bị suy yếu nặng nề. Nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển người do lo ngại kinh tế trì trệ và các chi phí liên quan khi sa thải nhân viên.
Triển vọng việc làm ảm đạm tới mức, chính quyền Bắc Kinh phải kêu gọi các doanh nghiệp tạo việc làm cho thanh niên. Gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan sau đó đáp lại bằng kế hoạch tuyển dụng 6.000 sinh viên mới tốt nghiệp trong năm 2025, khiến nhiều người nói vui với nhau: “Cử nhân đi làm shipper đã trở thành hiện thực”.
Theo: SCMP, CNBC
Nhịp sống thị trường