Cháo trai tăng giá, bò bít tết giảm khẩu phần... lý do bá đạo của bà chủ
Thịt lợn tăng giá lên mức cao nhất trong lịch sử, hàng quán ồ ạt tăng giá theo. Thậm chí, nhiều hàng ăn không sử dụng tới thịt lợn như cháo trai, quán bò bít tết cũng tăng giá, xin bớt 1 cái bánh mì.
- 25-12-2019Phó Thủ tướng: "Không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay"
- 24-12-2019Thủ tướng: Không có chuyện thiếu thịt lợn, xử lý nghiêm phao tin để trục lợi
- 23-12-2019Nguy cơ Tết không thịt lợn ở nhiều nơi trên thế giới
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020 này, thị trường ghi nhận giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Tại nhiều địa phương, giá lợn hơn đã tăng lên mốc 90.000-95.000 đồng/kg, thậm chí có nơi đạt đỉnh 98.000 đồng/kg. Tại chợ, giá thịt lợn tăng vọt lên mức 140.000-250.000 đồng/kg, có loại giá còn lên tới 280.000-300.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, giá thịt lợn gần đây đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nguồn cung thịt lợn đang gia tăng, các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy sản, thịt bò... cũng tăng mạnh để bù đắp phần thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
Song, trước cơn “bão giá” thịt lợn lớn chưa từng có, không chỉ người tiêu dùng mà các hàng quán cũng quay cuồng tìm cách đối phó. Các cửa hàng bún chả, bún mọc, cơm bình dân,... dịp này ồ ạt tăng giá. Khắp nơi phải dán thông báo xin tăng thêm 2.000-5.000 đồng/suất, có nơi vì không muốn tăng giá đành xin bớt 1 miếng thịt lợn quay.
Quán bò bít tết thông báo giảm mỗi suất còn 1 cái bánh mì do giá thực phẩm tăng
Đến hàng bánh bao nhân thịt cũng tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng. Hàng xôi thịt có nơi giá đã tăng lên 70.000 đồng/suất mà miếng thịt kho được thái mỏng tang như tờ giấy.
Nhiều người tiêu dùng than phiền đi chợ thịt lợn, giò chả tăng giá đã đành, giờ đến đi ăn hàng những quán không dùng đến thịt lợn cũng hùa tăng giá theo.
Chị Lê Kiều Phương ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, hôm qua chị vào quán bò bít tết ăn cùng bạn bè. Đây là quán ruột từ thời sinh viên nổi tiếng ngon và giá bình dân. Chờ mãi đến lúc nhân viên đem đồ ăn ra chị nhìn thấy mà giật mình. Miếng thịt bò mỏng dính, khoai tây có vài cọng. Đã thế, nhân viên còn thông báo giá cả tăng nên quán ăn xin giảm bớt 1 cái bánh mì (trước mỗi suất bò bít tết được kèm 2 cái bánh mì).
Lúc thanh toán tiền, chị thắc mắc hỏi sao dịp này miếng thịt mỏng, lại chỉ có một cái bánh mì mà giá không đổi thì nhận được câu trả lời do giá thực phẩm tăng, thịt lợn tăng giá mạnh.
“Đến hàng bò bít tết không dùng tới thịt lợn mà còn tăng giá theo”. Chị Phương than thở, thịt lợn tăng thực phẩm gì cũng tăng, chỉ có thu nhập của người dân không tăng.
Thịt lợn ngoài chợ tăng giá phi mã khiến người dân, hàng quán quay cuồng tìm cách đối phó |
Tương tự, chị Đàm Thụy Vân ở Đại Từ (Hoàng Mai), Hà Nội, cũng tỏ vẻ ngán ngẩm khi giá thịt lợn tăng chóng mặt kéo theo các loại thực phẩm khác tăng phi mã.
“Hôm trước đi mua bát cháo trai, tôi giật mình vì đưa 15.000 đồng, chủ hàng bảo thiếu 5.000 đồng nữa. Sau đó họ giải thích thịt lợn tăng giá, hàng quán bị ảnh hưởng nên cháo trai giá cũng tăng”, chị nói.
Một chủ hàng bán tóp mỡ ba chỉ ở Hà Đông (Hà Nội) tâm sự, giá thịt lợn tăng điên cuồng, đến người làm hàng bán như các chị cũng cảm thấy ngán ngẩm huống chi người tiêu dùng.
Đợt này đi chợ mua ba chỉ về làm tóp mỡ để bán giá lên tới 170.000 đồng/kg, trong khi phải 4kg thịt ba chỉ mới làm được 1kg tóp mỡ.
“Trước bán tóp mỡ giá 450.000 đồng/kg, giờ giá thịt lợn tăng, tính ra tóp mỡ giá phải tầm 850.000 đồng/kg. Với mức giá này, mấy ai dám mua về ăn”, chị lo lắng. Vì giá thành quá đắt đỏ nên thời gian gần đây, chị chỉ làm cho khách đặt trước, không dám làm sẵn để bán như trước nữa.
Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, chủ hàng thịt quay cũng than phiền vì mặt hàng này ế ẩm, lượng hàng bán ra gần như giảm một nửa. Bởi giá thịt quay tăng gấp đôi theo giá lợn.
Vietnamnet