Day dứt chuyện hiến máu tình nguyện, chàng trai Huế khởi nghiệp với ngân hàng máu 4.0
Trong một lần tham gia đội tình nguyện hiến máu của trường đại học, Nguyễn Hoàng Nhật Quang đã gặp một trường hợp khiến bản thân day dứt mãi. Quang đã tìm được người tình nguyện hiến máu nhưng người đó đến không kịp và người bệnh không qua khỏi.
Câu chuyện này đã ám ảnh Quang, và cậu sinh viên này tự dằn vặt bản thân như mình đã có một phần lỗi. Lúc đó Quang đang học khoa Toán ứng dụng của trường đại học Huế. Sự cố đó đã thôi thúc Quang phải làm một điều gì đó để có thể xây dựng một ngân hàng máu sống, kết nối những người tình nguyện sẵn sàng hiến máu đến nơi cần máu một cách kịp thời nhất, rồi Save Blood ra đời.
Save Blood là nền tảng ứng dụng kết nối dùng để lưu trữ thông tin ngân hàng máu sống, theo dõi thông tin nhóm máu, phân tích sức khỏe và đưa ra chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Vì Save Blood, Quang đã nghỉ học ở khoa Toán ứng dụng, mặc dù chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp. Quang thi lại vào đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế để có kiến thức vận hành một startup vì cộng đồng.
Save Blood đã từng giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng kinh doanh- Business Ideas 2019" do Trường Đại học kinh tế - Tài Chính TP.HCM (UEF) tổ chức vào tháng 3/2019.
Save Blood có phải là một ngân hàng máu sống 4.0 không?
Save Blood là một nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin giúp kết nối những cá nhân tổ chức liên quan đến ngân hàng màu sống. Nó lưu trữ thông tin của những người sẵn sàng hiến máu và hỗ trợ những trường hợp cần máu, đó là một ngân hàng máu sống trực tuyến.
Có 3 đối tượng sử dụng chính: người cần máu (bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân), người hiến máu và người điều phối.
Khi cần máu, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân sẽ truy cập vào Save Blood, cung cấp những thông tin cơ bản như tên, tuổi, thông tin liên lạc, nhóm máu (A rh+, A rh-, B rh+,…), loại máu (toàn phần, tiểu cầu,…) thời gian, địa điểm cần máu. Từ đó, hệ thống sẽ tự động tạo 1 mẫu tin gồm thời gian, địa điểm cần máu, ẩn những thông tin liên lạc (bảo mật cho thông tin người bệnh), và đăng tải lên bản tin cần máu khẩn cấp. Từ bản tin này, tình nguyện viên hiến máu sẽ tiếp cận nhận những trường hợp có nhóm máu, điều kiện phù hợp. Họ chỉ cần nhấn vào nút "Liên hệ", sẽ được Điều phối viên kiểm tra lại thông tin và hướng dẫn đến nơi hiến máu 1 cách nhanh chóng nhất.
Với trường hợp Điều phối viên cần tìm 1 đơn vị máu khẩn cấp, thay vì phải tìm thủ công trên danh sách hàng nghìn tình nguyện viên, chỉ cần truy cập vào tài khoản Điều phối viên trên Save Blood, nhập thông tin như nhóm máu, loại máu, thời gian và địa điểm cần máu, hệ thống sẽ tự động đưa ra danh sách những TNV phù hợp nhất. Chúng tôi còn cung cấp 1 bản đồ máu sống trực quan để việc tìm kiếm được dễ dàng và hiệu quả hơn.
Đối với người cần máu (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân) được hỗ trợ tìm kiếm ngân hàng máu sống khẩn cấp. Máu được đưa đến tay người bệnh nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Người nhà bệnh nhân không cần phải tìm kiếm qua mạng xã hội để tránh trường hợp rò rỉ thông tin của bệnh nhân.
Người hiến máu tình nguyện, họ được tiếp cận các thông tin hữu ích về hiến máu tình nguyện. Sau khi hiến, hệ thống sẽ cung cấp các chỉ số trong máu và lời khuyên chăm sóc sức khỏe cho từng cá nhân. TNV hiến máu được theo dõi lộ trình đơn vị máu của mình từ khi hiến đến khi được sử dụng. Mọi thông tin của TVN đều được bảo mật tuyệt đối.
Điều phối viên: (Đơn vị trung gian, điều phối viên các bệnh viện các trung tâm huyết học). Save Blood sẽ cung cấp phương thức liên lạc, kết nối mạng lưới ngân hàng máu sống và bản đồ trực quan để có thể tìm kiếm đơn vị máu phù hợp, gần nhất để kịp thời giúp đỡ người bệnh.
Ngân hàng máu sống trong mạng lưới của tụi mình hiện có 2.000 người, triển khai dựa trên 9 câu lạc bộ tình nguyện ở Thừa Thiên Huế, tụi mình liên kết họ lại xây dựng một mạng lưới 2.000 người sẵn sàng hiến máu.
Hiến máu và cho máu là một lĩnh vực rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra vấn đề tham nhũng, Save Blood giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trong bệnh viện, bệnh nhân chỉ phải trả cho một đơn vị máu hiến tình nguyện bằng số tiền bảo quản và lưu trữ, xét nghiệm, số tiền dừng ở hạn mức bảo hiểm chi trả. Để bảo mật thông tin và không xảy ra tình trạng bán máu, Save Blood sử dụng một mã ticket cho toàn bộ quy trình từ lúc hiến máu đến lúc máu được sử dụng, tức là mã ticket này sinh ra từ lúc bệnh nhân có nhu cầu cần máu, người vận động (điều phối viên trực tiếp alo), người tham gia hiến máu, cái kim hay túi máu mẫu xét nghiệm đều được đính kèm mã ticket này.
Ví dụ quy trình cho máu yêu cầu 11 khâu thì quy trình phải quét được 11 mẫu cùng một mã, nếu mã đó không trùng khớp sẽ biết được máu rò rỉ đi chỗ nào. Save Blood cũng cho người hiến máu biết máu đang ở chỗ nào, đang nằm trong phòng xét nghiệm hay đã truyền cho bệnh nhân, thông tin sẽ được gửi qua tin nhắn.
Quy trình mã ticket phân quyền nhiều đối tượng, 3 đối tượng không bao giờ được gặp nhau để tránh việc người nhà cảm ơn ….
Nếu như vậy Save Blood sẽ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí nào?
Chính phủ đang hướng tới năm 2010 có thể đạt được 2% dân số sẽ tham gia hiến máu tình nguyện mỗi năm.
Theo thông tư của Bộ Y tế, mỗi đơn vị vận động hiến máu sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng và Save Blood sử dụng nguồn đó để tiếp tục duy trì dự án và tạo giá trị cho xã hội chứ không lấy tiền từ người dùng và bệnh nhân. Việc hiến máu và lưu trữ thông tin của người hiến máu, Save Blood hiểu rõ điều đó rất nhạy cảm và chỉ cung cấp máu miễn phí và kiểm soát để đảm bảo bảo mật thông tin.
Vậy startup này có cần có sự đồng ý của Bộ Y tế hay các bệnh viện không?
Giai đoạn đầu bọn mình đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới ngân hàng máu sống đủ lớn để đáp ứng đủ nguồn cung ứng máu cho bệnh nhân, sau đó đến gặp bệnh viện và hỗ trợ bệnh viện làm công tác tiếp theo để mở rộng Save Blood.
Save Blood là đơn vị lưu trữ thông tin chứ không phải nơi lưu trữ máu, bệnh viện là người quản lý, nhiệm vụ của Save Blood là tìm kiếm đơn vị hiến máu gần nhất để vào hiến, nhằm hỗ trợ cho đơn vị cần máu khẩn cấp, cố gắng thúc đẩy tuyên truyền hiến máu tình nguyện và hướng tới con số 2% dân số hiến máu mỗi năm.
Save Blood đang được sự ủng hộ của nhiều bên, tụi mình được ươm tạo và hỗ trợ từ Đại học Huế, lực lượng hiến máu lớn nhất từ sinh viên hơn 60.000 người đó là số lượng người đủ để lập ngân hàng máu sống. Ngoài ra Save Blood còn được sự ủng hộ từ tỉnh và vòng gọi vốn đầu tiên tỉnh có chủ trương hỗ trợ cho tụi em đẩy Save Blood phát triển mạnh mẽ hơn. Tới đây, Save Blood sẽ gặp và trao đổi với Hội chữ thập đỏ.
Dự án hiện nay đang được triển khai tại bệnh viện Trung ương Huế. Đặc thù của bệnh viện Thừa Thiên Huế cung cấp cho cả miền Trung số lượng máu thiếu và hầu như thiếu thường xuyên.
Save Blood mới chạy thử nghiệm qua app 2 ca, bên mình phải tối ưu hóa trải nghiệm người dùng hơn nữa để chắc chắn không xảy ra bất cứ lỗi nào mới phát triển trên diện rộng.
Tại sao Quang lại bỏ học Toán ứng dụng để thi lại trường Kinh tế, mà không phải là học Y dược?
Trong team của mình (có 7 người) đã có một số bạn rất giỏi về y dược, nhưng đây là một dự án xã hội không đặt lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu. Mọi người đều làm tự nguyện nên mình phải giải bài toán làm sao nuôi được team hoạt động trong tình hình tài chính eo hẹp, đó là lí do mình quay lại học kinh tế.
Startup thường nuôi giấc mộng kỳ lân, làm giàu khi bán được vốn công ty, trong khi Quang làm startup lại không vì mục đích kinh tế?
Với mình, càng giúp được xã hội nhiều chừng nào, tạo ra giá trị cho xã hội và mọi người ủng hộ dự án thì đó là thành công rồi. Còn vì sao làm dự án về xã hội thì xuất phát từ nỗi đau cá nhân. Đó là trong quá trình làm về hiến máu, mình đã vận động được một đơn vị nhưng người đó không tới kịp, bệnh nhân không may không qua khỏi và mình nghĩ một phần lỗi do bản thân. Điều đó đã thôi thúc mình thực hiện dự án này để không còn người mất vì thiếu máu.
Mình đã đọc rất nhiều bài báo, đây không chỉ là tình trạng ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đặc biệt đối với nhóm máu hiếm.
Quang kỳ vọng thời gian tới dự án đạt thành quả gì?
Trước khi nói về kỳ vọng, mình xin chia sẻ những khó khăn của khi làm dự án này. Đó là bọn mình cần sự hỗ trợ về vấn đề luật pháp vì lưu trữ thông tin của người hiến máu và truy cập bệnh án của bệnh nhân cần cấp quyền, phải liên kết với nhiều đơn vị như vậy.
Phải được sự đồng ý của Bộ y tế vì Bộ Y Tế sẽ là đơn vị triển khai tốt nhất cho dự án này, tụi mình sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y Tế làm việc đó, để làm sao toàn bộ hệ thống bệnh viện đều có thể được đáp ứng nhu cầu đầy đủ.
Còn về dự án, em mong muốn đẩy nhanh tiến độ đưa ra thị trường cho sớm, giai đoạn ban đầu không đặt nặng lợi nhuận, không kỳ vọng làm tỷ phú bằng dự án này nhưng kỳ vọng giúp được nhiều người.
Bài tiếp: Quỳnh Sourdough: Người phụ nữ "nghỉ hưu non" để khởi nghiệp với loại bánh mì giá 200.000 đồng/chiếc
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Vì một Việt Nam hùng cường
Xem tất cả >>- NTK Công Trí: “Tôi muốn thế giới biết một nhà thiết kế Việt Nam như thế nào!”
- CEO M-TP Entertainment: Giấc mơ càng lớn cần càng nhiều người chung tay!
- Kỹ sư Hồ Quang Cua - Cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới: Ban đầu mình tính làm chơi thôi!
- PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!”
- NSND Hoàng Dũng: “Thiên hạ cứ nghĩ tôi có tiền nhưng thực ra chỉ đủ nuôi con, chăm mèo và chơi chim cảnh”