Chàng trai 8X kiếm hàng nghìn USD nhờ phục vụ thú chơi lạ cho đại gia Việt: ‘Xăm’ trên đồng hồ khó hơn gấp nhiều lần so với xăm trên da người
Khách hàng của anh Trần Ngọc Chiến bao gồm cả khách Việt và khách Tây. Không phải cứ muốn là được, mọi người đều phải xếp hàng để chờ đến lượt.
- 01-02-2024Thú chơi 1 loại củ trông giống như hành tây nhưng lại trở thành loài hoa cực đẹp nở đúng giao thừa của người Hà Nội xưa
- 31-01-2024Lạc giữa xứ sở kim chi ở ngay Hà Nội với tiệc BBQ chuẩn 100% người Hàn: Tuyển chọn từng miếng thịt ‘lên mâm’ đến món đồ uống độc đáo
- 25-01-2024Một địa điểm mang tới trải nghiệm trị liệu thú vị, đa tầng, đa giác quan: Từ sản phẩm tới không gian đều đậm chất nghệ thuật
Nếu bước vào căn phòng làm việc của anh Trần Ngọc Chiến trên căn gác nhỏ giữa con phố Khuất Duy Tiến ồn ào, bạn khó có thể đoán được chàng trai 8X này đang làm công việc gì. Bởi xung quanh anh có đến 5-6 chiếc kính hiển vi, màn hình phóng đại được treo ngay phía trên, cùng 4-5 chiếc máy nén khí và vô số những mũi đục sắc nhọn được xếp rất ngay ngắn trên giá.
Chàng trai trẻ cho biết, mặt đồng hồ trung bình có đường kính khoảng 32mm. Nếu muốn chạm khắc trên mặt số đó, người thợ phải dùng đến hỗ trợ của kính hiển vi soi nổi để phóng đại lên 10-50 lần.
Trước khi bén duyên với công việc chạm khắc đồng hồ, anh Chiến được nhiều người biết đến là một thợ xăm có tiếng ở Hà Nội. Gắn bó với công việc được 10 năm, anh có thu nhập lên đến 60 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đến năm 2018, anh được một người bạn giới thiệu về bộ môn chạm khắc trên mặt đồng hồ. Tò mò, và thích thú, anh bắt đầu tìm hiểu và tự chế tạo dụng cụ.
“Ở thời điểm đó, bộ môn này còn khá mới ở Việt Nam. Tôi chỉ biết lên Internet và xem những người thợ nước ngoài thì thấy cuốn hút bởi những nét chạm khắc mềm mại, đường cắt sáng lấp lánh trên mặt đồng hồ. Thay vì mua bộ ‘đồ nghề’ của Mỹ có giá lên đến gần 100 triệu đồng, tôi đã lang thang lên chợ Trời, đường Đê La Thành để tìm mua và chế những dụng cụ có thể chạm khắc được. Thậm chí, tôi còn sử dụng nguồn điện của máy xăm để chế thành bộ chỉnh nguồn điện cho dụng cụ chạm khắc. Cầm được dụng cụ mình tự chế và thấy nó hoạt động động tôi vui như vớ được vàng”, anh Chiến hào hứng chia sẻ.
Không dụng cụ chuyên nghiệp, không có người hướng dẫn, anh Chiến mày mò trong 2 năm liền. Sau những giờ xăm hình cho khách, anh lại lôi bộ dụng cụ tự chế để tập tành. Đến 2020, nhận thấy bộ môn này cần nhiều thời gian hơn và bản thân cũng muốn phát triển lĩnh vực này, anh quyết định nghỉ công việc xăm để chuyên tâm phát triển nghề chạm khắc trên mặt đồng hồ.
Chia sẻ về quyết định này, anh Chiến cho biết đây là 1 cuộc cá cược. Bởi công việc trước đó đã mang cho anh nguồn thu nhập tốt. Thời điểm đầu, chuyển hướng sang công việc chạm khắc anh chưa kiếm được tiền ngay bởi bộ môn này khá ít người chơi. Bản thân anh cũng mới vào nghề, cần phải học hỏi.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi được hỏi về sự lựa chọn năm xưa, anh Chiến cười và khẳng định công việc này đã cho gia đình mức thu nhập cao hơn trước kia nhiều.
Xuất phát điểm là một thợ xăm có 10 năm kinh nghiệm, Trần Ngọc Chiến bắt nhịp với việc chạm khắc này khá nhanh. Các kiến thức liên quan đến hình khối, tả thực, chân dung ở việc xăm hình như là bản lề giúp anh chuyển sang công việc mới. “Dường như tôi chỉ mất thời gian để làm quen với công cụ là có thể thực chạm khắc một cách thành thục”, chàng trai 8X chia sẻ.
So sánh giữa chạm khắc trên mặt đồng hồ và xăm trên da, anh Chiến khẳng định công việc hiện tại đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh xảo hơn rất nhiều. “Xăm trên da, tôi chỉ sử dụng mắt thường là có thể tỉa tót rất chi tiết dẫu cho đó là hình rất nhỏ. Tuy nhiên trên mặt đồng hồ, tôi phải dùng đến sự hỗ trợ của kính hiển vi soi nổi để phóng đại”, anh nói.
Việc chạm khắc trên mặt đồng hồ không dừng lại ở việc vẽ đậm, nhạt để giả khối. Người thợ sẽ phải thực hiện những kỹ thuật cầu kỳ hơn như phù điêu để tạo ra những điểm lồi lõm thật. Tỉ mỉ hơn là sự kết hợp đa vật liệu, khảm thêm vàng, bạc, đồng, vỏ bào ngư, đính cùng kim cương hay đá quý. Độ tinh xảo càng cao càng tỷ lệ thuận với thời gian hoàn thiện và giá thành.
“Thời gian hoàn thiện một mặt đồng hồ kéo dài 2 tuần đến 2-3 tháng. Với những dự án khách hàng yêu cầu khắc cả vỏ và bộ dây đeo thì thời gian có thể kéo dài hơn 3 tháng là chuyện bình thường. Còn giá tiền thì từ 15 triệu đồng cho đến vô cùng tuỳ thuộc vào ý tưởng của khách hàng”, anh Chiến chia sẻ.
Sau 1 thời gian làm nghề, hiện nay, chàng trai 8X còn tạo ra những chiếc đồng hồ của riêng mình. Anh giải thích, việc này sẽ giúp mình chủ động trong việc chọn lựa hình dáng mặt đồng hồ, dây đeo để phù hợp với ý tưởng của bản thân thay vì phải phụ thuộc vào chiếc đồng hồ nguyên bản của hãng. Ngoài đồng hồ, anh Chiến cũng nhận khắc trên những sản phẩm như dao, khoá túi da, bật lửa, bàn phím…
Anh Chiến cho biết cơ sở chạm khắc của mình luôn có khách xếp hàng đợi đến lượt. Khách hàng chủ yếu là người Việt nhưng cũng có một số người nước ngoài từ Mỹ, Canada, Ả-rập, Ấn Độ...
Khách hàng tìm đến anh chủ yếu muốn ‘cắt xẻ’ những chiếc đồng hồ giá từ vài chục triệu cho đến cả tỷ đồng. Trong đó, Patek Philippe là chiếc đồng hồ đắt tiền nhất anh Chiến từng chạm khắc.
“Những vị khách tìm đến tôi đa phần không ngại chi tiền. Dường như họ quá dư dả để mua những chiếc đồng hồ đắt đỏ. Song họ tìm đến chạm khắc nhằm cá nhân hoá sản phẩm của mình. Chính vì vậy tất cả những gì liên quan đến công việc này đều nằm trong tầm kiểm soát của họ. Bình thường không tìm hiểu, họ sẽ không dám chơi kiểu này bởi lo ngại về vấn đề trao đổi mua bán sau này”, anh Chiến chia sẻ.
Làm việc với nhóm khách hàng nhiều tiền, chàng trai 8X chia sẻ gặp khó khăn trong việc cân đối giữa việc chiều theo ý tưởng của khách và tạo ra tác phẩm đẹp nhất. Nếu làm theo ý tưởng của khách, tác phẩm sẽ dở về mặt bố cục. Mà thông thường những vị khách này có cá tính rất mạnh. Để có thể thuyết phục nhằm cho ra tác phẩm ưng ý nhất, đôi khi, anh Chiến phải vẽ đến hàng chục bản phác thảo khác nhau.
Đây cũng chính là lý do anh không ngừng nghiên cứu và học hỏi để nâng cấp các tác phẩm của mình. “Hiện nay, ngoài khảm, tôi còn sử dụng kỹ thuật nung hoặc sử dụng nhiệt độ để tạo màu sắc cho những mặt số mà không phải sơn hay nhuộm. Đó chính là lớp oxit của vật liệu. Tôi thường sử dụng đồng để làm nên màu đỏ cam cho con rồng chẳng hạn. Trong năm nay, tôi sẽ thử làm trên titan. Bởi vật liệu này có có 1 dải màu biến đổi phong phú. Đặc biệt tone màu lạnh vô cùng mắt bắt”, anh kể.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Tết sang tiêu sành
Xem tất cả >>- Táo Quân 2024 thu về ít nhất 21 tỷ đồng tiền quảng cáo ngay trong đêm 30 Tết: Một ông lớn ngành ngân hàng lại chi đến 3 tỷ đồng cho vỏn vẹn hơn 2 phút lên sóng
- Instagram của hội con nhà giàu Việt những ngày cận Tết: Áo dài, áo bà ba thi nhau phủ sóng
- Sắm Tết “thả phanh” với thẻ Sacombank khi mỗi ngày nhận tiền hoàn hấp dẫn
- Tri ân đối tác với hộp quà Tết Lưu Niên Cát từ Sheraton Saigon
- 4 xu hướng quà Tết 2024 được doanh nghiệp ưa chuộng