MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ngày một lớn

06-04-2021 - 11:24 AM | Tài chính quốc tế

Chênh lệch tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ngày một lớn

Không giống thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, các nền kinh tế trên thế giới đang không phục hồi chung một tốc độ, một phần bởi hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 và hỗ trợ tài khóa của các nước khác nhau.

Trong năm nay, kinh tế thế giới đang hướng đến mức tăng trưởng cao nhất trong hơn nửa thế kỷ, tuy nhiên những khác biệt và thiếu hụt sẽ có thể cản trở kinh tế thế giới đạt được mức tăng trưởng cao từng có được trước thời kỳ đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, kinh tế Mỹ đang có những thành công nhất định khi mà chính phủ Mỹ đã bơm ra gói kích cầu quy mô hàng nghìn tỷ USD và như vậy kinh tế Mỹ giữ được vị thế bảo hộ kinh tế toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo thay đổi định hướng chính sách "nước Mỹ là số 1" của người tiền nhiệm Donald Trump. Tháng 3/2021, thị trường việc làm Mỹ đã có tháng tăng trưởng việc làm tốt nhất tính từ tháng 8/2020.

Kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng tốt. Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 cứng rắn nhất và kinh tế Trung Quốc cũng hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, không giống thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, các nền kinh tế trên thế giới đang không phục hồi chung một tốc độ, một phần bởi hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 và hỗ trợ tài khóa của các nước khác nhau. Nhóm các nước mới nổi và các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tụt lại phía sau, giới chức Pháp và Italy đã bị buộc phải rút đi các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19.

Trong tuần trước, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nói: "Dù rằng triển vọng kinh tế nói chung đã cải thiện, triển vọng mỗi nền kinh tế mỗi khác nhau. Vắc xin Covid-19 không được cung cấp cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Quá nhiều người hiện đang đương đầu với thất nghiệp và đói nghèo tăng cao. Nhiều nước đang tụt lại phía sau".

Kết quả, các chuyên gia kinh tế dự báo phần đông của thế giới sẽ phải mất nhiều năm mới có thể theo kịp Mỹ và châu Âu trong quá trình hồi phục từ đại dịch Covid-19. Đến năm 2024, sản lượng kinh tế thế giới sẽ vẫn thấp hơn 3% so với dự báo từ trước đại dịch Covid-19, những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo tính toán của IMF.

Trong nhóm các nền kinh tế phát triển, trong khi kinh tế Mỹ đang phục hồi, kinh tế Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật đang suy giảm. Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, kinh tế Brazil, Nga và Ấn Độ tụt lại so với Trung Quốc.

Tính trong cả năm nay, Bloomberg Economics tính toán rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6,9%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tính từ thập niên 1960. Đằng sau triển vọng kinh tế sáng sủa có nhiều yếu tố hỗ rợ bao gồm: rủi ro virus lây nhiễm giảm đi, gói kích cầu của Mỹ ngày một lớn hơn và hàng nghìn tỷ USD tiết kiệm.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19, quá trình tiêm chủng càng dài, virus sẽ còn vẫn ám ảnh nếu mà chủng mới phát triển.

Cũng theo tính toán của Bloomberg, nếu như Mỹ chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 được cho 25% dân số, Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ đạt 10% trong khi đó Mexico, Nga và Brazil chưa đạt 6%. Tại Nhật, tỷ lệ này chưa đầy 1%.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên