Chàng trai 22 tuổi mắc hội chứng Down và đế chế kinh doanh tất chân triệu USD, được Tổng thống Mỹ mua và dùng trong dịp đặc biệt
Những đôi tất in hình Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hình bức tranh "Starry Night" nổi tiếng của danh họa Van Gogh...là sản phẩm thuộc doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD của chàng trai mắc hội chứng Down - John Cronin.
- 17-10-2018Cuộc đời bình dị đến khó tin của Georgina Bloomberg - Người thừa kế đế chế 52 tỷ USD
- 12-10-2018Từ một tiệm bán vải trên phố, gia tộc này đã biến thành đế chế kinh doanh toàn cầu trị giá 1,8 tỷ USD, hoạt động ở gần 100 quốc gia khắp thế giới
- 19-08-2018Bí mật "Hiệu ứng bánh đà" làm nên thành công của đế chế trăm tỷ USD Amazon, ai làm trong lĩnh vực bán lẻ cũng nên học theo
John Cronin, chàng trai 22 tuổi đến từ Melville, New York hiện đang sở hữu một nhà kho chứa đầy những đôi tất sặc sỡ có in hình thù sáng tạo, thứ tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại giúp anh gây dựng nên công việc kinh doanh trị giá hàng triệu USD.
Năm 2016, John tốt nghiệp trung học phổ thông và ý tưởng về John’s Crazy Socks bắt đầu hình thành từ mùa thu năm đó.
Giống như bạn bè đồng trang lứa, Cronin quyết định sẽ làm những gì mình muốn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khác với mọi người, John chỉ có một số lựa chọn nghề nghiệp hạn chế do người mắc hội chứng Down thường gặp phải các vấn đề về hành vi hoặc sức khỏe. John không thấy hứng thú với công việc được cho là dành cho người như anh như biểu diễn tại các chuỗi bán lẻ.
Bố của anh, ông Mark Cronin chia sẻ: "Người khuyết tật không có nhiều lựa chọn và cũng không có nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng nhận những người như con trai tôi vào làm việc. Khi được hỏi muốn làm gì sau khi tốt nghiệp, John nói rằng muốn hợp tác kinh doanh với tôi vì thằng bé yêu tôi rất nhiều".
Ban đầu, hai cha con Mark – John nghĩ ra ý tưởng kinh doanh đồ ăn lưu động lấy cảm hứng từ bộ phim "Chef", tuy nhiên vì không biết nấu ăn nên họ đã từ bỏ ý định này. Sau đó, hai người nhớ ra rằng sắp đến một ngày quan trọng là Ngày Hội chứng Down Thế giới diễn ra vào ngày 21/3 hàng năm.
Theo truyền thống, mọi người ăn mừng ngày này bằng cách đi những đôi tất sặc sỡ và có hình thù lạ mắt. Lúc đó, hai người đang tìm kiếm những đôi tất đặc biệt để kỉ niệm ngày Hội chứng Down để bán nhưng lại không tìm thấy mẫu nào ưng ý. Ông Mark cho biết John rất thích đi những đôi tất đặc biệt và có lẽ chính điều đó đã thôi thúc John tự sản xuất những đôi tất của riêng mình.
John bắt tay vào phác thảo thiết kế đôi tất đầu tiên: màu tím với trái tim và "3-21", ngày Hội chứng Down Thế giới.
Ông Mark cho biết khi John nói với ông rằng họ nên bán tất, ông thấy đây là một ý tưởng đáng để thử và họ đã làm điều đó. Họ không chuẩn bị bất cứ kế hoạch kinh doanh nào cũng như thực hiện nghiên cứu mà họ chỉ đơn thuần thử và xem mọi người phản ứng như thế nào.
Ban đầu, chỉ có hai cha con làm việc trên website. Cronin đã thực hiện đầy đủ yêu cầu thành lập một doanh nghiệp nhỏ từ việc đăng ký với tiểu bang cho tới việc mở tài khoản ngân hàng. Chiến lược marketing duy nhất mà họ thực hiện là một trang Facebook nơi đăng tải những video John giới thiệu sản phẩm. Được biết, số vốn đầu tư ban đầu của họ chỉ là vài nghìn USD.
Hai cha con Mark và John Cronin.
Trang web John’s Crazy Socks chính thức hoạt động vào tháng 12/2016. Tuy nhiên mọi thứ đã không diễn ra theo kế hoạch. Mark và John dự định mở cửa hàng trực tuyến lúc 10 giờ sáng nhưng không may thay, trang web đã bất ngờ gặp sự cố cho đến tận 3 giờ chiều. Mặc dù vậy phản ứng của khách hàng khá tích cực và họ đã nhận được 42 đơn đặt hàng trong ngày đầu tiên, tất cả đều đến từ khu vực gần Huntington, New York. Thời điểm đó, John đang là học sinh của trường Trung học Huntington.
Nhưng thay vì giao hàng như thông thường, John đã nảy ra một ý tưởng có lẽ chính là chìa khóa cho sự thành công ngoài tưởng tượng sau này của John’s Crazy Socks. Anh quyết định đích thân giao hàng tận nhà và trong mỗi hộp đựng hàng màu đỏ, những đôi tất sẽ được gọi gọn trong giấy lụa cùng kẹo và một tấm thiệp cảm ơn.
John nhớ lại: "Khi tôi gõ cửa, mọi người đều đang chờ và chào đón tôi. Tôi đưa hộp đựng tất cho họ và họ rất yêu thích chúng. Họ thậm chí còn chụp ảnh và quay video cùng tôi. Điều đó thật tuyệt. Sau đó, người ta đã truyền tai nhau về sản phẩm của tôi".
Sự nhiệt tình và mong muốn khách hàng trải nghiệm chất lượng cũng như dịch vụ tốt của John đã được chú ý kể từ đó. Ban đầu, sản phẩm của John’s Crazy Socks gồm 31 mẫu thiết kế khác nhau với mức giá dao động từ 5 USD đến 12 USD một đôi.
John đích thân giao hàng và gửi lời cảm ơn tới người mua.
Hình ảnh và video John giao hàng tận nhà đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội và doanh thu nhờ đó mà tăng vọt. Trong tháng đầu tiên, họ đã giao tổng cộng 452 đơn hàng với doanh thu khoảng 13.000 USD.
Ông Mark chia sẻ về một kỉ niệm vui rằng sau tuần đầu tiên bán tất, họ đã hết hàng và ông phải lái xe đến các siêu thị ở vùng lân cận và mua tất cả những đôi tất Giáng Sinh ở đó để có hàng bán".
Với mục tiêu trở thành cửa hàng bán tất cả các loại tất, John’s Crazy Socks có sản phẩm đến từ hơn 20 nhà cung cấp khác nhau với hơn 2.000 kiểu dáng. Theo ông Mark, người đồng sáng lập và Chủ tịch của công ty, những đôi tất họ tự làm mang ý nghĩa từ thiện và nhận thức là sản phẩm bán chạy nhất. Với mỗi đôi tất như vậy bán ra, sẽ có 2 USD được quyên góp cho đối tác từ thiện của công ty và John’s Crazy Socks cũng tặng 5% thu nhập cho Thế vận hội đặc biệt.
Trên thực tế, John’s Crazy Socks cũng là một doanh nghiệp xã hội vì thuê nhân viên bao gồm cả những cá nhân được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cho đến hội chứng Down. Mark chỉ ra rằng dù xã hội đã quan tâm hơn đến vấn đề chăm sóc y tế và giáo dục cho người mắc hội chứng Down nhưng vẫn chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho họ.
John’s Crazy Socks đang từng bước thực hiện điều đó. Một người bạn của John mắc chứng tự kỷ và rất nhút nhát giờ đây đã có thể tự đi xe bus đi làm kể từ khi làm việc tại công ty của John. Một nhân viên khác giờ đây đã chịu "tắm, vệ sinh cá nhân và đi làm mỗi sáng" cũng nhờ được làm việc tại John’s Crazy Socks.
Đến nay, công ty của John đã tạo ra 35 việc làm và 18 trong số đó được đảm nhiệm bởi những người khiếm khuyết. Nhiều người được tạo điều kiện để thực hiện công việc đơn giản như sắp xếp tất và phân loại hàng trong kho. Tại đây, họ được đối xử công bằng và thân thiện như những người bình thường.
Theo ông Mark, việc thuê những người này không chỉ mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ mà còn cho doanh nghiệp: "Chúng tôi nghĩ rằng mình có lợi thế cạnh tranh khi thuê những người khiếm khuyết làm việc. Ở Long Island hay phần lớn đất nước đều đang thiếu lao động. Người sử dụng lao động khác không thể tìm được nhân viên tốt còn chúng tôi có những người khiếm khuyết luôn sẵn sàng và có khả năng làm việc và điều chúng tôi cần làm chỉ là cho họ cơ hội mà thôi".
Vì vậy, Mark và John đang sử dụng nền tảng của mình gồm tài khoản Instagram có 36.000 người theo dõi và kênh YouTube với gần 2.000 người đăng ký để truyền bá thông điệp. Trong năm qua, họ đã tới Capitol Hill bốn lần để ủng hộ những người khiếm khuyết và thúc đẩy nhiều quyền lợi cho họ hơn.
John Cronin tại Capitol Hill.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2016, Crazy Socks của John đã "bùng nổ". Năm ngoái, Mark cho biết họ đã giao được hơn 42.000 đơn đặt hàng với tổng doanh thu khoảng 1,7 triệu USD. Năm nay, họ đang tiếp tục giao từ 160.000 đến 180.000 đơn đặt hàng với doanh thu hơn 6 triệu USD.
Khách hàng của John’s Crazy Stocks bao gồm cả những người nổi tiếng như Tổng thống George H.W. Bush và nữ diễn viên Eva Longoria.
Ông Mark cho biết: "Khi bà Barbara Bush qua đời, văn phòng của họ đã gọi điện và nói rằng Tổng thống cùng gia đình muốn đi những đôi tất của chúng tôi để tưởng nhớ bà ấy. Chúng tôi đã giúp họ chọn ra một số đôi tất của nhà cung cấp và gửi chúng cho họ. Tổng thống đã đi đôi tất đó trong lễ tang và điều đó đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông".
Dòng tweet về đôi tất đặc biệt của John Cronin của Tổng thống Bush.
Được biết, chức danh chính thức của John tại công ty là Giám đốc Hạnh phúc. Anh luôn lạc quan và hạnh phúc khi được làm việc cùng ông Mark. Vào cuối ngày, anh thường đeo tai nghe, nhảy nhót và hát trong bãi đậu xe trước khi về nhà.
John chia sẻ: "Tôi mắc hội chứng Down nhưng điều đó không thể cản tôi làm điều mình thích và thành công".
Trí Thức Trẻ/CNBC