MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chê” Luật quản lý thuế không theo kịp thời hội nhập, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi

Bộ Tài chính cho biết Luật Quản lý thuế có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết Hiệp định thuế đa phương.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) với quan điểm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, công khai, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và được sửa đổi, bổ sung ba lần. Sau 10 năm đi vào thực hiện, Luật quản lý thuế đạt được kết quả quan trọng nhưng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng Hội nhập kinh tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế.

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định đa phương, song phương. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 76 nước và vùng lãnh thổ. Theo đó, Luật quản lý thuế đã có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết Hiệp định thuế đa phương...

Luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hoá quản lý thuế mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.

Bộ Tài chính cũng cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

Bên cạnh đó, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước...

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên