MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi 80 triệu đi du lịch, 70 triệu để ăn ngoài vì công việc quá đau đầu

24-12-2023 - 16:55 PM | Lifestyle

Bàn về những khoản chi có thể “giảm bớt”, chi tiêu tự thưởng trong năm qua của một số bạn trẻ.

Ngoài những khoản chi cố định cho các nhu cầu thiết yếu không thể cắt giảm như nhà ở, học tập, đồ ăn uống ngày 3 bữa,... phần lớn mọi người còn chi tiêu cho “mong muốn”. Đây là những khoản chi không cần thiết cho sự “sống sót”, nhưng có thể khiến bạn vui vẻ, chi tiêu tự thưởng là một phần trong đó.

Chi 80 triệu đi du lịch 4 đất nước

Chi 80 triệu đi du lịch, 70 triệu để ăn ngoài vì công việc quá đau đầu- Ảnh 1.

Chí Anh trong chuyến đi Nhật Bản

Chí Anh (sinh năm 1997, Hà Nội) đã đi du lịch 4 nước trong năm nay bao gồm Nhật Bản, Singapore, Indonesia, và Đài Loan (Trung Quốc).

- Tự túc làm mọi thủ tục và lên kế hoạch đi 3 thành phố ở Nhật Bản bao gồm Osaka, Kyoto, và Tokyo trong vòng 12 ngày: 45 triệu đồng

- Đi Singapore ở ké nhà bạn nên tiết kiệm hơn: 12 triệu đồng

- Đi du lịch cùng công ty đến Bali, Indonesia nên chủ yếu chi tiền mua quần áo, ăn uống dọc đường: 5 triệu

- Trúng thưởng 4 triệu đồng chương trình mà chính phủ tổ chức cho bất kỳ khách du lịch nào đến Đài Loan (Trung Quốc) nên tiết kiệm được 1 khoảng tiền. Tổng chi phí 5 ngày: 18 triệu

“Đây là khoản chi xứng đáng và hợp lý. Mình đã tiết kiệm kha khá từ những năm trong dịch Covid, chờ đến lúc có thể đi du lịch trở lại. Năm nay khi tất cả các nước mở cửa, mình quyết tâm phải cố gắng đi nhiều nhất có thể bù đắp 3 năm mất “thanh xuân” do dịch”.

Sau mỗi chuyến đi tự túc trên, Chí Anh học hỏi thêm rất nhiều điều và tích luỹ được thêm rất nhiều trải nghiệm khác nhau. Bên cạnh đó, cậu bạn tích góp kinh nghiệm để chia sẻ lại cho bạn bè những chỗ ăn chơi ngon - bổ - rẻ nữa chứ. Và sau này còn có thể đưa bố mẹ đi cùng để trải nghiệm thật tốt nhất.

“Mình là 1 người hướng ngoại và rất thích khám phá trải nghiệm, cho nên du lịch như là đam mê. Muốn đi được đường dài chắc chắn bản thân phải có lúc nghỉ ngơi để có thể tập trung vào những sở thích khác để cân bằng cuộc sống cũng như lấy lại năng lượng. Do vậy, sau khoảng 4, 5 tháng làm việc cật lực, chăm chỉ cày cuốc, mình muốn có 1 chuyến đi đâu đó dù gần dù xa để giải tỏa áp lực. Ngoài ra, thay vì mua đồ hiệu, quần áo, mình quyết tâm để tiền du lịch”.

Trong câu chuyện tài chính đi du lịch, Chí Anh cho rằng quan trọng nhất là tiết kiệm. Bạn có thể bắt đầu bằng cách mỗi tháng để dành 1 ít quỹ “du lịch”. Gom góp nhiều nhất để thực hiện được chuyến đi và trải nghiệm 1 cách tốt nhất.

Chi 80 triệu đi du lịch, 70 triệu để ăn ngoài vì công việc quá đau đầu- Ảnh 2.
Chi 80 triệu đi du lịch, 70 triệu để ăn ngoài vì công việc quá đau đầu- Ảnh 3.

Chuyến đi Singapore và Đài Loan (Trung Quốc)

Chi 70 triệu đi ăn ngoài

Huyền Trang (sinh năm 1996, Hà Nội) trong năm 2023 gần như không tự nấu cơm tại nhà. Trong khoảng nửa đầu năm, vì quá bận rộn, cô bạn thường “xử” nhanh các bữa ăn tại văn phòng thông qua gọi giao hàng hoặc ra những quán ăn gần công ty. Còn vào cuối tuần, cô bạn sẽ đi ăn cùng bạn bè để giải tỏa áp lực sau 1 tuần làm việc đau đầu. Do vậy, hàng tuần Huyền Trang chi khoảng gần 5 triệu tiền ăn cho cả tháng, nửa đầu năm khoảng 30 triệu đồng.

Sau đó, bởi vì tăng cân mất kiểm soát và sức khoẻ không ổn, cô bạn đã lựa chọn đặt cố định các bữa ăn từ các quán chuyên thực phẩm lành mạnh mỗi ngày. Giá tiền trên mỗi suất ăn từ các quán này sẽ đắt hơn và cô bạn cũng không thể từ chối tụ tập vào cuối tuần, chi phí cho ăn uống trong nửa cuối năm khoảng 40 triệu đồng.

“Thành thật đây là một khoản chi có thể cắt giảm nhưng mình quá lười cũng như nấu ăn không ngon nên đã chi tiêu khá “mạnh tay". Tuy nhiên, mình vẫn thấy đây không phải là khoản chi quá hoang phí khi công việc rất bận rộn và không còn nhiều năng lượng để chuẩn bị các bữa ăn. Nửa cuối năm, mình có đổi chế độ ăn ngoài và cảm thấy tâm trạng và sức khỏe tích cực hơn nhiều”.

Dù vậy, Huyền Trang vẫn có dự định sẽ cố gắng dành thời gian học nấu ăn cho bản thân và giảm khoản chi cho ăn uống xuống còn ⅔. Trong tương lai, cô bạn có những mục tiêu cần tiết kiệm nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, liên tục ăn ngoài dù đã đặt hàng từ những quán khá lành mạnh nhưng nó vẫn không tốt cho sức khỏe bằng tự mình chế biến.

Chi 25 triệu mua đồ trang điểm và quần áo

Chi 80 triệu đi du lịch, 70 triệu để ăn ngoài vì công việc quá đau đầu- Ảnh 4.

Mỹ Trương

Mỹ Trương (sinh năm 1996, TP Hồ Chí Minh) đã chi khoảng 15 triệu mua quần áo, hơn 7 triệu đồng cho các sản phẩm trang điểm, 1,5 triệu để làm tóc trong năm nay. “Có những thời điểm quần áo cũ không còn phù hợp với con người mình nữa.. Do vậy, mình muốn thay đổi phong cách ăn mặc cũng như không muốn nghĩ ngày mai phải phối đồ thế nào. Mình mua theo bộ ấn định đi cặp với nhau vừa thích hợp đi làm mà vẫn thoải mái mặc hằng ngày. Trang điểm là thứ không thể thiếu với mình mỗi ngày. Nhìn bản thân thay đổi tốt hơn, tươm tất và biết chăm sóc ngoại hình khiến mình tự tin hơn”.

Đối với cô bạn đây là những khoản tiền khá hợp lý, vì vẫn được theo dõi hàng tuần. Ngoài ra, nó không ảnh hưởng đến những mục tiêu tài chính khác liên quan đến công việc và học tập.

Mỹ Trương sử dụng phương pháp Kakeibo để quản lý tài chính. Cô bạn chỉ dùng duy nhất 1 ngân hàng, nguồn tiền thu chi xem lại lịch sử ứng dụng hoặc từ ghi chép hằng ngày. Kakeibo là một cách tiết kiệm tiền hiệu quả và nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Với quy tắc tính toán đơn giản, tiện lợi, và không mất nhiều thời gian, chia thành các mục Ghi chép chi tiêu hàng ngày theo từng mục cụ thể, ghi lại số tiền tiết kiệm mong muốn, ghi các khoản chi cố định, ghi lại các khoản thu (công việc chính, công việc phụ, tiền lãi từ tiết kiệm, được tặng,…) rồi tính tổng chi tiêu vào cuối tháng. Nếu bạn đủ kiên nhẫn ghi chép chi tiêu, thực hiện cẩn thận, tốt nhất là nên làm hàng ngày để tránh sai sót. “Sang năm mình muốn có 1 khoảng tiết kiệm cố định và mua ít tiêu sản nhất có thể. Cụ thể hơn mình chưa lập kế hoạch chi tiết”.

Theo Tô Diệp

Phụ nữ số

Trở lên trên