MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ hai tuần tăng chất xơ vào chế độ ăn, hệ tiêu hóa đã có sự thay đổi kỳ diệu

24-04-2021 - 21:32 PM | Sống

Một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng tăng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể giúp ích rất nhiều cho hệ tiêu hóa của bạn.

"Thiếu chất xơ trong chế độ ăn trong thời đại công nghiệp hóa làm cho vi sinh vật đường ruột mất đi nguồn thức ăn. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng như gia tăng tỉ lệ ung thư đại trực tràng, bệnh tự miễn, thậm chí làm giảm hiệu quả của vaccine và các tác dụng phụ với liệu pháp miễn dịch".

Tiến sĩ Katrine Whiteson, phó giáo sư sinh học phân tử và hóa sinh tại Đại học California (UCI) và cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu phân tích tổng hợp tại Mỹ cho biết như trên.

Ăn nhiều chất xơ, tim mạch tốt hơn

Nghiên cứu này phân tích chế độ ăn của người Mỹ và đưa ra kết luận những người ăn nhiều chất xơ có tỷ lệ tử vong do tim mạch thấp hơn.

 Chỉ hai tuần tăng chất xơ vào chế độ ăn, hệ tiêu hóa đã có sự thay đổi kỳ diệu - Ảnh 1.

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp duy trì trái tim khỏe mạnh. Nguồn: Zenfoods.

Tỷ lệ ăn thiếu chất xơ ở người Mỹ rất nghiêm trọng: chỉ 1 trong số 20 người ở Mỹ bổ sung chất xơ theo khuyến cáo.

Cũng theo nghiên cứu nói trên, ruột non không phân giải được chất xơ mà là đại tràng, nơi có vi khuẩn phân hủy chất xơ.

Quá trình phân hủy này tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) là chất có ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. SCFAs cung cấp năng lượng cho các tế bào đại tràng và có liên quan đến tín hiệu tế bào. Một số SCFA còn có tác dụng chống viêm, ảnh hưởng đến hiệu quả của insulin và trọng lượng cơ thể.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng muốn làm rõ hơn về mối quan hệ giữa sự gia tăng ngắn hạn chất xơ trong chế độ ăn, hệ vi sinh đường ruột và sự hiện diện của SCFAs.

Mới hai tuần tăng chất xơ đã thay đổi đáng kể hệ vi sinh đường ruột

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 26 sinh viên và giảng viên tại khoa sinh học của UCI. Tuần thứ nhất, người tham gia ăn theo chế độ bình thường và gửi ba mẫu phân đi phân tích.

Trong tuần thứ 2, người tham gia áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ. Họ theo dõi việc tiêu thụ dinh dưỡng bằng ứng dụng với mục tiêu là 40 gam chất xơ mỗi ngày. Ngoài ra, những người tham gia được cung cấp thêm 10 bữa ăn mỗi tuần với nhiều chất xơ từ các loại thực vật khác nhau.

Trong tuần thứ ba, lượng chất xơ được khuyến khích tăng lên 50 g mỗi ngày và tiếp tục gửi ba mẫu phân khác để phân tích.

Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện ra thành phần của hệ vi sinh đường ruột ở những người tham gia nghiên cứu đã thay đổi khoảng 8% chỉ sau hai tuần sau can thiệp. Chủ yếu là do sự gia tăng của các vi khuẩn phân hủy chất xơ như Bifidobacterium, Bacteroides và Prevotella.

 Chỉ hai tuần tăng chất xơ vào chế độ ăn, hệ tiêu hóa đã có sự thay đổi kỳ diệu - Ảnh 2.

Hệ tiêu hóa sẽ cảm ơn thân chủ rất nhiều khi được cung cấp chế độ ăn giàu chất xơ, giúp hệ vi sinh đường ruột hoạt động mạnh mẽ. Nguồn: freepik.com

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng nồng độ của SCFAs không có ý nghĩa thống kê. Điều này có thể là do các mẫu phân không đại diện chính xác cho nồng độ SCFAs, vì SCFAs chủ yếu được tìm thấy trong thành tế bào ruột. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng 2 tuần can thiệp có thể không đủ lâu để phát hiện sự thay đổi của SCFAs.

"Với đại dịch hiện tại, chúng ta cần có một hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh và đáp ứng tốt với vaccine, chúng tôi khuyến khích mọi người nên có một chế độ ăn đa dạng các loại thực vật như đậu, quả mọng và bơ", TS. Whiteson khuyến cáo.

Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Thư – Tổ chức Y học cộng đồng.

Hiệu đính: BS Hà Xuân Nam – Tổ chức Y học cộng đồng.

Theo Nguyễn Thị Thanh Thư

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên