MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt và dầu Nga, quốc gia láng giềng nhanh chóng hưởng lợi, thu về 125 tỷ USD chỉ nhờ mang năng lượng sang 'lục địa già'

07-04-2023 - 15:34 PM | Tài chính quốc tế

Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt và dầu Nga, quốc gia láng giềng nhanh chóng hưởng lợi, thu về 125 tỷ USD chỉ nhờ mang năng lượng sang 'lục địa già'

Khi Nga giảm lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm ngoái, Na Uy đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Quốc gia Bắc Âu này cũng đang tăng cường cung cấp dầu cho các nước láng giềng, bù đắp cho việc thiếu hụt dầu Nga.

Dòng chảy khí đốt, dầu mỏ liên tục chảy sang châu Âu

"Tiền tuyến" mới đối với vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu là một toà nhà văn phòng nhỏ, nhìn ra một vịnh ở Stavanger, Na Uy. Bên trong, một công ty có tên là Petoro đang giám sát hơn 30 mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu.

Các hoạt động này được vận hành ở vùng biển Na Uy, nơi có những giàn khoan ngoài khơi khổng lồ cùng các giếng sâu hàng nghìn mét dưới mặt nước. Đây là công cụ giúp châu Âu sưởi ấm trong mùa đông và tạo ra điện kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung.

Khi Nga giảm lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm ngoái, Na Uy đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Quốc gia Bắc Âu này cũng đang tăng cường cung cấp dầu cho các nước láng giềng, bù đắp cho việc thiếu hụt dầu Nga.

Kristin Fejerskov Kragseth, giám đốc điều hành của Petoro, một công ty nhà nước quản lý các kho dầu mỏ của Na Uy

Việc Na Uy được thăng hạng trong vai trò cung cấp năng lượng cho châu Âu là điều đáng chú ý, vì năng lượng chỉ chiếm khoảng 1/3 sản lượng kinh tế của quốc gia 5,5 triệu dân này. Không giống Ả Rập Xê Út, chính phủ Na Uy không kiểm soát hoàn toàn các mỏ dầu và khí đốt hay cổ phần lớn trong các doanh nghiệp khai thác. Khi nhu cầu toàn châu Âu tăng lên, Na Uy đã lãi 100 tỷ USD nhờ dầu mỏ và khí đốt vào năm ngoái.

Na Uy đã sản xuất một lượng lớn khí đốt, vận chuyển qua các đường ống dưới biển đến Bắc Âu nhưng chính phủ nước này vẫn cho phép tăng sản lượng. Các công ty năng lượng đã điều chỉnh để tăng sản lượng khí đốt thay vì dầu mỏ. Kết quả là, sản lượng khí đốt đã tăng 8% vào năm ngoái, giúp Na Uy thành nguồn cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu.

Na Uy cũng nhận được những khoản lợi nhuận đáng chú ý khi hỗ trợ châu Âu trong thời gian vừa qua. Giống như các "ông lớn" năng lượng Shell hay BP đã đạt lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái, Petoro cũng kiếm được khoảng 50 tỷ USD vào năm 2022, gần gấp 3 lần so với lợi nhuận năm 2021. Equinor cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục là 75 tỷ USD.

Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt và dầu Nga, quốc gia láng giềng nhanh chóng hưởng lợi, thu về 125 tỷ USD chỉ nhờ mang năng lượng sang 'lục địa già' - Ảnh 1.

Trụ sở của Equinor tại thành phố Oslo, Na Uy.

Ngoài ra, doanh thu từ dầu khí đã đóng góp 125 tỷ USD cho chính phủ Na Uy vào năm 2022, theo ước tính của nước này. Con số trên cao hơn khoảng 100 tỷ USD so với năm 2021.

Số tiền đó được đổ vào quỹ đầu tư nhà nước trị giá 1,3 nghìn tỷ USD có tên Government Pension Fund Global. Song, nhiều người gọi đây là "quỹ dầu mỏ". Quỹ này nắm giữ trung bình 1,5% cổ phần trong 9.000 doanh nghiệp niêm yết trên toàn thế giới và chính phủ có thể khai thác lợi nhuận hàng năm từ đó để tài trợ cho gần 20% ngân sách nhà nước.

Theo đó, nền kinh tế Na Uy tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 và không bị ảnh hưởng bởi giá dầu, khí đốt biến động.

Tuy nhiên, liệu khoản lợi nhuận bội thu của ngành năng lượng ở Na Uy có tiếp tục tăng lên hay không lại là câu chuyện khác. Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm trong nhiều tháng và hiện chỉ bằng khoảng 1/8 so với mức đỉnh vào mùa hè năm ngoái.

Trong khi đó, dù Na Uy tăng sản lượng dầu và khí đốt, cũng như thuỷ điện, người dân nước này vẫn không thể tránh khỏi tình trạng tiền điện tăng vọt, vì thị trường có liên hệ chặt chẽ với các nước láng giềng.

Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt và dầu Nga, quốc gia láng giềng nhanh chóng hưởng lợi, thu về 125 tỷ USD chỉ nhờ mang năng lượng sang 'lục địa già' - Ảnh 2.

Một góc của thành phố Stavanger, nơi khai thác dầu khí chính của Na Uy.

Na Uy có thể sẽ còn duy trì dòng chảy khí đốt lớn đến châu Âu trong những năm tới. Năm 2020, chính phủ nước này đã áp dụng các thay đổi về thuế tạm thời, để đảm bảo đại dịch không khiến dòng tiền đầu tư vào ngành sụt giảm. Những ưu đã này đã giúp hoạt động khoan và phát triển dự án mới bùng nổ, ước tính trị giá khoảng 43 tỷ USD.

Aker BP, công ty dầu khí có trụ sở bên ngoài Osla, có kế hoạch đầu tư 19 tỷ USD để tăng sản lượng lên 1/3 vào năm 2028. CEO Karl Johnny Hersvik cho biết: "Chúng tôi đang khoan các giếng thăm dò."

Theo nhà phân tích Mathias Schioldborg tại hãng nghiên cứu Rystad Energy, trong vài năm tới, sản lượng từ các mỏ mới này sẽ đủ để bù đắp cho những mỏ cũ hơn bị sụt giảm. Chính phủ nước này dự đoán sản lượng dầu khí ở Na Uy sẽ đạt mức cao nhất vào cuối thập kỷ này, sau đó là đà sụt giảm kéo dài.

Na Uy gặp lực cản lớn khi tìm cách chuyển đổi "xanh"

Tuy nhiên, điều khó có thể chắc chắn là Na Uy sẽ cung cấp được nhiều khí đốt hơn cho châu Âu. Mạng lưới đường ống dẫn khí của Na Uy tới lục địa này lại có rất ít công suất bổ sung.

Hersvik nói công ty đang đẩy mạnh hết sức có thể và cho biết khả năng xây dựng thêm các đường ống dẫn đến châu Âu là không cao vì sẽ cần khoảng 20 năm hoạt động để thu hồi chi phí đầu tư.

Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt và dầu Nga, quốc gia láng giềng nhanh chóng hưởng lợi, thu về 125 tỷ USD chỉ nhờ mang năng lượng sang 'lục địa già' - Ảnh 3.

Các kỹ sư của Aker BP giám sát quá trình khoan ngoài khơi từ Stavanger.

Ngoài ra, Na Uy cũng chịu áp lực trong việc giảm phát thải khí nhà kính và những quy định hạn chế với ngành dầu khí có thể sẽ không biến mất. Một số ý kiến cho rằng Na Uy nên loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch vào khoảng năm 2035 để bảo vệ khí hậu.

Giống nhiều nước châu Âu, Na Uy đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Ngành dầu khí nước này đã đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi và tìm cách giảm lượng khí thải từ sản xuất dầu khí, bằng cách cung cấp năng lượng cho máy bơm dầu và các thiết bị khác bằng điện, thay vì khí đốt hay dầu diesel.

Song, quán trình chuyển đổi lại khiến một số người lo ngại. Họ hoài nghi rằng các công nghệ tái tạo sẽ không tạo ra đủ việc làm được trả lương cao, để duy trì khoảng 6% lực lượng lao động hiện đang làm việc trong ngành dầu khí.

Stavanger, thành phố xinh đẹp với những ngôi nhà gỗ cổ được xây dựng xung quanh vùng vịnh nhỏ, là trung tâm khai thác dầu khí của Na Uy trong 50 năm. Nơi này đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc trong thập kỳ qua, đầu tiên là do giá dầu lao dốc vào năm 2024 và sau đó là đại dịch. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới đã "tiếp thêm sinh lực" cho thành phố.

Thị trưởng Kari Nessa Nordtun dường như sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì. Bà nói: "Tôi tự hào mình là người sống nhờ dầu mỏ từ khi còn bé."

Bà cũng hoan nghênh những công ty từng tập trung vào kinh doanh dầu mỏ khi đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Dẫu vậy, khu vực Stavanger có gần 50.000 việc làm liên quan đến dầu khí, trong khi năng lượng xanh chỉ có khoảng 1.000 việc làm.

Tham khảo New York Times

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên