MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy đua kích cầu du lịch cuối năm

Các địa phương trên cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế

Ngày 29-11, tại tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. Qua thống kê, giai đoạn 2020 - 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt với doanh thu 260.160 tỉ đồng. Trong đó, gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.

Tăng cường liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ

Kết quả ấn tượng nói trên là nhờ vào sự chủ động của các địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó các công ty du lịch tại TP HCM đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch theo tuyến kết nối TP HCM đến các địa phương vùng Đông Nam Bộ, nổi bật như: tuyến du lịch TP HCM - Tây Ninh - cáp treo Núi Bà; tuyến du lịch về nguồn TP HCM - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch TP HCM - Vũng Tàu; tuyến du lịch "Tình đất đỏ miền Đông" TP HCM - Bình Dương - Bình Phước; TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu...

Cũng trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng đã tổ chức được 18 sự kiện du lịch tiêu biểu như: Ngày hội du lịch TP HCM; hội chợ du lịch quốc tế TP HCM - ITE HCMC; hội chợ du lịch trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên nền tảng sàn thương mại điện tử; liên hoan ẩm thực tỉnh Bình Dương; hội thảo tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Bình Phước; tuần lễ văn hóa du lịch ẩm thực Đồng Nai; tuần lễ văn hóa du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng - Tây Ninh... Qua sự kiện các địa phương đã giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch cũng trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh đến khách tham quan trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp "6 địa phương - 1 điểm đến", làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương, qua đó tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch...

Tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đoàn Văn Việt đánh giá trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển... Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

Ông đề nghị các địa phương, doanh nghiệp (DN) cần triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương theo chủ trương Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng; làm rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Qua đó, tạo ấn tượng đậm nét cho du khách về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ so với các vùng du lịch khác thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng có thế mạnh.

Về công tác xúc tiến quảng bá, đây là nội dung vô cùng quan trọng để các điểm đến tiếp cận lại thị trường sau đại dịch. Các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá.

Chạy đua kích cầu du lịch cuối năm - Ảnh 1.

Một điểm đến ở Gia Lai, địa phương này đang đẩy mạnh quảng bá du lịch tới thị trường khách TP HCM. Ảnh: BÌNH AN


Tăng tốc quảng bá

Liên quan đến xúc tiến du lịch, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường liên kết, xúc tiến du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế dịp cuối năm và đầu năm mới.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh vừa tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch năm 2022 tại TP HCM nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch Gia Lai với nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và hệ thống dịch vụ, tạo sự gắn kết, thu hút của DN TP HCM quan tâm đầu tư, liên kết khai thác sản phẩm du lịch Gia Lai.

"Hoạt động cũng nhằm hỗ trợ DN du lịch Gia Lai phục hồi sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, tạo điều kiện cho DN du lịch Gia Lai được tiếp cận với thị trường TP HCM; tạo sự kết nối, hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương.

Du lịch Gia Lai đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch Tây Nguyên hiện nay, đặc biệt thu hút giới trẻ và khách du lịch với loại hình du lịch sinh thái - văn hóa mang nét đặc trưng riêng. Du lịch Gia Lai còn là nơi trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, di sản văn hóa phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO công nhận" - ông Nguyễn Đức Hoàng nói.

Tỉnh Lai Châu cũng vừa thông báo về việc tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP HCM năm 2022 từ ngày 2 đến 4-12 nhằm quảng bá, giới thiệu về miền đất, con người Lai Châu với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, là điểm đến giàu tiềm năng để các đối tác đầu tư, hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua sự kiện để tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lai Châu với TP HCM nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Nam nói chung. Tạo cơ hội cho các DN lữ hành tìm hiểu, liên kết xây dựng các tour du lịch để trao đổi khách giữa các tỉnh, thành phố.

Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND TP HCM sẽ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 với chủ đề "Về những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ" gồm nhiều chuỗi hoạt động như lễ hội đường phố với sự tham gia trên 100 nghệ nhân, diễn viên quần chúng: Dân tộc Thái trong trang phục "sửa luông" với cây đàn tính hòa cùng nhịp của trống, chiêng; dân tộc Hà Nhì trong điệu xòe không ngủ, kết hợp với trống, chiêng và các làn điệu dân ca; điệu leo bo - dân tộc Lào; vũ điệu khèn, điệu múa sênh tiền - dân tộc Mông... Du khách sẽ được thưởng thức, trải nghiệm bức tranh văn hóa Lai Châu rực rỡ sắc màu giữa lòng thành phố mang tên Bác. Trình diễn khèn dân tộc Mông; hát then - đàn tính, múa xòe, múa sạp dân tộc Thái...

Nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Thuận... cũng tấp nập tổ chức sự kiện quảng bá, khảo sát xúc tiến du lịch để đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Riêng TP HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết từ nay đến cuối năm, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động để tăng nguồn thu, đóng góp từ du lịch làm trọng tâm thay cho việc thu hút lượng khách.

Cụ thể, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đón khách quốc tế, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh cho các đoàn khách quốc tế; phối hợp với các hãng hàng không khôi phục và phát triển những thị trường du lịch gắn với một số đường bay quốc tế thường lệ tới các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Úc, châu Âu, Mỹ.

Ngoài ra, TP HCM cũng tổ chức nghiên cứu thị trường để chuẩn bị trước các dòng sản phẩm, dịch vụ đón khách du lịch quốc tế cuối năm, chào đón bằng chuỗi các hoạt động, lễ hội, sự kiện như: Tuần lễ Du lịch TP HCM năm 2022; ngày hội khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước; Giải marathon quốc tế TP HCM Techcombank lần 5 kết hợp Liên hoan Ẩm thực và Lễ hội âm nhạc quốc tế TP HCM Hozo... tập trung vào các sản phẩm du lịch kích thích chi tiêu cao và đa dạng, nâng tầm các sự kiện.

Theo Thảo Nguyên - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên