MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu tạm chốt mức giá trần dầu mới, Nga “hoan hỉ” vì...vẫn an toàn

03-12-2022 - 06:31 AM | Thị trường

Sau khi đưa ra mức giá trần 65 – 70 USD/thùng vào thời gian vừa qua, châu Âu đã tạm chốt giá trần với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên mức giá này vẫn còn khá an toàn đối với dầu Nga.

Cần mức giá trần thấp hơn?

Vào ngày 1/12 vừa qua, Chính phủ các quốc gia châu Âu đã tạm thời đồng ý về mức giá trần 60 USD đối với dầu thô được vận chuyển bằng đường biển của Nga – thấp hơn khoảng 5% so với giá thị trường.

Một nhà ngoại giao EU cho biết Ba Lan, quốc gia đã thúc đẩy mức trần càng thấp càng tốt vào tối thứ Năm vẫn chưa xác nhận liệu họ có ủng hộ thỏa thuận hay không.

Thời gian qua, các quốc gia EU đã tranh cãi trong nhiều ngày qua về các mức giá trần với mục đích nhằm cắt giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn chặn giá dầu sẽ tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12 tới đây.

Thỏa thuận này vẫn cho phép các nước tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng cách sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và hàng hải của phương Tây, miễn là họ không trả nhiều hơn cho mỗi thùng so với mức giá đã thỏa thuận. Trước đó, để xuất ban đầu của G7 vào tuần trước là mức giá giới hạn 65 - 70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh.

Châu Âu tạm chốt mức giá trần dầu mới, Nga “hoan hỉ” vì...vẫn an toàn - Ảnh 1.

Ảnh: FT

Một quan chức cấp cao của G7 cho biết thỏa thuận này sẽ hoàn thành muộn nhất là vào thứ 2 tới đây. Quan chức này cũng bày tỏ hi vọng mức giá mới sẽ hạn chế khả năng tài chính của Nga. Ngoài ra các quan chức G7 đã theo dõi chặt chẽ thị trường dầu mỏ trong quá trình phát triển cơ chế giá trần và đang khá “thoải mái” với nó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - ông Wally Adeyemo đã nói với Reuters rằng giới hạn 60 USD nằm trong phạm vi thảo luận của khối và sẽ hạn chế doanh thu của Nga. Dầu thô Urals của Nga đã được giao dịch ở mức khoảng 70 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 12.

Tuy nhiên mọi thứ dường như chưa dừng lại ở đó. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Trung Quốc và Ấn Độ cùng một vài nước đã trở thành khách hàng chủ lực của dầu Nga. Đáng chú ý, Bloomberg vừa báo cáo rằng Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang mua chúng với giá chỉ bằng một nửa so với giá trên thị trường. Theo chiến lược gia dầu mỏ Julian Lee của Bloomberg, dầu thô Urals hàng đầu của Nga được giao dịch với mức chiết khấu lớn là 33,28 USD, tương đương khoảng 40% so với dầu thô Brent quốc tế vào thời điểm cuối tháng 11. Ngược lại, một năm trước, dầu Nga được giao dịch với mức chiết khấu chỉ ở mức 2,85 USD so với Brent.

Nga vẫn "an toàn"

Về tình hình nhập khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc, 2 quốc gia này hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga. Theo dữ liệu từ hãng phân tích hàng hóa Kpler, Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ nhất thế giới – và Ấn Độ - nước nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới – đã nhập tổng cộng 1,85 triệu thùng dầu thô Nga/ngày trong số 4,47 triệu thùng/ngày mà Nga xuất khẩu trong tháng 7/2022. Có thể thấy 2 thị trường này là thị trường chủ lực của Nga trong bối cảnh các nước phương Tây quay lưng với dầu thô Nga. Chính vì vậy mức giá trần này vẫn còn rất an toàn với Nga.

Ba Lan, Litva và Estonia đã từ chối mức giá trần 65 - 70 USD/thùng vì không đạt được mục tiêu chính là giảm khả năng tài trợ của Moscow ở Ukraine. Các quốc gia này muốn mức trần thấp hơn với khoảng 30 USD/thùng, cho rằng mức này sát với chi phí sản xuất của Nga.

Tài liệu cho biết thời kỳ chuyển tiếp 45 ngày sẽ áp dụng cho các tàu chở dầu thô có nguồn gốc từ Nga đã được bốc hàng trước ngày 5 tháng 12 và dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19 tháng 1 năm 2023.

Ý tưởng thực thi giới hạn G7 là cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn giá do G7 và các đồng minh của họ đặt ra. Bởi vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần giá sẽ khiến Moscow rất khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Theo Bloomberg, Reuters

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên