MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ còn một năm, kiếm đâu 88.300 tỷ cho đầu tư công?

Lo ngại tính khả thi của việc cân đối đủ 2 triệu tỷ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020...

Thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lo ngại tính khả thi của việc cân đối đủ 2 triệu tỷ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bà Mai nói, cách đây ba năm, khi Quốc hội xem xét thông qua kế hoạch trung hạn thì vấn đề được quan tâm nhất đó là sẽ có bao nhiêu tiền để đầu tư cho các dự án. Nghị quyết 26 của Quốc hội đã xác định rõ mức 2 triệu tỷ, đây là định hướng nhưng cũng là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh. Nếu như không cân đối đủ thì cũng đồng nghĩa với việc là chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, đến nay khi chỉ còn 1 năm là kết thúc kế hoạch trung hạn thì việc thực hiện nhiệm vụ này thực sự là rất khó khăn. Hiện nay, tổng ngân sách cân đối cho các dự án mới chỉ được là 1.911.700 tỷ, như vậy là còn thiếu 88.300 tỷ, riêng ngân sách trung ương thì thiếu 211.650 tỷ, đây là con số rất lớn, đại biểu Mai nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai được bà Mai đề cập là việc cân đối của ngân sách địa phương đối với các dự án.

Vị đại biểu Hà Nội nêu thực tế, khi đề xuất các dự án thì hầu hết các địa phương đều cam kết bố trí phần còn thiếu để đủ điều kiện bổ sung vào kế hoạch trung hạn. Hiện nay trong gần 10.000 dự án có trong danh mục thì có tới 70% các dự án có cam kết từ phía địa phương là bố trí đủ phần còn thiếu, nhưng qua giám sát thực tế cho thấy số địa phương thực hiện được đúng cam kết thì không nhiều, nhất là các tỉnh nghèo.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách, theo đại biểu Mai cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi nghị quyết 26 của Quốc hội cũng đề ra nhiệm vụ rất rõ đó là huy động nguồn lực ngoài ngân sách, tuy nhiên thời gian qua nhiều dự án đã không đạt được mức kỳ vọng. Ví dụ gần đây nhất có dự án tuyến đường ven biển khi đã đưa vào kế hoạch trung hạn là thực hiện theo hình thức PPP nhưng cuối cùng thì cũng phải chuyển sang là 100% vốn nhà nước và ngân sách trung ương đã phải cân đối là 4.500 tỷ.

Như vậy, khi nguồn lực ngân sách trung ương không cân đối đủ, khi các địa phương khó có thể thực hiện được cam kết và khi huy động nguồn lực ngoài ngân sách là khó khăn thì hệ quả đó là hiểu dự án thiếu vốn, dở dang và tạo áp lực rất lớn cho giai đoạn tiếp theo, bà Mai khái quát.

GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo

Đó là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM), cũng trong phiên thảo luận sáng 31/10.

Cho rằng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương, ông Nghĩa lấy ví dụ ở những vùng những vùng phên dậu của đất nước thì nên đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP. Bởi nếu chạy theo GDP sẽ dẫn đến chuyện là chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra để làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.

Ở những nơi cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà tàn phá rừng thì phải đánh giá người lãnh đạo đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Vùng miền nào đó GDP đạt được 5% hay 7% nhưng để cho dân của mình bỏ đi, không sinh sống được ở những vùng miền đó thì như thế người lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.

Vị đại biểu Tp.HCM cho rằng, theo hệ thống phân bổ thì những nơi làm được nhiều, thuận lợi về phát triển kinh tế phải san sẻ cho những nơi khác. Cho nên về phương pháp luận nếu không đánh giá đúng về GDP thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua và sẽ chệch hướng.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên