MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chật vật hiện thực giấc mơ đường sắt đô thị

Chật vật hiện thực giấc mơ đường sắt đô thị

Hơn 1 thập kỷ qua, Bộ GTVT, Hà Nội và TPHCM chật vật với các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn. Nay một tuyến đầu tiên chuẩn bị khai thác, các tuyến còn lại chưa biết bao giờ xong.

Sau 10 năm xây dựng, 13km đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cũng sắp được đưa vào khai thác thương mại, đánh dấu tuyến đầu tiên của Việt Nam lăn bánh. Dự kiến, ngày 6/11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ ký bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào khai thác. Trước đó, ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng thông qua nghiệm thu dự án của Bộ GTVT. Dự án đường sắt này được khởi công năm 2011 và phải lùi tiến độ nhiều lần; tổng mức đầu tư tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).

Theo Bộ GTVT, hiện Hà Nội và TPHCM có 6 tuyến đường sắt đô thị được triển khai. Trong đó, Hà Nội có 4 tuyến (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Yên Viên - Ngọc Hồi); TPHCM có 2 tuyến (Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương). Các dự án đều gặp tình trạng chung là đội vốn, chậm tiến độ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Quản lý Giao thông (Đại học Bách khoa TPHCM) nói rằng, nếu ta chưa biết gì về công nghệ để giám sát các nhà thầu, có thể thuê tư vấn độc lập (bên thứ 3) thay chủ đầu tư giám sát từ ký hợp đồng tới thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành.

Ông kiến nghị Quốc hội quy định giới hạn mức tăng vốn của dự án đầu tư công, tránh tình trạng “ép giá” khi lập dự án để được thông qua, khi thi công mới điều chỉnh tăng về giá thật.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ năm 2010 (khởi công đầu tiên tại Việt Nam), tới nay cũng nhiều lần trễ hẹn về đích. Mục tiêu khai thác đoạn trên cao cuối năm nay, đoạn đi ngầm cuối năm 2022 tiếp tục không đạt được. Tổng mức đầu tư dự án này tăng từ 21.912 tỷ đồng lên 32.910 tỷ đồng (tăng hơn 10.998 tỷ đồng). Hiện tiến độ dự án đạt khoảng 74% (riêng đoạn trên cao đạt 90%).

Cũng do chậm bàn giao mặt bằng, từ tháng 7 tới nay, nhà thầu thi công ga ngầm S9 và S11 của tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã tạm dừng thi công và 3 lần yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 114 triệu USD. Nhà thầu này còn chuẩn bị thủ tục có thể khiếu nại lên Trọng tài quốc tế. Ngoài vướng mặt bằng, giai đoạn 2018-2019, do thiếu vốn, các nhà thầu cũng cắt giảm hoạt động, khiến tiến độ dự án chậm thêm, một số nhà thầu đã đưa vấn đề tranh chấp ra Ban xử lý tranh chấp (DB) và Trọng tài quốc tế. Vì chậm tiến độ, khoản vay của Chính phủ Pháp cũng hết hạn rút vốn từ tháng 5/2020 (đã nhiều lần gia hạn), UBND TP Hà Nội (chủ đầu tư) phải đề xuất Chính phủ đàm phán gia hạn thời gian rút vốn tới hết tháng 12/2022.

Trước đó, tháng 11/2020, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt vấn đề sai phạm tại dự án này, như: hợp đồng tư vấn trọn gói với Tư vấn Systra chưa hợp lý, thiếu khả thi nên làm tăng chi phí thêm 6,5 triệu Euro; gói thầu rà phá bom mìn có dấu hiệu vi phạm; chọn nhà thầu thực hiện đoạn trên cao có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chậm bàn giao mặt bằng dẫn tới nhà thầu yêu cầu bổ sung kinh phí, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước...

Tại TPHCM, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên cũng rơi cảnh tương tự. Dự án này khởi công năm 2012, tới nay phải gia hạn tiến độ nhiều lần, mục tiêu vận hành năm 2022 cũng khó đạt được, khi tiến độ mới đạt 91%. Dự án này cũng tăng vốn từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng (tăng thêm 26.370 tỷ đồng). Nhà thầu thi công cũng nhiều lần dừng thi công, đòi bồi thường do chủ đầu tư chậm vốn, chậm mặt bằng. Dự án này cũng mới xảy ra sự cố hỏng gối dầm đoạn đi trên cao.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên