Chỉ 5 tháng, người Việt đã mua nửa tỷ USD một mặt hàng ngoại nhập
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi 480,32 triệu USD để nhập khẩu sản phẩm này, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
- 06-07-2023Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1-8
- 06-07-2023Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI
- 06-07-2023Bộ Công thương đề xuất tách A0 khỏi EVN, lập công ty TNHH MTV
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu 57,62 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 108,8 triệu USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá so với tháng 5/2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 36 thị trường trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Brazil và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 239,13 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 480,32 triệu USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5/2023, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Italia…
Mỹ là một trong những quốc gia xuất khẩu thịt vào Việt Nam nhiều nhất. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ một số thị trường lại sụt giảm như: Brazil, Hàn Quốc, Đức, Canada, Australia…
Đáng chú ý, nhập khẩu thịt từ Nga tiếp tục tăng mạnh sau khi sụt giảm trong năm 2022.
Các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu trong tháng 5/2023 gồm: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, phụ phẩm ăn được sau giết mổ (của heo, trâu, bò) sống ướp lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng tăng; Trong khi nhập khẩu thịt heo và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng với mặt hàng thịt heo, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 29,61 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 73,62 triệu USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Việt Nam.
Trừ Nga, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Đức tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Canada, Hà Lan lại giảm.
Ở chiều xuất khẩu, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý 1/2023, Việt Nam xuất khẩu 5.830 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,62 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm chân gà đông lạnh (chủ yếu sang Trung Quốc), thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh (duy nhất sang thị trường Hong Kong - Trung Quốc).
Thịt ếch đông lạnh (chủ yếu sang Bỉ, Mỹ, Pháp), thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia)…
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực châu Á. Trong đó, xuất khẩu sang Hong Kong - Trung Quốc nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.
Nhịp sống thị trường