MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!”

02-01-2020 - 07:28 AM | Sống

“Vấn đề tài chính không còn khi bạn khẳng định được khả năng nghiên cứu. Khi đó, sẽ có nhiều quỹ sẵn sàng đầu tư. Vấn đề là bạn phải đi con đường ra sao và bằng cách nào để khẳng định bản thân” – PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 1.
PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 2.
PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 3.

- Tháng 9/2019, chị cùng với bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm là hai nhà khoa học Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Cảm xúc khi được ghi nhận ở lĩnh vực của mình lúc ấy thế nào?

- Hàng năm, tạp chí Asian Scientist (Tạm dịch: Nhà khoa học châu Á - PV) sẽ lựa chọn những gương mặt nhà khoa học trong khu vực, sau đó tiến hành bình chọn top 100. Thường thì các giải khác tôi phải đi nộp nên với giải thưởng lần này, tôi bất ngờ lắm. Phía ban tổ chức chỉ gửi thông báo ngắn gọn rằng tôi được chọn, dù báo chí đã đăng tin được cả tháng.

Trước đây, để đi xin tài trợ cho đề tài thực sự khó khăn, trong khi không có tiền thì không làm được gì. Mà tôi thấy giải thưởng có tiền nên mang hồ sơ đi nộp. Nộp xong có giải thì lấy tiền về nuôi cả nhóm nghiên cứu. Chúng tôi cứ làm mãi, làm mãi như thế, rồi cũng nhận từ giải thưởng này tới giải thưởng kia.

Bây giờ, giải thưởng không còn là nguồn tài chính lớn để tôi nuôi nhóm nhưng là danh dự để tôi dễ xin tiền tài trợ cho nhóm của mình. Tôi thường khuyến khích các bạn trẻ làm background thật tốt rồi đi xin các giải thưởng. Đó là cơ hội để vực dậy, xây dựng nhóm và tồn tại.

Nhiều bạn nhắc tới nộp hồ sơ đi xin giải thưởng thì rất ngại, nhưng miễn là khi đi làm, bạn giữ vững cái tâm, làm điều tốt cho mọi người thì không sao cả.

- Để làm được điều đó có khó khăn đối với một nhà nghiên cứu không?

- Có. Các nhà khoa học thường hay săm soi sản phẩm của mình nên biết cái nào tốt, cái nào không cho người bệnh. Nhưng do marketing và nhiều vấn đề mà cái tốt chưa tới được với người dùng. Trong khi đó không phải ai cũng hiểu được hết những điều nhà khoa học nói. Nhiều lúc, họ chỉ nghe những gì quảng cáo nói. Còn các nhà khoa học lại bị "mua" để nói lên điều quảng cáo muốn nói.

Bản thân tôi là nhà khoa học có tiếng, từng được đặt vấn đề rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhận. Có khi người ta trả cả bạc tỷ để nói nhưng tôi không nói. Đứng trước báo đài, những việc liên quan tới cá nhân hóa một tập thể, tôi sẽ không làm.

Tôi bảo với họ: "Tôi sẽ nói những điều bản thân thấy đúng. Chừng nào tôi thấy bản thân không thể sống với khoa học nữa thì sẽ bỏ và làm nghề khác. Chứ không bán danh dự của mình để đi nói những thứ không đúng sự thật".

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 4.

- Tức là chị gạt bài toán kinh tế ra khỏi đầu để tập trung cho đam mê nghiên cứu và giữ vững cái tâm của nhà khoa học?

- Không phải đâu. Nhà khoa học mà không có kinh tế thì làm sao nuôi được bản thân và nhóm nghiên cứu? Không có kinh tế thì khó theo đuổi nghề. Nhà nước không thể nuôi mình mãi được. Nhưng con đường đi của mình phải danh chính ngôn thuận.

Ai làm khoa học mà không muốn đưa sản phẩm của mình lên thị trường thì người đó không đúng. Khoa học phải đưa tới người dùng, chứ đem bỏ hộc tủ thì không còn là khoa học nữa. Nhưng đến tay người dùng phải đi sao cho đúng bản chất mới là vấn đề.

Công trình tôi đang làm mà có thể gần ra thị trường là những băng gạc hiện đại. Còn keo thông minh - có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô, mang tới giải pháp tự tạm chữa vết thương hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện - sẽ cần phải qua nhiều quy trình. Vì keo sẽ tiêm vào bên trong cơ thể. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt. Và tôi cũng sẽ làm vì cái tốt.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 5.

- Người ta thường nói là các nhà khoa học rất nghèo, làm nghiên cứu thì luôn gặp khó khăn kinh tế để theo đuổi đam mê. Với một PGS.TS có giải thưởng quốc tế như chị thì sao?

- Tôi xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng tôi tin niềm đam mê sẽ mang lại những thuận lợi trong nghiên cứu. Các giải thưởng cũng sẽ đến với mình. Sau đó, những công trình mình làm ra sẽ được xã hội chấp nhận.

Vấn đề tài chính không còn khi bạn khẳng định được khả năng nghiên cứu. Khi đó, sẽ có nhiều quỹ sẵn sàng đầu tư. Vấn đề là bạn phải đi con đường ra sao và bằng cách nào để khẳng định bản thân.

Thời tôi còn là sinh viên, ba từng ngăn cản tôi theo con đường này. Lý do vì thời đó khoa học chưa phát triển, việc nghiên cứu rất cực. Thầy cô của tôi chính là những nhân chứng sống cho chuyện đó. Nhưng bây giờ tôi thấy mọi chuyện khởi sắc hơn nhiều.

Nhà nước đầu tư và công nhận các công trình cùng những đóng góp của chúng tôi. Nhiều công trình sau đó sẽ được đưa vào ứng dụng. Tôi nghĩ dù có đi sau nhưng ít ra, chúng ta cũng đã chuyển mình và một ngày nào đó sẽ bắt kịp với thế giới.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 6.

- Lý do gì thôi thúc chị lựa chọn con đường cực khổ và ít nhận được sự ủng hộ này?

- Đam mê thôi (cười). Hồi trẻ, tôi có xem chương trình Discovery và rất thích cách người ta đi làm nghiên cứu, lấy mẫu và khám phá thiên nhiên. Vì yêu thích nên tôi xin học bổng nước ngoài để đi du học. Cái khẳng định đầu tiên của tôi với ba chính là tôi đi học bằng học bổng, không phải bằng tiền của gia đình.

Học xong, tôi quyết định về nước dù từng nhận được mức lương 3.000 USD sau khi tốt nghiệp. Về rồi thì tôi cứ làm thôi và không coi khó khăn là khó khăn. Tôi hy vọng một ngày nào đó mọi người sẽ công nhận.

Điều làm tôi thấy thích thú là mỗi lần làm ra cái gì đó, bản thân có cảm giác như khám phá ra điều mới. Nó giống như một chất kích thích làm cho mình đam mê và dấn thân vào. Chứ thực ra con đường khoa học đúng là gian nan.

Những ai có lòng đam mê, óc tìm tòi thì khoa học là con đường thích hợp để đi và phát triển nghề nghiệp. Vì người đam mê sẽ có cái nhìn khác về khía cạnh khoa học và sẽ dễ thành công hơn. Còn để coi đó là một cái nghề mưu sinh thì hơi khó so với các nghề khác.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 7.

- Vì sao vậy?

- Vì sẽ có nhiều trở ngại về tài chính và gia đình. Đặc biệt đối với phụ nữ, công việc này sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh nở, chăm lo cho gia đình, con cái trong lúc chúng đi học. Công việc nghiên cứu mà bỏ một thời gian là sẽ bị tụt, không theo kịp nữa là mất phương hướng.

- Sau khi lập gia đình, chị có nhận được sự ủng hộ của ông xã trong công việc không?

- Rất ủng hộ nên tới giờ tôi vẫn đang làm việc đây (cười). Kể cả những lúc rất khó khăn của giai đoạn đầu hay như bây giờ, khi nào tôi mệt quá thì anh lo cho con cái hết. Chỉ có mỗi việc dạy con là tôi phải dạy. Phụ nữ có tính ôn hòa nên dễ dàng hơn trong việc đó. Còn đàn ông, họ nóng tính nên hay la và sẽ khó cho con.

Một ngày mới của tôi thường bắt đầu bằng việc ăn sáng cùng ông xã và con. Tôi bắt đầu làm việc từ 7 rưỡi sáng cho tới 6 giờ chiều. Về công việc cụ thể là giải quyết việc trong khoa, họp với sinh viên để xem dự án thế nào, lên kế hoạch giảng dạy và xử lý các công việc tại phòng nghiên cứu.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 8.

- Xuất thân nghèo khó, lại nhận được mức lương cao ngay sau khi tốt nghiệp, vì sao chị lại quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng?

- Tôi muốn quay về để xây dựng việc nghiên cứu trong nước. Những thứ tôi làm đã được người ta dùng trong bệnh viện rồi nhưng nước mình lại chưa bao giờ được biết đến.

Thật ra, để đi tới quyết định đó, tôi đã phải suy nghĩ 6 tháng trời. Tôi tự hỏi: "Tại sao mình lại không về? Đây vừa là cơ hội, vừa là cách để mình giúp đỡ người dân nước mình".

Rồi tôi đặt ra vấn đề là mình sẽ phát triển ở đâu. Trả lời được thì tôi quay về, đối mặt và làm việc để vượt lên những khó khăn. Rồi đạt được những thành tích từ chính những khó khăn ấy.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 9.

- Mức thu nhập của chị hiện tại so với con số 3.000 USD đấy thế nào?

- Lương trong trường quốc tế rất cao. Ngay khi tôi về là đã được hơn 20 triệu/ tháng. Con số này giúp tôi không còn nhiều lo lắng, có thể tập trung vào nghiên cứu và đủ để lo cho gia đình.

Còn hiện tại là lo những thu nhập khác cho sinh viên, phòng lab để phát triển nghiên cứu. Phải làm sao để các bạn ấy có đời sống ổn định và tạo cho các bạn ấy một nghề nghiên cứu ổn định, chứ không phải là đi theo mình rồi sau đó chơi vơi, không biết đi đâu về đâu.

Tôi thường vạch cho các bạn đó những kế hoạch, ví dụ như phải học cái gì, đi học ở nước nào. Nên những bạn làm với tôi toàn xin được học bổng vào những trường top đầu thế giới như Cambridge, Melbourne…

- Hai vai trò nhà nghiên cứu và người dạy học của chị có tương quan và hỗ trợ thế nào cho nhau?

- Rất tương quan. Ví dụ, khi dạy thì mình đem kiến thức từ nghiên cứu ra dạy. Sinh viên đặt vấn đề thì mình lại đem những vấn đề đó về nghiên cứu tiếp. Nên hai vai trò này phải bổ trợ qua lại cho nhau. Nếu chỉ phát triển riêng lẻ thì sẽ bị thiếu hụt.

Mà những người làm khoa học, lại làm việc với sinh viên thì khoa học của họ có tính nhân văn rất nhiều. Ví dụ mấy đứa nhỏ làm nghiên cứu thì sáng tạo và bộc phá hơn, lại kèm theo sự chín chắn của mình thì sẽ cho ra những công trình tốt.

Thú thật, một tuần không được lên lớp thì tôi thấy buồn, mà không được đi vào phòng thí nghiệm cũng thấy buồn luôn (cười).

- Trong quá trình giảng dạy, điều gì khiến chị trăn trở và luôn nhắc nhở sinh viên mỗi ngày?

- Khi nghiên cứu và giảng dạy, tôi luôn phải cẩn thận và đặt an toàn của tất cả mọi người lên trên hết. Khi làm thí nghiệm thì phải xem xét đủ điều kiện cho mình, cho sinh viên và cả môi trường xung quanh. Ví dụ khi có sinh viên nào lỡ làm đổ hóa chất ra thì phải xử lý. Tôi phải dạy sinh viên rằng bạn làm đổ hóa chất mà lỡ ai đó đụng vào thì rất tội cho người ta.

Đó là vấn đề y đức. Khoa tôi cũng có một môn về y đức trong nghiên cứu khoa học và đó là tiêu chí đầu tiên mà sinh viên phải biết và thực hành. Y đức trong nghiên cứu khoa học không chỉ về việc dùng hóa chất mà còn về mặt kết quả, mình đừng dối trá về điều đó.

PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!” - Ảnh 11.

- Theo chị, điều gì sẽ làm nên thành công của một nhà khoa học nữ?

- Tôi thấy một người phụ nữ thành công trong khoa học thì ngoài sự tò mò còn có tính kiên nhẫn và đức tính của người mẹ. Mình sinh con ra và mong cho tương lai của con ở mấy chục năm nữa được tốt thì cần làm điều gì đó ở ngay thời điểm này. Sau này, con mình, cháu mình sẽ được hưởng những điều đó.

Tôi nghĩ đó là điều tôi đang làm và cũng là vấn đề các nhà làm khoa học cần phải chú ý. Chặng đường sẽ còn dài nhưng mình cố gắng từng ngày, từng ngày thôi.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ.


Hồng Đăng
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Hồng Đăng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên