MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới”

12-04-2018 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cảnh báo hệ luỵ tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng năm 2017 có thể ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong một hai năm tới.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam, giảng viên chính ICAEW/CFAB và Kiểm toán viên chuyên nghiệp – PA, cho rằng tài sản khối ngân hàng đã và đang dịch chuyển sang mảng bán lẻ và tiêu dùng. Hai mảng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi kinh tế vĩ mô, yếu tố sẽ tác động lớn đến tiêu dùng.

Số liệu bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều

Theo ông Phan Lê Thành Long, số liệu bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều thông qua hoạt động xử lý nợ xấu một cách chủ động.

Thống kê số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng do BizLIVE thực hiện cho thấy, phần tài sản ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ tài sản xấu trong năm 2017 đã giảm đáng kể, và giảm ở hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.

Đối với khoản lãi, phí phải thu, còn 3 ngân hàng có tỷ trọng lãi, phí phải thu/tổng tài sản cao trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, gồm Sacombank, VietA Bank, và Kienlong Bank. LienVietPostBank, BacA Bank và SHB đã giảm khoản lãi, phí phải thu.

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới” - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính


Đối với khoản phải thu khác, hiện có 3 ngân hàng có tỷ trọng khoản phải thu khác/tổng tài sản trên 3% gồm: Sacombank, SHB, Techcombank. Tương tự như chỉ tiêu lãi, phí phải thu khác, khoản phải thu khác của hầu hết các ngân hàng đều giảm.

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới” - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng

Nhưng rủi ro thì vẫn còn tồn tại....

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng tín dụng sẽ là một vấn đề cần lưu tâm. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng dường như được thúc nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Như thế, hệ luỵ của nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong một hai năm tới, ông Long nói.

Tài sản khối ngân hàng đã và đang dịch chuyển sang mảng bán lẻ và tiêu dùng. Hai mảng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi kinh tế vĩ mô, yếu tố sẽ tác động lớn đến tiêu dùng.

BizLIVE đã thống kê 17 ngân hàng có thuyết minh về số liệu dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và khác cho thấy năm 2017, tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và khác của 17 ngân hàng đạt hơn 1.453.405 tỷ đồng, tăng bình quân 32% so với cuối năm 2016, chiếm 37,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của các ngân hàng.

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới” - Ảnh 3.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng

Top 5 ngân hàng có dư nợ cho vay cá nhân và khác trên tổng dư nợ cao gồm Kienlongbank gần 70%; VPBank là 64,3%; VIB là 63,5%; Sacombank là 58,7%; ACB gần 56%.

Tuy nhiên, trong số 5 ngân hàng nói trên, ACB, Kienlongbank tăng trưởng khá ổn định, VPBank và VIB tăng trưởng cao lần lượt là 30% và 79%. Ngoài ra, các ngân hàng như Vietcombank , LienVietPostBank, BIDV cũng có dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng cao.

Thứ hai, điểm tưởng chừng có ảnh hưởng rất thấp là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. "Nhưng thực tế, theo tôi, cuộc chiến này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt về tỷ giá trong trường hợp Trung Quốc bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ, và coi đó vũ khí trong cuộc chiến này", ông Phan Lê Thành Long nêu quan điểm.

Cuối cùng, ông Long cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Các ngân hàng cần phải có kế hoạch xử lý dứt điểm về chất các khoản nợ xấu trước đây và kiểm soát nguy cơ nợ xấu phát sinh từ tăng trưởng tín dụng nhanh gần đây.

Hiện tại trên BCTC của một số ngân hàng vẫn còn những khoản nợ xấu rất lớn được “khoanh” theo những cơ chế đặc biệt. Những khoản này cần được xử lý dứt điểm thay vì xử lý một cách hình thức là tạm để ra một chỗ cho mục đích làm sạch bảng cân đối kế toán.

Thống kê số liệu cùa 17 ngân hàng cho thấy, năm 2017 tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã giảm, nợ có khả năng mất vốn giảm cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối. Hiện tại 17 ngân hàng có gần 33.841 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn so với năm 2016 là hơn 34.165 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn/tổng dư nợ bình quân của 17 ngân hàng năm 2017 là 0,87% so với năm 2016 là 1,05%.

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới” - Ảnh 4.

Nguồn Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng

Theo Hồng Quân

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên