MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai 22 tuổi phải đi tiểu ngồi suốt 13 năm: Mẹ đau đớn nhớ lại biến cố, khen BS Việt Nam giỏi

02-12-2023 - 23:04 PM | Sống

Chàng trai 22 tuổi phải đi tiểu ngồi suốt 13 năm: Mẹ đau đớn nhớ lại biến cố, khen BS Việt Nam giỏi

Tai nạn do bị giật điện cao thế đã khiến Hải bị bỏng nặng, phải cắt 2 cẳng tay và mất toàn bộ dương vật. Hải sống sót sau biến cố kinh hoàng nhưng từ đó em cũng phải đi tiểu ngồi.

"Tôi không ngờ các bác sĩ Việt Nam… lại giỏi thế"

Cách đây 13 năm, khi gia đình đang yên ấm thì tai họa bất thình lình ập đến gia đình chị Hương (*). Hải (*) cậu con trai đầu của chị bị điện cao thế giật khi đang chơi gần cột điện. Tia điện phóng xuống khi Hải đang chơi đùa với thanh sắt cầm trong tay.

Tai nạn thương tâm xảy ra khi Hải mới 9 tuổi. Dù biến cố đó không cướp đi mạng sống của Hải nhưng khiến Hải mất 2 cẳng tay, bỏng nặng vùng bẹn. Để cứu sống Hải, bác sĩ buộc phải cắt bỏ 2 cẳng tay và toàn bộ dương vật của em.

Từ một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, Hải phải trải qua nhiều ca phẫu thuật lớn nhỏ để điều trị hậu quả do bỏng điện để lại.

Chị Hương chia sẻ: "Khi tai nạn xảy ra, bác sĩ cũng nói con sẽ phải cắt bỏ dương vật và hai cẳng tay. Lúc đó, gia đình không nghĩ nhiều chỉ mong cứu được mạng sống cho cháu. Về sau gia đình cũng hỏi bác sĩ có tạo hình lại được dương vật cho cháu hay không. Bác sĩ cũng động viên khi con 18 tuổi có thể tạo hình lại".

Sau vụ tai nạn đó, Hải điều trị liên tục mất 2 năm. Hải trở về cuộc sống bình thường với một nghị lực sống phi thường.

Hải tự học viết, cầm đũa, vệ sinh cá nhân, tự đi xe máy, lái ô tô… chỉ bằng phần tay còn lại. Học xong cấp 3 Hải làm kinh doanh tự do, có thu nhập lo cho mình và giúp đỡ cho bố mẹ.

Thấy con có nghị lực, mạnh mẽ như vậy chị Hương cũng bớt lo. Nhưng khi Hải tới tuổi trưởng thành, các bạn cùng trang lứa yêu đương chị Hương lại thấy con tự ti. Chị hiểu vì sao con như vậy và động viên con rằng y học hiện nay đã phát triển nên chắc sẽ có cách giúp cho con.

Chàng trai 22 tuổi phải đi tiểu ngồi suốt 13 năm: Mẹ đau đớn nhớ lại biến cố, khen BS Việt Nam giỏi - Ảnh 1.

Năm 2020, khi tròn 18 tuổi, Hải đã tự tìm hiểu trên mạng về phẫu thuật tạo hình dương vật. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên ca mổ của Hải bị hoãn lại mất 3 năm.

Chị Hương tâm sự: "Con đã 22 tuổi rồi, gia đình cũng mong con có hình thể trọn vẹn hơn để con tự tin trong cuộc sống. Gia đình đã liên hệ sang nước ngoài để mổ vì biết trường hợp của con rất khó. Rất may mắn, gần đây con có liên lạc với GS. Trần Thiết Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ (Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội), bác sĩ đã đồng ý mổ tạo hình dương vật cho con. Nhận được tin đó, gia đình vô cùng xúc động và vỡ òa trong niềm hạnh phúc".

Hải nhập viện với tâm trạng thoải mái, em tin rằng sau ca mổ này cơ thể mình sẽ được trọn vẹn hơn.

Còn chị Hương, từ khi con vào phòng mổ, chị đứng ngồi không yên, mong mỏi tin con. Ca mổ bắt đầu từ lúc hơn 8h sáng và kéo dài tới 19h tối thì Hải mới được bác sĩ đưa về phòng hồi sức. Phải tới ngày hôm sau chị Hương mới được gặp con.

Hải hỏi mẹ:

- "Cả đêm hôm qua mẹ luôn ở bên con à?"

- "Không bác sĩ chăm con, giờ mẹ mới được gặp con mà" - Chị Hương xúc động đáp.

Câu nói của con khiến chị Hương nghẹn ngào, vì trong những hoàn cảnh con khó khăn nhất, con vẫn luôn nghĩ có mẹ ở bên.

"Dù rất đau đớn nhưng con không hề kêu than. 2 ngày sau mổ, bác sĩ thông báo phần tạo hình tiến triển tốt, con rất phấn khởi, hạnh phúc.

Tôi không ngờ các bác sĩ Việt Nam… lại giỏi thế. Các bác sĩ có thể thực hiện được ca tạo hình dương vật cho con tôi dù trước đó nó bị bỏng khá nặng, sẹo chằng chịt.

Ca mổ này sẽ giúp con tôi tự tin hơn, có tương lai, sinh hoạt thuận tiện và xa hơn là con có thể xây dựng hạnh phúc của riêng mình", chị Hương xúc động nói.

'Nhạc trưởng' cho ca mổ khó, hiếm gặp

Trước đó, bệnh nhân đã có liên hệ với GS. Trần Thiết Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ (Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội) để mổ tạo hình dương vật. Sau khi khám cho bệnh nhân, GS Sơn đã giới thiệu bệnh nhân tìm tới ekip của Bệnh viện E. Đồng thời, GS Sơn cũng là người kiến thiết cho toàn ca mổ. GS vừa chỉ đạo, vừa tham gia mổ trực tiếp.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E), trường hợp của bệnh nhân Hải là một ca bệnh khó, bệnh nhân bị bỏng điện đã mất hoàn toàn dương vật. Lần nhập viện này bệnh nhân có mong muốn tái tạo lại dương vật để có thể tự tin với cơ thể của mình. Ca mổ thành công sẽ giúp Hải không còn phải tiểu ngồi và có thể xây dựng gia đình.

Nói thêm về trường hợp của bệnh nhân Hải, bác sĩ Minh cho hay, hậu quả của tai nạn bỏng không chỉ làm mất dương vật mà còn khiến cho bìu của bệnh nhân dính chặt vào đùi. Bệnh nhân trước đó đã được bác sĩ mở thông đường tiểu nên phải đi tiểu ngồi.

Kiểm tra hình ảnh phim trước khi chụp không thấy rõ niệu đạo của bệnh nhân do sẹo dính chằng chịt.

Bệnh nhân phải trải qua 2 thì mổ: tạo hình niệu đạo và tạo hình lại dương vật. Đây là một ca mổ mà ekip có sự tham gia của nhiều chuyên khoa và được đánh giá rất khó về mặt chuyên môn.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học (Bệnh viện E) cho biết, trục niệu đạo của bệnh nhân biến đổi, nhiều lỗ rò. Mổ tìm niệu đạo rất khó khăn.

Trước đó, bệnh nhân cũng đã được mổ tạo lỗ tiểu lệch thấp chủ động để bệnh nhân có thể đi tiểu được vào lúc nhỏ nên bệnh nhân vẫn còn di tích của niệu đạo cũ.

"Quá trình phẫu tích bác sĩ đã rất tỉ mỉ, bám sát giải phẫu. May mắn chúng tôi đã phẫu tích được di tích của vật hang hai bên, tìm được niệu đạo bị xoắn và xơ hóa của bệnh nhân", bác sĩ Liên nói.

Sau đó, các bác sĩ đã tạo hình phần niệu đạo bị mất bằng niêm mạc miệng và gắn với di tích niệu đạo cũ. Sự thành công của ca mổ thì một đã giúp cho việc tạo hình dương vật ở thì 2 diễn ra dễ dàng hơn.

10 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dương vật hồng, sức sống tốt. Dương vật đã quen với vị trí mới mềm mại hồng hào. Bệnh nhân đã hết cảm giác căng tức, sẹo xung quanh đã liền tốt.

Trong quá trình chăm sóc hơn 1 tháng, do trước đây bệnh nhân đi vệ sinh qua lỗ tiểu vùng bìu nên dòng nước tiểu bị chậm lại, xuất hiện nhiều sỏi ở hệ tiết niệu cộng với việc nằm tại chỗ một thời gian khiến canxi lắng đọng và tạo rất nhiều sỏi trong lòng bàng quang gây tắc đường tiểu. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu đã phải dùng nội soi laser tán sỏi để đảm bảo đường tiểu được thông suốt.

Sau hơn 1 tháng điều trị, phần dương vật của bệnh nhân đã được tạo hình một cách hoàn chỉnh, kích thước dương vật phù hợp với cơ thể bệnh nhân. Điều quan trọng là phần niệu đạo được tạo hình lại đã thông suốt và không có hiện tượng rò rỉ, nước tiểu chảy tốt qua miệng sáo của dương vật mới được tạo hình, bệnh nhân đã có thể đi tiểu đứng như người bình thường.

(*) tên nhân vật đã được thay đổi.

Ngọc Minh

Theo Ngọc Minh

Đời Sống và Pháp Luật

Trở lên trên