MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ bán "thứ bỏ đi" cho Trung Quốc, Nhật Bản..., Việt Nam thu về gần 3 tỷ USD

15-03-2024 - 18:30 PM | Thị trường

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản mà hơn 10 quốc gia trên thế giới đều muốn nhập khẩu mặt hàng được coi như “thứ bỏ đi” ở Việt Nam.

Đó là dăm gỗ và viên nén. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong năm 2023, dù ngành hàng gỗ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng đều thắt chặt chi tiêu, nhưng việc xuất khẩu "gỗ vụn" gồm dăm gỗ và viên nén vẫn thu về tới gần 2,9 tỷ USD.

Cụ thể, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 14,42 triệu tấn dăm gỗ với giá trị đạt 2,22 tỷ USD (giảm 8,8% về lượng và giảm 20,4% về giá trị so với năm 2022), chiếm khoảng 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.

Về viên nén gỗ, trong năm 2023, nước ta đã xuất khẩu 4,67 triệu tấn, thu về gần 680 triệu USD (giảm 4,3% về lượng và 13,7% về giá trị so với năm 2022), chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.

Chỉ bán

Đơn vị: %. Biểu đồ: MH

Trên thực tế, mặt hàng dăm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 13 thị trường trong năm 2023. Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm tới 92,4% tổng sản lượng và 92,2% tổng giá trị xuất khẩu. 

Viên nén gỗ của nước ta được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm qua. Đáng chú ý, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là hai khách hàng lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này. Theo đó, Nhật Bản nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn viên nén, với giá trị đạt 438 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và 14,3% về giá trị so với năm 2022. Hàn Quốc nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn viên nén, với giá trị đạt gần 214 triệu USD, giảm 24,5% về lượng và giảm tới 43,3% về giá trị so với năm 2022.

Mặt hàng tiềm năng trong năm 2024

Chỉ bán

Dăm gỗ của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang 13 quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2023, toàn ngành gỗ khai thác được khoảng 19 triệu ster củi (đơn vị tính thể tích của củi). Đây chính là nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất dăm gỗ và viên nén ở nước ta. Bên cạnh đó, những phế phụ phẩm của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ, chẳng hạn như đầu mẩu, vụn, mùn cưa, vỏ bào… được sử dụng để sản xuất dăm gỗ và viên nén.

Ngay từ đầu năm 2024, xuất khẩu ngành gỗ cũng có sự phục hồi mạnh. Minh chứng là trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ đạt 217,5 triệu USD, tăng khoảng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu viên nén gỗ của nước ta đạt 73,5 triệu USD, tăng 24,1%.

Theo các chuyên gia dự báo, mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ của nước ta còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ có thể đạt tới 1 tỷ USD trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đầu tư xem xét đầu tư xây dựng về nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho việc sản xuất và xuất khẩu.

Chỉ bán

Viên nén gỗ của nước ta được nhiều quốc gia trên thế giới nhập khẩu. Ảnh minh họa

Trước đó, tại Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2024) khai mạc ngày 6/3, Hiệp hội chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta từ đầu năm 2024 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là khi các doanh nghiệp giữ được thị trường Mỹ. 

Ngoài Mỹ và châu Âu, các thị trường mới cũng có nhiều tiềm năng và tăng trưởng tốt như Ấn Độ, Canada… Để nắm bắt tốt được cơ hội này, theo đại diện của Hawa, các doanh nghiệp cần phải đa dạng về mẫu mã và cạnh tranh về giá. Đặc biệt, muốn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng trở lại của các đơn hàng thì các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải vượt qua được những thách thức về chi phí.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, trong năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, chỉ khoảng từ 10 - 12% so với những quý cuối năm 2023. Do đó, giải pháp trọng tâm nhất trong năm nay đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ của nước ta phát triển bền vững, bằng cách dựa vào sử dụng gỗ có chứng chỉ và các sản phẩm giảm phát thải.

Theo Tổng cục Hải quan, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Trên thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Bài tham khảo nguồn: Viforest, Vnforest, Hawa


Theo Minh Hằng

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên