Châu Âu tiếp tục đau đầu vì thời tiết khô hạn
Một đợt khô hạn đang khiến cây trồng héo úa và làm chậm hoạt động gieo trồng ở một số quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu châu Âu, từ đó đe dọa khiến lạm phát lương thực tiếp tục tăng.
- 16-04-2023"Vàng trắng" xuất hiện trên vùng biển châu Á, cứ đến đêm ngư dân lại kéo nhau đi săn
- 16-04-2023Dòng sản phẩm 'kỳ lạ' và không ai ngờ tới này đang giúp Apple 'thống trị' thị trường smartphone ở Mỹ
- 16-04-2023EY bị cấm phần lớn hoạt động tại Đức, kế hoạch tách làm đôi trì hoãn vô thời hạn: Vì đâu nên nỗi?
Theo trang Bloomberg ngày 15-4, khoảng 60% vùng nông thôn Tây Ban Nha bị hạn hán hoành hành. Trong khi đó, nông dân ở Ý và Bồ Đào Nha đối mặt điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi.
Thời tiết khắc nghiệt diễn ra theo sau mùa đông khô ấm khác thường ở Nam và Tây Âu, làm tăng nguy cơ thiếu nước cho nông nghiệp vào cuối năm nay. Tại Tây Ban Nha, một tổ chức nông dân địa phương cho biết hơn 3,5 triệu ha diện tích cây trồng được tưới tiêu bởi nước mưa đã bị thiệt hại nặng, đến mức không thể khắc phục.
Công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) dự báo thời tiết khắc nghiệt sẽ kéo dài ở Tây Ban Nha trong thời gian tới.
Đất khô cằn tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 4-4 Ảnh: Bloomberg
Trong khi đó, nắng nóng và tình trạng khô hạn đã khiến mực nước trên sông Po, sông lớn nhất nước Ý, xuống mức thấp nhất trong 70 năm. Ngoài ra, miền Bắc nước Ý dự kiến không có mưa cho đến ngày 22-4.
Ông Massimiliano Giansanti, người đứng đầu Hiệp hội Trang trại Confagricoltura (Ý), than thở: "Đợt gieo trồng ở khu vực sông Po thường bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 nhưng hiện tại đất quá khô".
Ông cũng cảnh báo tình hình có thể còn khó khăn hơn trong vài tuần tới, gây thiệt hại đến sản lượng thu hoạch. Chính quyền Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết sẽ bổ nhiệm một quan chức phụ trách đối phó tình trạng khẩn cấp về nước để đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng và khắc phục các đường ống bị rò rỉ khắp nơi.
Áp lực tăng giá lương thực ở châu Âu vẫn còn cao dù lạm phát nhìn chung đã hạ nhiệt. Chẳng hạn tại Ý, theo một số chuyên gia, nhiệt độ thay đổi nhanh chóng và nguồn nước khan hiếm ảnh hưởng khiến nhiều sản phẩm bị thiếu hụt. Giá cà chua - loại thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người dân địa phương - đang tăng 30% so với năm 2022.
NLĐ