NTK Công Trí: “Tôi muốn thế giới biết một nhà thiết kế Việt Nam như thế nào!”
“Tôi hy vọng, một lúc nào đó, các Shark lớn sẽ nhìn thấy những cơ hội ở lĩnh vực thời trang. Hoặc người ta cũng biết, hóa ra cũng có một người làm được điều đó và giờ cần có một sự trợ lực. Chứ giờ Việt Nam ai cũng buôn bán bất động sản, tôi cũng không biết đất nở đâu ra...” – Nguyễn Công Trí chia sẻ.
- Vừa tròn 20 năm cái tên Công Trí gắn bó với thời trang, nhìn lại, anh nghĩ điều gì đã giúp bản thân duy trì được phong độ và đam mê trong thời gian dài như vậy?
- Khi mình đã tạo nên được cái tên Nguyễn Công Trí, phải biết cách để nó trở nên giá trị hơn mỗi ngày. Tức là phải có những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và trách nhiệm bảo vệ thành quả những giá trị mình đã có được.
Tôi luôn nghĩ, nếu đã chọn thì hãy sống và làm những gì cho xứng đáng với con đường đã đi. Tôi từng bảo nhân viên, mỗi người có một nhiệm vụ trong xã hội. Điều quan trọng là khi bước ra đời, bạn chọn cách sống thế nào, hoàn thành sứ mệnh ra sao.
Nghề nào cũng có cái hay, đừng phân biệt nghề cao sang hay thấp hèn. Bất cứ ai khi đã bước ra xã hội cũng đều cần một cách xây dựng hình ảnh để khi nhắc tới mình, người ta đánh giá cao. Ngay cả người tạp vụ trong nhà hàng vẫn có giá trị của họ. Trong một thời gian ngắn mà họ rửa được nhiều chén nhất, sạch sẽ, không bị vỡ và sắp xếp tinh tươm thì khi nhắc đến họ người ta vẫn thấy ấn tượng. Nghề nào thì cũng như vậy, nếu đủ kỹ lưỡng và tận tuỵ - những cố gắng của mình sẽ luôn được đáp đền.
- Anh đã lên kế hoạch xây dựng thương hiệu thời trang của mình thế nào?
- Mỗi người sẽ có một cách khác nhau. Có kẻ đi lên bằng scandal, có người đi lên bằng kết quả lao động. Ai cũng phải chịu trách nhiệm với việc mình làm. Chẳng hạn như đi lên bằng scandal thì bạn có đủ sức để chịu trách nhiệm không? Khi đạt đến đích bằng scandal, bạn có đủ trình độ để rửa sạch những chuyện đó hay không?
Đó là quyền và lựa chọn của mỗi người. Tôi chọn cách đi lên bằng nghề nghiệp. Nhiều người hỏi tôi có bí quyết gì, tôi cũng không biết luôn. Chỉ biết mọi thứ đều thuộc về thái độ sống và làm nghề thôi.
Đối với tôi, thái độ sống rất quan trọng. Vì nếu giỏi, có người giỏi hơn mình, còn giàu cũng có người giàu hơn mình. Nhưng thái độ của mỗi người khác nhau. Có những người đứng trước bão táp thì cuống cuồng và cảm thấy bản thân không nghĩ được gì hết. Có những người cũng đứng trước bão táp nhưng lại rất bình tĩnh và làm những điều đúng đắn nhất từ trái tim.
Thế nhưng có những người đứng trước sự việc đó lại không làm việc từ trái tim mà là từ lợi nhuận, lợi ích. Tất cả tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người với cuộc sống, với nghề và đặc biệt là đối với lòng tự trọng và kiêu hãnh về bản thân mình.
- Thái độ đối với cuộc sống và công việc của anh thì sao?
- Tôi chọn sự nghiêm túc để sống và làm việc hết mình. Nhưng cũng cần lưu ý là phải thực sự yêu thích điều đó thì bạn mới làm được. Nếu không, bạn sẽ chỉ thấy cuộc sống tù túng, bức bối, mở mắt ra là toàn công việc. Tôi mở mắt ra toàn công việc thật nhưng tôi sống trong đó thấy mình thật sự hạnh phúc.
Ngay cả khi bị dèm pha dị nghị, tôi vẫn im lặng. "Sao ông này không có gu, làm tùm lum, lẫn lộn màu sắc, không có một sự hiểu biết gì về thời trang…". Đó là những điều tôi từng nghe rất nhiều từ đồng nghiệp và những người xung quanh. Nhưng những chuyện không hay giống như hiệu ứng domino. Nên im lặng cũng là một cách để mình giảm bớt được điều đấy. Và mình cứ kiên định với lựa chọn của mình thôi.
- Dấu mốc sự nghiệp nào khiến anh cảm thấy hài lòng nhất?
- Tôi thường rất bình tĩnh nên đa phần mọi thứ đều thấy bình thường. Những cái không liên quan đến nghề như bị bệnh thì có khi tôi nhớ, còn lại thì không. Thái độ của tôi kỳ ở chỗ, vui thì vui nhưng một lúc sau cũng hết, mà buồn thì cũng một lúc rồi thôi. Ví dụ diễn một show xong mọi người chúc mừng thì tôi vui đêm đó thôi, ngày hôm sau lại bình thường. Đâu có gì là mãi mãi đâu.
Bao năm nay, tôi rèn thái độ sống im lặng, không quan tâm tới thị phi để tránh mất thời gian và năng lượng vào những chuyện đó. Ở bên ngoài còn có rất nhiều điều hay, điều mình chưa học. Tại sao không tận dụng thời gian đó để trau dồi và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp, mà lại ngồi tính rằng tôi đang đi đầu thì chừng nào bị loại hay tôi chưa đi đầu thì bây giờ phải đi?
Cuộc sống vốn dĩ không phải cuộc đua marathon mà ai về trước thì người đó thắng. Mà nó như một cuộc kháng chiến trường kỳ. 1 - 2 bộ sưu tập không thể giải quyết vấn đề hay chứng tỏ mình là người đi đầu. Vậy nên, cứ sống hết mình, làm đúng và làm tốt việc của mình. Và cái nữa là trời thương cho mình sự may mắn.
- Vì sao anh quyết định tự vận hành thương hiệu, từ khâu thiết kế tới kinh doanh?
- Nhiều người bảo tôi sao tham lam, cứ ôm đồm hết công việc như vậy. Nhưng thực sự không phải. Đối với lĩnh vực may mặc, đặc biệt là một nhà thiết kế thành lập thương hiệu thuộc dòng thời trang cao cấp, việc để người khác vào làm giúp là cả một vấn đề. Lĩnh vực này không sinh lời ngay tức khắc. Vì nó thuộc dòng thời trang cao cấp, chưa có tính phổ cập đại trà.
Ví dụ những dòng thời trang may mặc lớn như Zara thì lại khác. Nhưng để thành công được như vậy thì họ cũng phải phát triển ra toàn cầu chứ nếu chỉ trong một nước thì không giải quyết được.
Còn những hãng như Dior, Valentino, Chanel thì đã trải qua cả trăm năm lịch sử, cả trăm năm làm nghề. Họ phát triển nhiều lĩnh vực, nhiều loại sản phẩm trong thương hiệu từ nước hoa đến nữ trang, mỹ phẩm, túi xách… chứ không chỉ dừng lại ở cái áo, cái quần.
Vậy nên, không phải tôi không muốn, mà là chưa thấy người nào kinh doanh tâm huyết để cùng song hành. Nên tôi vẫn phải làm thêm việc điều hành công ty. Thú thật, đến bây giờ vẫn chưa hết khó khăn đâu.
Khi kinh doanh, ai cũng mong có tiền, lợi nhuận tốt nhất có thể, khuếch trương tên tuổi nhiều nhất có thể. Đó cũng là những điều tôi rất mong muốn nhưng hiện tại chưa làm được. Vì tôi phải cân đối giữa lợi nhuận và chất lượng sản phẩm. Hai thứ này phải tương xứng, đi đôi với nhau để tạo được niềm tin ở người sử dụng.
Tôi phải chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình vì đã chọn con đường thời trang cao cấp. Tôi muốn thế giới biết một nhà thiết kế Việt Nam như thế nào, chứ không phải sản xuất gia công may mặc hay nhận đơn hàng gia công cho nước ngoài với số lượng lớn.
Kinh doanh cũng như hôn nhân. Lấy vợ đẹp thì phải biết giữ, lấy chồng giỏi thì phải biết xài. Có sức chơi thì có sức chịu thôi, chứ chẳng đau thương gì đâu (cười).
- Thế nên nhiều bạn bè là doanh nhân, nghệ sĩ mua các sản phẩm của Công Trí, phần vì ngưỡng mộ phần để ủng hộ cho anh có động lực theo đuổi con đường đam mê?
- Thực ra, việc kinh doanh của tôi không sinh lời như mọi người suy nghĩ. Tôi vẫn đang tìm những con người tâm huyết, những đối tác thật tốt để giúp thương hiệu phát triển theo đúng mong muốn. Thời trang cao cấp bước đầu có thể khó khăn và lợi nhuận không được hấp dẫn như nhiều lĩnh vực khác. Nhưng ở hiện tại, tôi thấy thư giãn với việc đó.
Trong cuộc sống, dù mình có 1 tỷ đô hay 1 triệu đồng trong túi thì điều quyết định cuối cùng vẫn là thái độ. Nếu có 1 tỷ đô trong túi mà không biết cách tiêu hoặc cảm thấy quá mừng rỡ, rồi sự vui mừng đó phá luôn bản năng, thì hôm sau 1 tỷ đô đó sẽ hết liền.
Trái lại, dù chỉ có 1 triệu đồng trong túi nhưng thái độ của mình với cuộc sống, với nghề nghiệp là biết trân quý và hưởng thụ trên những điều bình dị nhất thì vẫn được an yên.
Ai làm gì thì làm, là ông to bà lớn cỡ nào, kinh doanh giàu có ra sao thì tối về đều muốn nằm ngủ yên giấc. Nói thực, tôi không đi thiền nhưng cả cuộc đời của tôi đã thiền rồi. Quan trọng là suy nghĩ của mình, giữ cho tâm được tịnh.
Các bạn bè tôi ủng hộ dù với lý do gì thì tôi cũng vô cùng trân trọng và thấy mình cần trách nhiệm hơn với sự tin cậy và chờ đợi của mọi người.
Tôi có niềm tin, thương hiệu Công Trí có thể phát triển ra thế giới. Nên tôi vẫn tự làm và cố gắng đẩy thương hiệu sang các tuần lễ thời trang New York. Tham vọng của tôi không chỉ dừng lại ở đây.
Có thể sự đóng góp của tôi cho ngành thời trang ở Việt Nam chỉ như một hạt cát trên sa mạc nhưng tôi vẫn làm. Vì ít ra, tôi là người tiên phong. Những thế hệ sau sẽ thấy rằng, tôi làm được cái gì thì họ phát triển tiếp, cái tôi không làm được - họ giỏi hơn thì tiếp tục làm..
- Trên hành trình đó, điều gì làm anh trăn trở nhất?
- Tôi nhìn quanh trong lĩnh vực này thì thấy có lẽ ít người chịu dấn thân. Đa phần các đại gia trong ngành may mặc Việt Nam toàn đi gia công cho người ta. Trong quá trình gia công đó, họ cũng có thêm những thương hiệu nhỏ lẻ khác để cân đối.
Còn việc nghĩ làm sao để Việt Nam đứng vào bản đồ thời trang thế giới thì dường như không có ai làm cả. Thành ra, tôi cô đơn trên hành trình của mình.
- 2 năm trở lại đây, khi các thiết kế của anh được các ngôi sao quốc tế lựa chọn và xuất hiện trên các tạp chí thời trang thế giới, anh có cảm thấy bản thân đã bắt đầu gặt hái được thành công bước đầu không?
- Nếu nói là gặt hái thì cũng chẳng được gì đâu. Giống như đứng trong đám đông và la lên "tôi là Nguyễn Công Trí, nhà thiết kế đến từ Việt Nam" thì cũng chỉ có vài người nghe và biết. Vậy thôi.
Vấn đề ở đây là họ nghe mình rồi nhưng họ cũng nghe nhiều người khác nữa. Giờ mình phải làm cái gì tiếp đi. Thì tiếp đến phải là sự bền bỉ. Nếu chỉ như một ngôi sao vụt sáng rồi sau đó tắt phụt thì không giải quyết được chuyện gì.
Hiện tại, tôi phải cố gắng nỗ lực bằng mọi thứ để sao thật bền bỉ. Ở trong nước, mọi người thấy việc kinh doanh và lợi nhuận tôi kiếm được là được rồi. Nhưng không phải vậy. Để làm nên một thương hiệu thời trang ở quốc tế thực sự kinh khủng lắm. Ngay cả tỷ giá còn khác nhau mà.
Tiền tổ chức một show bên nước ngoài bằng số tiền tổ chức 10 show ở Việt Nam. Hay như người mẫu, ở Việt Nam có khi cát- xê có 100 đô/cô, nhưng có những cô bên kia có khi trả đến 10.000 đô, thậm chí mấy chục ngàn đô/cô. Thực sự một mình gánh vác, xong chuyện luôn kinh ngạc không biết làm sao mình vượt qua được.
Tôi hy vọng, một lúc nào đó, những Shark lớn sẽ nhìn lướt qua lĩnh vực này. Hoặc người ta cũng biết, hóa ra cũng có một người làm được điều đó và giờ cần có một sự trợ lực. Chứ giờ Việt Nam ai cũng buôn bán bất động sản. Tôi cũng không biết đất nở đâu ra. Giờ mình may cái áo, cái quần thì còn nở ra được mấy ngàn sản phẩm.
- Những chiếc váy của anh được báo chí quốc tế "bóc giá" lên tới con số nửa tỷ đồng. Mức giá đó so với công sức anh và ê-kíp bỏ ra là đắt hay rẻ?
- Tôi không thích nói đến tiền. Nhưng thực sự, để làm nên những bộ váy đó và đươc in lên trên các tạp chí quốc tế thì công sức của toàn ê-kíp hơn số tiền của chiếc váy. Toàn chịu lỗ thôi.
Trên thương trường, không thể tính công sức của mình vào được. Giá trị của chiếc váy được "cân đo đong đếm" bằng giá trị thực của sản phẩm cộng với giá trị của thương hiệu mang lại. Không thể nào may một cái áo rồi để giá 1 triệu đô. Việc đó không đúng.
Báo chí nước ngoài sẽ nhìn giá mình đưa ra, nếu thực sự đúng và hợp lý thì họ mới đăng lên. Không phải mình muốn nói gì thì nói.
- Giờ thương hiệu của anh mang dấu ấn quốc tế, việc kinh doanh có tốt lên không?
- Cũng có. Nhưng giống như khi mình mở tiệm trang điểm, một ngày tình cờ được trang điểm cho một cô nổi tiếng trong nước. Sau đó các khách hàng ùn ùn kéo đến thì cũng vẫn chỉ có mỗi mình trang điểm thôi. Sức của mình trước kia trang điểm 1 ngày được 10 cô thì giờ giỏi lắm cũng chỉ được tầm 12 cô. Thậm chí nhiều khi không đủ sức làm được 10 cô mà còn bị tụt xuống 8 cô.
- Nhưng anh đang có gần 200 con người hỗ trợ?
- Vấn đề nằm ở đường hướng kinh doanh, cách thức để phát triển thương hiệu. Từ sự phát triển thương hiệu đó, mình mới có một kế hoạch để tiêu thụ sản phẩm. Điều đó mới đem đến lợi nhuận kinh doanh. Một mẫu thiết kế chỉ dừng lại ở một mẫu thiết kế thôi hoặc chỉ được nhân bản ra khoảng 20, 30 mẫu thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Trong thời trang, bạn làm gì thì làm nhưng nó vẫn dừng lại ở con số.
Chuyện bạn trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng, có nhiều mẫu được nhiều người yêu thích, được các ngôi sao mặc là chuyện bạn đang đánh bóng tên tuổi để người ta tin tưởng vào thẩm mỹ của bạn, thương hiệu của bạn. Nhưng giờ đường lối của thương hiệu đi ra sao, buôn bán như thế nào, phát triển chuỗi cửa hàng ra sao thì là cả một vấn đề.
Tôi nhìn thực trạng của thời trang Việt Nam, có rất nhiều thương hiệu, chuỗi cửa hàng lớn trên toàn quốc nhưng chất lượng rất kém. Tôi không muốn lặp lại điều đó.
Tôi không muốn "bày binh bố trận", tạo nên những điều khổng lồ trong thương hiệu để bán đi. Đó không phải là cái tâm làm nghề. Tôi muốn sản phẩm phải chất lượng. Và chất lượng không chỉ nằm ở độ bền của cái áo nữa, mà nằm trong giá trị đúng ra người tiêu dùng được hưởng.
- Danh xưng và giải thưởng có làm cho anh thấy áp lực hơn?
- Không, tôi chỉ áp lực khi một ngày nào đó không thấy vui với công việc.
- Việc đó đã bao giờ xảy ra trong suốt 20 năm qua chưa?
- Chưa từng. Tôi mỗi ngày một sắc sảo hơn. Tới giờ, tôi vẫn làm việc đến nỗi mà nhân viên cũng phải sợ luôn vì quá chi tiết. Cầu toàn cũng là điểm hay, nhưng có điểm dở là làm cho mình mệt. Tuy nhiên sự cầu toàn đó là tính cách và khiến mình vui, vì chỉ khi nào đã cố gắng hết sức, dù là việc đó vụn vặt bé nhỏ - thì tôi mới yên tâm.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Vì một Việt Nam hùng cường
Xem tất cả >>- CEO M-TP Entertainment: Giấc mơ càng lớn cần càng nhiều người chung tay!
- Kỹ sư Hồ Quang Cua - Cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới: Ban đầu mình tính làm chơi thôi!
- PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!”
- NSND Hoàng Dũng: “Thiên hạ cứ nghĩ tôi có tiền nhưng thực ra chỉ đủ nuôi con, chăm mèo và chơi chim cảnh”
- Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng: SEA Games qua rồi, mình muốn tinh thần lúc nào cũng hừng hực như người mới bắt đầu!