Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
Mặc dù Mỹ vẫn tự tin trước một cuộc khủng hoảng nhưng lượng dự trữ giảm dần cũng đã hạn chế các lựa chọn của Tổng thống Biden để ứng phó với một cú sốc trong tương lai đối với thị trường dầu mỏ.
- 17-10-2023TSMC 'sốc văn hóa' vẫn mạnh miệng ở Mỹ: Tự tin Intel chẳng theo kịp, có khách VIP ‘chống lưng’ nên không cần lo chi phí
- 17-10-2023Gã khổng lồ trứ danh của Mỹ chậm chân, doanh nghiệp Trung Quốc đạt doanh thu kỉ lục từ sản phẩm nội địa
- 16-10-2023Nữ tỷ phú ra tay, gã khổng lồ ngành công nghiệp pin của Mỹ đánh rơi “vũ khí quan trọng” để cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến ở Trung Đông cách đây 50 năm gây ra đã buộc chính phủ Mỹ phải tạo ra một kho dự trữ dầu thô khổng lồ để bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa từ các quốc gia không thân thiện.
Tuy nhiên giờ đây, lượng dầu dự trữ chỉ còn một nửa dọc theo bờ biển vùng Vịnh đang đặt ra tình thế khó khăn về mặt chính trị cho Tổng thống Joe Biden.
Năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã bán hơn 40% lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm giúp hạn chế giá nhiên liệu tăng cao sau khi xung đột Ukraine nổ ra, khiến kho dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980. Điều đó đã khiến đảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Biden đẩy nước Mỹ vào tình cảnh dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, vào thời điểm các cuộc tấn công của các tay súng Hamas nhằm vào Israel đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn và gián đoạn các chuyến hàng nhiên liệu từ Trung Đông.
Trong khi Chủ tịch Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện Bruce Westerman cho rằng Tổng thống Biden có lỗi trong việc tìm cách hạ giá xăng dầu trước cuộc bầu cử thì cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy lại phàn nàn lượng dầu mỏ dự trữ chiến lược của Mỹ sắp cạn kiệt.
Trên thực tế, kho dự trữ chiến lược của Mỹ vẫn đang giữ 351 triệu thùng dầu - tương đương với gần 56 ngày dầu nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
Bảo vệ quyết định bán dầu, chính quyền Tổng thống Biden nói rằng họ vẫn giữ lượng dầu thô dồi dào để bảo vệ nhu cầu chiến lược của quốc gia trong khi vẫn cung cấp một tấm đệm đỡ trước những cú sốc về giá. Phát biểu trước Ủy ban Hạ viện hồi tháng 9, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm khẳng định: “Tôi không lo lắng về mức dự trữ dầu chút nào. Chúng ta vẫn sở hữu nguồn dự trữ dầu chiến lược lớn nhất thế giới”.
Nếu như so với 5 thập kỷ trước, Mỹ không còn là “kẻ ăn xin” năng lượng như năm 1973. Thời điểm đó, cuộc chiến Yom Kippur thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ của Saudi Arabia đối với Mỹ khiến giá dầu tăng vọt và người Mỹ phải xếp hàng dài hàng giờ trước các trạm bơm xăng. Sản lượng dầu của Mỹ giảm trong khi cơn khát nhiên liệu ngày càng tăng, khiến Quốc hội phải thông qua luật vào năm 1975 để tạo ra nguồn dự trữ.
50 năm sau, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Lượng dầu thô và dầu mỏ xuất khẩu còn nhiều hơn nhập khẩu. Sản lượng của nước này đang ở mức cao kỷ lục và tiếp tục tăng lên, ngay cả khi nhu cầu đã chững lại.
Trong những năm qua, một số người theo phe bảo thủ thậm chí còn kêu gọi bỏ các kho dự trữ, cho rằng các đời tổng thống sử dụng những kho dự trữ dầu này như một công cụ chính trị.
Mặc dù Mỹ vẫn tự tin trước một cuộc khủng hoảng nhưng lượng dự trữ giảm dần cũng đã hạn chế các lựa chọn của Tổng thống Biden để ứng phó với một cú sốc trong tương lai đối với thị trường dầu mỏ, bao gồm cả những cú sốc có thể xảy ra do cuộc chiến mở rộng ở Trung Đông.
Các nhà phân tích dầu mỏ cho biết ngay cả kho dự trữ đầy cũng không thể bảo vệ Mỹ khỏi cú sốc giá sẽ nổ ra nếu một cuộc xung đột lớn làm gián đoạn dòng chảy 20 triệu thùng dầu mỗi ngày qua eo biển Hormuz. Theo ông Bob Ryan - nhà phân tích tại viện nghiên cứu BCA Research, việc dự trữ dầu đầy đủ sẽ giúp Nhà Trắng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran.
Ông Ryan chỉ ra mức dầu dự trữ thấp khiến Mỹ rơi vào tình thế phải dựa vào Saudi Arabia và những nước khác có năng lực dự phòng để tăng cường nguồn cung trong trường hợp nguồn cung dầu của Iran bị cắt giảm.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định họ sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt kinh tế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt đối với Iran vào năm 2018. Nhưng các nhà phân tích theo dõi các chuyến hàng dầu cho biết xuất khẩu của Iran tăng mạnh dưới thời của Tổng thống Biden.
Năm ngoái, thông tin chính phủ Mỹ đã bán 200 triệu thùng ra khỏi kho dự trữ xăng dầu trong 10 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến giá dầu quốc tế tăng vọt vào năm ngoái, với giá xăng trung bình của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trên 5 USD/gallon vào tháng 6/2022. Thị trường dầu mỏ tiếp tục rơi vào hỗn loạn khi các nước OPEC + tuyên bố cắt giảm lượng dầu xuất khẩu.
Cùng năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ có kế hoạch bổ sung nguồn dự trữ bằng cách mua dầu từ các công ty tư nhân, nhưng họ đã tạm dừng các giao dịch mua đó do giá dầu vẫn cao hơn mục tiêu đã đề ra là 67 đến 72 USD/thùng.
Người phát ngôn Nhà Trắng Angelo Fernández Hernández cho biết Bộ Năng lượng vẫn cam kết thực hiện chiến lược bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược thông qua mua bán, trao đổi dầu thô.
Tình trạng lượng dầu dự trữ thấp của Mỹ có trở thành rủi ro an ninh hay không phụ thuộc rất nhiều vào những gì xảy ra với cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Cho đến nay, cuộc chiến vẫn chưa lan rộng sang các quốc gia sản xuất dầu.
Khi thông tin giao tranh ban đầu nổ ra, giá dầu của Mỹ vốn đã giảm xuống gần 80 USD một thùng vào tuần trước đã tăng lên 87 USD một thùng một ngày sau vụ tấn công. Đến tối 13/10, dầu Mỹ vẫn loanh quanh dưới 88 USD.
Anne Slattery, đối tác tại công ty tư vấn rủi ro RSM, lý giải: “Vì dầu không được sản xuất ở Israel hoặc Dải Gaza nên xung đột bùng phát và tác động của nó đối với thị trường năng lượng và dầu mỏ toàn cầu bị hạn chế về phạm vi. Miễn là xung đột vẫn được kiềm chế và không liên quan trực tiếp đến Iran, giá dầu sẽ giảm trở lại mức trước xung đột”.
Báo tin tức